Dưỡng nguồn hơn là tận thu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, ngành tài chính Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu, thậm chí thu vượt xa chỉ tiêu rất nhiều, đặc biệt là vào những ngày, tháng cuối cùng của năm. Những năm cam go nhất như 2020 và 2021 khi dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp, hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ, nhưng sau tất cả, ngành Tài chính vẫn đảm bảo cho ngân sách không bị thâm thủng; ngành Tài chính cũng "mát mặt" khi hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày này, giá cả các mặt hàng bắt đầu rục rịch đua nhau tăng do giá xăng dầu thế giới liên tiếp lập đỉnh từ đầu năm 2022 đến nay. Giá xăng dầu tăng, đầu vào tăng, giá hàng hoá ắt phải tăng theo khi chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi cho nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Việc doanh nghiệp giữ giá, tạm thời không tăng ngay chỉ có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn. Còn khi giá tăng cao, kéo dài, việc giữ giá là bất khả thi kể cả khi doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí.

Trong tính toán gần đây khi đưa ra đề xuất về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính cho hay, với mức giảm 2.000 đồng/lít với mặt hàng xăng và 1.000 đồng/lít với mặt hàng dầu, nếu áp dụng từ 1/4 tới hết năm 2022, thu ngân sách nhà nước từ sắc thuế này sẽ giảm gần 24 nghìn tỷ đồng. Con số giảm thu nhìn như vậy cũng khá nhiều. Tuy nhiên, phải hiểu số giảm thu trên chỉ có thật khi việc giảm thuế kéo dài đến hết năm. Còn chỉ kéo dài vài tháng, số giảm thu sẽ ít hơn rất nhiều.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chính đại diện của nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khẳng định, việc giảm thu thuế bảo vệ môi trường nghe thì có vẻ to nhưng thực tế Bộ Tài chính chưa hề nhắc tới, thậm chí ít muốn công khai chi tiết đã thu thêm được bao nhiêu khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng trong gần 3 tháng qua? Giá càng tăng, số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế nhập khẩu trong kinh doanh xăng dầu đương nhiên cũng luỹ tiến tăng.

Các số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, luỹ kế thu ngân sách hai tháng đầu năm đạt khoảng 323.800 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Chỉ trong hai tháng, 3 khoản thu chính cho ngân sách đạt xấp xỉ 23% dự toán năm, đến từ thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu. Cả ba nguồn thu này đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021 với mức tăng lần lượt 7,6%; 57,2% và 29,4%.

Cũng chính số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, dù sản lượng khai thác dầu hai tháng đầu năm giảm gần 9% so với cùng kỳ 2021, đạt 1,3 triệu tấn, nhưng nhờ giá dầu tăng 23 USD một thùng (tức tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước) nên khoản thu từ xuất khẩu nhiên liệu này cũng tăng mạnh. Số thu tăng tới 57,2% trong 2 tháng từ dầu thô cho thấy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường nếu diễn ra cũng sẽ được bù đắp dễ dàng từ chính sản lượng xăng dầu nhập khẩu tăng.

Với ngành Tài chính ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nuôi dưỡng nguồn thu tốt hơn tăng thu, nguồn thu luôn là tiêu chí số 1 để nền tài chính quốc gia được bền vững. Doanh nghiệp có khỏe, có lãi nhiều thì càng đóng góp nhiều cho ngân sách. Tư duy "thu lấy được" sẽ khiến nhiều thứ suy kiệt, người dân và doanh nghiệp… ít dần động lực phát triển.

MỚI - NÓNG