Đường đến giảng viên ở Mỹ của chàng kỹ sư Việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từng giữ vai trò Phó Giám đốc dự án của Tổng Cty Xây dựng số 1 (CC1), anh Lê Hải Châu đã xin nghỉ việc để rẽ sang theo đuổi nghiên cứu khoa học ở tuổi 30. Quyết định liều lĩnh này được ví như một "khoảnh khắc khơi dòng" cho những thành tựu nghiên cứu mà anh đạt được ở xứ sở cờ hoa. 

Tiến sĩ Lê Hải Châu (SN 1988, quê ở Bạc Liêu) hiện là Assistant Professor (mức độ đầu tiên của 3 bậc giáo sư ở Mỹ) khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Đại học Bang Bắc Dakota (Dakota Bắc, Mỹ). Hướng nghiên cứu chính của anh là các ứng dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để ra quyết định, đánh giá, nâng cao hiệu suất dự án xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng, chi phí, chất lượng an toàn, có tính bền vững.

Đường đến giảng viên ở Mỹ của chàng kỹ sư Việt ảnh 1


"Bước ngoặt" tuổi 30

Tốt nghiệp top đầu Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (năm 2011), anh Lê Hải Châu được tuyển thẳng lên học Thạc sĩ Quản lý và Kỹ thuật Xây dựng. Vừa học cao học, anh vừa đảm nhiệm vai trò Kỹ sư Đấu thầu của Tổng Cty Xây dựng số 1.

Từ vai trò kỹ sư đến vị trí Phó Giám đốc của một dự án gần 3.000 tỷ đồng chỉ trong vài năm, nếu theo lộ trình phấn đấu, anh sẽ còn tiến xa hơn nữa trong ngành Xây dựng. Tuy nhiên, chàng trai Bạc Liêu nhận ra rằng, anh đang dần mất đi hứng thú với công việc lặp đi lặp lại hàng ngày ở công trường. Do vậy, dù có thu nhập tốt, cuộc sống ổn định nhưng bản thân chưa được thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, phát triển tư duy, tìm và giải quyết các vấn đề mới... anh đã quyết định đi du học, "nối lại" hành trình nghiên cứu ở tuổi 30.

Đầu năm 2016, anh xin nghỉ việc, về làm giảng viên của trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Trong 1 năm giảng dạy tại trường, chàng trai 8x đã tranh thủ học các chứng chỉ như IELTS, GRE... để làm hồ sơ xin học bổng du học. Anh đã tiếp cận và tìm hiểu về danh sách các trường đại học uy tín ở Mỹ có ngành xây dựng, sau đó, theo dõi các giáo sư đầu ngành qua trang web cá nhân hoặc cổng thông tin của trường. Sau khi đã xác định được ai là người sẽ dẫn dắt mình, đâu là nơi mình cần đặt chân đến, Lê Hải Châu gửi email xin học bổng nghiên cứu sinh.

Điều bất ngờ, anh được phản hồi lại email chỉ trong thời gian ngắn với cam kết học bổng toàn phần và hỗ trợ phí sinh hoạt cho 4 năm làm nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật liên ngành, Đại học Texas, Mỹ.

Đi du học ở tuổi 30, anh Châu thừa nhận, mình có lợi thế hơn nhiều bạn du học sinh khác ở sự trải nghiệm, vốn sống và khả năng đối mặt với các "cú sốc" văn hóa. Anh cho rằng, du học sinh dễ gặp các "cú sốc" bởi trước đó hình dung cuộc sống hơi màu hồng, chưa thực tế. Đối với những người đã đi làm, cái nhìn cuộc sống của họ thực tế và dễ dàng đương đầu hơn.

"Quay trở lại học tập sau nhiều năm, tôi chỉ có nỗi áp lực nhỏ về năng lực tiếp thu kiến thức của mình. Sợ sẽ không theo kịp sự nhạy bén, tư duy tốt của các bạn trẻ", TS Châu nhớ lại.

Nhờ những trải nghiệm được "gom nhặt" ở ngoài công trường, chàng trai 8x tự tin khi giao tiếp và ứng xử với các giáo sư nước ngoài trong quá trình trao đổi, học tập. Anh lưu ý: "Thầy dạy nghiên cứu cũng là sếp của mình, nên cần có cách ứng xử tinh tế, phù hợp, từ việc trả lời email đến báo cáo, thảo luận, mở rộng vấn đề sao cho "bớt ngây thơ".

