Đường lên mùa vàng Mù Cang Chải

Hành trình còn thú vị khi được gặp những em nhỏ hiếu khách. Ảnh: Xuân Tùng
Hành trình còn thú vị khi được gặp những em nhỏ hiếu khách. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Từ giữa tháng 9, nhiều dân phượt náo nức thực hiện hành trình hơn 300 km Hà Nội - Mù Cang Chải (Yên Bái) để hòa mình vào không gian vàng của mùa lúa chín. Như nhiều đoàn, chúng tôi chọn Mù Cang Chải mà không phải Y Tý (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) vì cung đường đẹp, lại có thể gói gọn trong dịp cuối tuần.

Vượt đèo Khế, đèo Ách sang đất Nghĩa Lộ (Yên Bái) là bắt vào cung đường nhiều cua dốc uốn lượn mềm mại theo những trảng ruộng bậc thang trùng điệp. Dọc dài đường có suối, thác nhỏ, những dải dài hoa mua tím lịm, xuyến chi biêng biếc…

Hành trình thú vị hơn khi chạm đèo Khau Phạ (theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là Chiếc sừng nhô đến tận trời), một trong bốn đỉnh đèo của miền Bắc; là đèo dài nhất, hiểm trở nhất và cũng đẹp nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km.

Đi giữa không gian lưng chừng trời, các thành viên được hít hà đến căng lồng ngực thứ không khí trong lành mát lạnh. Phóng tầm mắt xa rộng để ngắm những cánh đồng, giữa những lòng thung. Hiện ra trước mắt chúng tôi là sắc vàng tươi của thửa ruộng lúa chín chưa gặt, màu vàng sậm của chân rạ, màu nâu nhạt...

Qua đèo, tà tà xe máy để thưởng ngoạn, chụp ảnh trước những góc ruộng đẹp, ngôi nhà sàn với những mái hiên treo những hàng ngô óng đỏ; cảnh đồng bào thu hoạch, sàng sảy lúa.

Cả những thửa ruộng đổ nước… Thú vị nữa là chuyện trò, chụp ảnh với những em nhỏ người dân tộc Mông hiếu khách, tự nhiên tiếp chuyện mà không gặp cảnh chìa tay xin tiền…

Ở thị trấn Mù Cang Chải không nhiều nóc nhà, hay quán cà phê cổ như thị trấn Đồng Văn (Hà Giang), chợ đêm như Sa Pa (Lào Cai)… Nhưng ở đây, du khách được thả mình trong buổi tối yên tĩnh se se lạnh; và tận hưởng những món ăn mang đậm hương vị núi rừng.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.