Đường ùn ứ, nhà xe 'chặt chém' sau kỳ nghỉ lễ

 Một xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội chiều 4/5 đã nhồi thêm hàng ghế giữa. Ảnh: NHƯ Ý
Một xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội chiều 4/5 đã nhồi thêm hàng ghế giữa. Ảnh: NHƯ Ý
TP - Là ngày trả phép dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên ngày hôm qua (4/5) tất các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ùn ứ trong giờ cao điểm. Một số nhà xe đã tăng giá vé gấp đôi. Còn tại TPHCM tình hình giao thông không còn căng thẳng như mọi năm nhờ có các tuyến đường cao tốc “chia lửa”.

Chiều qua đường Phạm Hùng, đoạn trước bến xe Mỹ Đình ngoài CSGT, CATP Hà Nội còn tăng cường thêm Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113, cùng với đó là lực lượng Thanh tra giao thông luôn chốt trực trước cổng ra vào để xử lý xe dừng đỗ không đúng quy định.

Thời điểm 15h30 đường Phạm Hùng trước cổng bến xe Mỹ Đình hơn 20 Cảnh sát an ninh đứng làm nhiệm vụ, do vậy trật tự giao thông được duy trì. Tuy nhiên làn đường đối diện theo hướng siêu thị BigC - cầu vượt Mai Dịch vẫn ùn tắc nghiêm trọng. Nguyên nhân do lượng hành khách đổ ra bắt xe buýt quá đông, trong khi tần suất xe buýt không đáp ứng được nhu cầu cộng thêm tác động từ tắc đường khiến đường Phạm Hùng chiều siêu thị BigC - cầu vượt Mai Dịch đoạn trước bến xe Mỹ Đình ùn tắc kéo dài.

Tình trạng xe khách và phương tiện tăng cao làm cho các khu vực cửa ngõ như Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Pháp Vân - Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng… ùn ứ giờ cao điểm chiều 4/5.

Truy lùng xe khách “ chặt chém”

Lãnh đạo Cty TNHH MTV bến xe Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua các DN vận tải hầu như không thông báo tăng giá vé, do vậy giá cước vận tải hành khách trong dịp này vẫn ổn định như ngày bình thường. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tình trạng nhà xe tự ý nâng giá vé trong những ngày nghỉ lễ vừa qua đã diễn ra, thậm chí có nhà xe tăng cao gấp đôi giá bình thường.

Cụ thể, hiện giá vé tuyến Giáp Bát - Hải Hậu và ngược lại được niêm yết ở bến xe Giáp Bát là 50.000 đến 70.000 đồng/hành khách, tuy nhiên chiều qua xe 18N-8269 chạy tuyến trên đã thu của hành khách 80.000 đồng/người; tương tự, giá vé niêm yết tuyến Giáp Bát - Thái Bình và ngược lại là 80.000 đến 85.000 đồng nhưng chiều qua xe 17B-00887 của nhà xe Mạnh Hùng đã thu của khách 100.000 đồng/ người. Thậm chí qua đường dây nóng, cơ quan chức năng còn nhận được thông tin phản ánh của hành khách, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua một số nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa đã thu giá vé cao gấp đôi.

Đường ùn ứ, nhà xe 'chặt chém' sau kỳ nghỉ lễ ảnh 1

Có giá niêm yết 50.000-70.000 đồng/hành khách, chiều qua xe 18N-8269 chạy tuyến Nam Định đã thu tăng của khách gần 20%. Ảnh: Anh Trọng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tất Thành, giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, sau khi xác minh phản ánh của hành khách qua đường dây nóng, bến xe đã bước đầu xác định một số nhà xe tăng giá vé dịp 30/4 và 1/5, trong đó có một nhà xe chạy tuyến Bỉm Sơn và Đông Sơn (Thanh Hóa). “Chúng tôi đã yêu cầu lái xe lên viết tường trình. Với xe sau khi đã xác định được lỗi tăng giá vé trái quy định bến xe sẽ yêu cầu nhà xe trả lại tiền thu vượt của khách đồng thời từ chối vào bến phục vụ một thời gian”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, trong những ngày tới bến xe đang tiếp tục xác minh, lên danh sách các nhà xe tăng giá vé, nhồi nhét dịp 30/4 và 1/5 theo phản ánh của hành khách để xử lý theo quy định.

TPHCM: cao tốc “chia lửa” với quốc lộ

Nhờ hệ thống đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây chia sẻ bớt lưu lượng, việc lưu thông trên các tuyến quốc lộ dẫn về TPHCM trong ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay không còn căng thẳng như mọi năm.

Chiều 4/5, điểm “nóng” trước cổng khu du lịch Suối Tiên (xa lộ Hà Nội, quận 9) chỉ xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ. Tình trạng ùn ứ xảy ra dưới chân cầu vượt thép tại vòng xoay Ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do mật độ xe máy, xe khách từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đổ về TPHCM quá đông. Các phương tiện di chuyển khá chậm chạp qua khu vực trên.

Ông Dũng, tài xế hãng xe Phương Trang chạy tuyến Nha Trang – TPHCM nhận định: Nếu không có đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, tình trạng ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Ông Dũng lý giải: kể từ khi thông xe kỹ thuật đoạn TPHCM – Long Thành, nhiều người sử dụng ô tô và một số hãng xe khách chạy tuyến TPHCM – Bà Rịa – Vũng Tàu (Hoa Mai, Phương Trang, …) chọn đi đường cao tốc để tiết kiệm chi phí, thời gian. Vì vậy, mật độ lưu thông trên Quốc lộ 1 (đoạn từ Ngã ba Vũng Tàu đến Ngã ba Trạm 2), quốc lộ 51 (đoạn từ Ngã ba Vũng Tàu đến thị trấn Long Thành) giảm mạnh.

Tại cửa ngõ phía Tây, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương cũng góp phần kéo giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1. Đoạn TP Mỹ Tho về TPHCM khá thông thoáng, chỉ xảy ra ùn ứ cục bộ tại một số đoạn thuộc xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM).

Theo ước tính của ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông, trong ngày 4/5 có khoảng 35 -40 nghìn lượt khách được đưa về bến xe, tăng gấp đôi so với ngày thường. Đại diện bến xe Miền Tây cũng cho biết trong ngày 4/5, bến xe đón khoảng 30 nghìn lượt khách về bến.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, năm nay, tình trạng ùn tắc lại xảy ra khá trầm trọng tại một số bến phà, tuyến đường tắt về TPHCM. Tại bến phà Cát Lái (nối TPHCM – Đồng Nai), đến 18 giờ tối 4/5, hàng nghìn người, phương tiện vẫn còn chờ phà. Dòng người xếp hàng kéo dài hàng trăm mét. Nhân viên bến phà phải đến tận nơi để bán vé.

Miền Tây - Cháy vé cục bộ và tăng giá nhất thời

Ngày 4/5, khách đi các tỉnh Miền Tây đến TPHCM đông đúc, chầu chực tại các bến xe khách các tỉnh. Tại Bến xe Cà Mau, các hãng xe khách Phương Trang, Mai Linh, Tuấn Hưng...đã hết chỗ, dù khách gọi điện thoại đặt chỗ trước 2- 3 ngày cũng không có. Đến hết ngày 4/5, các hãng xe khách có lưu lượng xe lớn đã hết vé và muốn đi phải đặt trước 1-2 ngày. Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, xe khách Thành Châu tăng giá vé 40% so với ngày bình thường, với mức giá 250.000đ/lượt từ TP Cà Mau- TP HCM.

Nguyễn Tiến Hưng

MỚI - NÓNG