Đường đến giảng viên ở Mỹ của chàng kỹ sư Việt ảnh 2

Danh hiệu và giải thưởng TS Châu đã đạt được:

Bài báo khoa học lựa chọn của BTV tháng 5/2020, Tạp chí Quản lý Kỹ thuật, ASCE;

Nổi bật trong Hộp công cụ dành cho Kỹ sư của ASCE News (2020);

Giải thưởng Du lịch Thuyết trình và Nghiên cứu sinh viên sau đại học, Đại học Texas A&M, Mỹ (2020);

Bài bình chọn của BTV cho tháng 7/ 2018, Tạp chí Quản lý Kỹ thuật, ASCE;

Bằng khen uy tín của Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam (2015);

Bằng khen uy tín của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam (2014);

Huy chương Bạc tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM (2011);

Học bổng Kitagawa dành cho sinh viên đại học xuất sắc (2010);

Huy chương Đồng Olympic Cơ học toàn quốc (2009);

Học bổng JBAH dành cho sinh viên đại học xuất sắc (2008);

Học bổng Hà Tiên dành cho sinh viên xuất sắc (2007);

Giải Quốc gia môn Toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (2006, 2005);

Huy chương Bạc Olympic Toán Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam (2006).

Làm giảng viên tại Mỹ

Bước vào hành trình nghiên cứu, anh Châu đã xác định mình cần phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để ra quyết định, đánh giá, nâng cao hiệu suất dự án xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng, chi phí, chất lượng an toàn, có tính bền vững. Theo đó, anh nhận được sự ủng hộ và lời khen của giáo sư về tính thực tiễn và khả năng áp dụng lên đời sống rất cao.

TS Châu cho rằng, điểm khác của nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý xây dựng so với các ngành khác đó là tập trung nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, người làm nghiên cứu phải biết được vấn đề thực tế mà ngành đã gặp phải, gặp vấn đề thực tế gì thì mới đặt ra vấn đề nghiên cứu đó. Chứ không phải giải quyết vấn đề mà người nghiên cứu tự tưởng tượng ra. Hơn nữa, nghiên cứu phải đóng góp cho ngành (các kỹ sư khác có thể ứng dụng nghiên cứu của mình cho công việc của họ), vừa đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu chung.

Tốt nghiệp Tiến sĩ vào tháng 8/2021, TS Lê Hải Châu đã được tuyển thẳng lên chức danh Assistant Professor (mức độ đầu tiên của 3 bậc giáo sư ở Mỹ) khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Đại học Bang Bắc Dakota (Dakota Bắc, Mỹ). Hiện anh đã có hơn 30 ấn phẩm nghiên cứu khoa học chỉ sau hơn 5 năm đến Mỹ cùng nhiều giải thưởng danh giá.

Đường đến giảng viên ở Mỹ của chàng kỹ sư Việt ảnh 3
TS Châu đang hướng dẫn sinh viên.

Để được tuyển thẳng lên chức danh Assistant Professor mà không qua làm nghiên cứu sau tiến sĩ, TS Châu chia sẻ kinh nghiệm vượt qua 3 vòng như sau:

Vòng hồ sơ: Phải cạnh tranh với khoảng 100 hồ sơ khác cho vị trí này (bao gồm cả nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đến các giáo sư đang làm việc tại trường khác). Nhà trường sẽ chỉ chọn lọc ra 10 hồ sơ nổi bật để phỏng vấn online.

Vòng phỏng vấn online: Mỗi người sẽ có khoảng thời gian ngắn để trình bày những ưu, nhược điểm, thông tin cá nhân, thành tích nổi bật. TS Châu lưu ý, không nên tự khen hoặc tự chê mình quá nhiều, hãy thể hiện một cách chân thành và thực tế nhất. Sau đó, ban tuyển chọn sẽ chọn ra 3 người vào vòng tiếp theo.

Vòng phỏng vấn trực tiếp: Các ứng viên sẽ trực tiếp đến trường tham gia phỏng vấn trong hai ngày bao gồm các nhiệm vụ như thuyết trình về nghiên cứu của bản thân; giảng dạy thử nghiệm một lớp học do trường chỉ định; gặp gỡ, giao lưu với các giáo sư, giảng viên, sinh viên để họ đưa ra nhận xét, đánh giá.

Kết quả này đã khiến anh "sốc" và chưa sẵn sàng đảm nhiệm vai trò mới với áp lực vừa nghiên cứu, giảng dạy, vừa đóng góp công sức cho những dịch vụ của cấp quốc gia, trường... Tuy nhiên, mỗi ngày được trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, TS Châu như được nhìn lại chính mình trong các bạn sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, khi có cơ hội được đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ muốn "dấn thân" vào nghiên cứu, anh luôn nói:

Kiên trì, không nửa vời, phải đứng "trên bờ vai của những người vĩ đại", phải đọc những nghiên cứu trước đây và biết phản biện, nhận ra những điểm yếu, thiếu sót mà mình có thể giải quyết rồi đưa ra nghiên cứu mới;

Cởi mở, tiếp thu ý kiến góp ý của người khác để giúp mình tốt hơn, tăng khả năng sáng tạo, có khả năng làm việc chi tiết, cụ thể (biết diễn giải ý tưởng);

Phải tò mò về những ứng dụng công nghệ cho xây dựng, cách áp dụng khác như thế nào;

Nâng cao khả năng giao tiếp, thuyết trình ý tưởng của mình trước đám đông, cách nói chuyện truyền tải ý tưởng của mình với người khác.


  • MỚI - NÓNG