Đường đi của hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại trong 'đại án' VNCB

TPO - Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cho rằng trong hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại của VNCB thì khoản tiền này nằm tại các ngân hàng nên đề nghị cấn trừ thiệt hại hoặc HĐXX tuyên khoản tiền này là vật chứng của vụ án để thu hồi.

Ngày 10/1, HĐXX đã bắt đầu thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm đã gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 6.000 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho rằng, thời điểm năm 2013, VNCB gặp khó khăn nên Phạm Công Danh và cấp dưới đã phải đưa tài sản cá nhân vào để chi chăm sóc khách hàng nhằm mục đích huy động vốn. Khi đó, ông Phạm Công Danh đã đi vay tiền nhiều đối tác với lãi suất cao.

Đường đi của hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại trong 'đại án' VNCB ảnh 1 Bị cáo Phan Thành Mai

Bị cáo Phan Thành Mai khai tại tòa khi vay tiền từ ba ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank và được giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng. Số tiền này vào tài khoản của Phạm Công Danh và một số tài khoản do Danh chỉ định.

Trong đó, gần 4.500 tỷ đồng các bị cáo đã dùng để tăng vốn điều lệ của VNCB, 600 tỷ đồng chuyển cho bà Hứa Thị Phấn, 166 tỷ đồng cho ông Trần Qúy Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát), 23 tỷ đồng chuyển cho bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh).

Đường đi của hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại trong 'đại án' VNCB ảnh 2 Các bị cáo trong phòng xử

Để khắc phục hậu quả, bị cáo Mai cho rằng trong hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại của VNCB thì khoản tiền này nằm tại các ngân hàng nên đề nghị cấn trừ thiệt hại hoặc HĐXX tuyên khoản tiền này là vật chứng của vụ án để thu hồi.

HĐXX cho rằng sẽ xem xét lời khai của bị cáo Phan Thành Mai kèm với giám định tài chính của Ngân hàng Nhà nước trong việc này.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền này để chi tiêu, trả nợ… Cụ thể, từ năm 2013-2014, Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (Sacombank là 1.830 tỷ đồng, TPBank là 1.740 tỷ đồng, BIDV là 2.550 tỷ đồng) gây thiệt hại hại trên 6.000 tỷ đồng của VNCB.

Đối với bị cáo Danh, là người chủ mưu và chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi trên 6.000 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó lấy tiền để Danh sử dụng.

Bị cáo Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất cho Danh vay 1.800 tỷ đồng. Hồ sơ vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định. Hành vi của Trầm Bê đã tạo điều kiện để Danh có được tiền, sử dụng trái phép gây thiệt hại cho VNCB. Như vậy, Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại 1.830 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".