Suối dây đã tỏa trăm chiều
Trời đầu hạ đã giội xuống hơi nóng hầm hập, nhưng ai cũng háo hức vào Mường Khến (Mãn Đức, Hòa Bình). Cột điện số hiệu 53, 54 như những lực sỹ lừng lững vươn lên giữa hai mỏm núi đá dựng đứng để gánh trên mình sứ mệnh cao cả. Dấu tích 20 năm trước không còn, mảnh đất trống phủ đầy cỏ.
Chính vị trí này, ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công dự án đường dây 500 kV mạch 1. Nghe nói hôm đó phạm ngày xấu, nên anh em đã phải làm lễ từ hôm trước. Giờ ngó quanh, chỉ thấy bụi rậm, núi đá. Giá như ở đây có một nhà lưu niệm, hay chí ít là một bia ghi nhớ…
Quay lại với miền Trung nắng gió, địa bàn khắc nghiệt nhất của đường dây 500 kV mạch 1. Cái khó không chỉ là địa hình hiểm trở mà còn bởi tính đỏng đảnh của thời tiết sáng nắng, chiều mưa và rồi vắt rừng ruồi vàng, thú rừng và cả bom đạn quân thù còn lại.
Đội trưởng đội truyền tải điện Phước Sơn (Quảng Nam) Huỳnh Văn Tường đã có gần 20 năm gắn bó với những cây cột siêu cao áp trên đỉnh Trường Sơn tự tin rằng vắt, ruồi vàng chỉ dọa được mấy tân binh thôi, với anh em lâu năm thì cứ cho cắn thoải mái, rồi bắt sau.
Cả đội 20 người nhưng quản 45km đường dây với gần 100 cột. Tường bảo, sợ nhất là lũ, đồi dốc dựng đứng, lũ về nhanh có thể thổi phăng hàng chục khối bê tông dưới mỗi chân cột. Lũ về cũng cắt te tua những con đường, anh em có khi phải làm đu dây ứng cứu mỗi khi cột điện bị đe dọa.
Ngành điện còn truyền tai nhau về vị lãnh đạo công ty truyền tải điện 2 khi đu dây ứng cứu cho mố trụ cột 1906 mùa lũ năm 1996, khi băng qua lũ thì hỡi ôi chiếc quần đùi trên mình đã không kéo mà trôi. Trận lũ đó đã ghi kỷ lục đi bộ trong lũ rừng 40 km…
Những người thợ canh giữ đường dây trên đỉnh Trường Sơn
Ngược lên đỉnh dãy Trường Sơn khi trời vẫn nắng xối lửa. Tường nói, e trên đó mưa to. May là trời không mưa. Trưởng Truyền tải điện Kon Tum- Gia Lai Hàn Trạch Quang đón chúng tôi khi nhọ mặt người. Biết đoàn nhà báo Hà Nội vào, anh em vui vẻ kể nhiều chuyện, từ việc phát cây, gặp rắn, đến việc gùi nước, vác xi măng vào hàn vá cho mố trụ điện sau lũ. Hay chuyện dập lửa mùa đốt nương. Và rồi, câu chuyện “ uống sữa hổ” của cánh đường dây được bàn sôi nổi.
Số là 20 năm trước hổ còn nhiều ở Tây Nguyên, đối mặt giữa sự sống và cái chết anh em đường dây buộc phải hạ con hổ. Con hổ cái đang độ cho con bú… Chia tay, anh Quang đặt vào tay tôi tập tài liệu.
Trên chuyến xe lắc lư dưới ánh trăng mờ những con chữ cứ nhảy lên trước mắt. Trang cuối của tập tài liệu được đánh máy rất trân trọng kể về thành tích của đơn vị, có đoạn: Ngày 12/4/1994: Bộ Năng lượng tổ chức mừng đón điện ĐZ 500 kV qua trạm biến áp 500 kV Pleiku (Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đến dự và phát biểu),… Ngày 10/2/1996: Lần thứ hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm trạm biến áp 500 kV Pleiku (có chụp hình cùng với anh em vận hành)...
Trên 500 km qua địa bàn miền Trung- Tây Nguyên đã có đến hàng chục cây số đường dây chạy chỉ cách biên giới Lào - Campuchia chỉ chừng 10 đến 15 cây số. Hoàng Xuân Kiệt, đội trưởng truyền tải điện Kon Plông điểm cho chúng tôi hàng loạt cột điện tiêu biểu. Nào là cột ở trên đỉnh cao nhất, nào là cột có kích thước lớn nhất… Đáng chú ý đội của Kiệt quản lý cột điện tại thôn 1, xã Bờ Ê, Kon Plông. Cột điện được dựng ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, nhưng điều đặc biệt là từ đường vào đến chân cột xa 11km.
Anh em đi phát tuyến đều phải đi bộ. Ngộ nhỡ có sự cố gì với đường dây? Kiệt bảo, bà con dân tộc mình tốt lắm. Nếu thấy sự cố gì, bà con đi rẫy đều báo đơn vị cả… Chia tay Tây Nguyên, hình ảnh những cây cột vươn lên trời xanh dang những cánh tay nâng niu những sợi tơ lấp lánh mới thấy câu thơ của nhà thơ Phạm Sỹ Đại thật ý tứ.
Suối dây đã tỏa trăm chiều
Chở muôn khúc nhạc về heo hút làng
Dàn hàng ngang mà đánh
Đem những thắc mắc từ chuyến đi thực tế gửi đến ông Lê Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng, Trưởng Ban quan lý dự án đường dây 500 kV mạch 1, tôi nhận được một nụ cười. “Cậu không viết gì đâu nhé, hôm nay chỉ trò chuyện ngoài đường dây thôi”- ông dặn. Thế nhưng câu chuyện ngược xuôi thế nào lại ngoằng vào đường dây. Cậu bảo làm sao nhanh thế à? Hai năm cho 1.500km? Tớ đố cậu biết? Dồn dập những câu hỏi ngược. Thì ra ông vẫn tâm huyết lắm. Và ông tự trả lời, đó là dựa vào sức dân, đó là sự quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sự quyết liệt của nguyên Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Ngừng chút, ông tự nhận mình nói hơi thừa. Nhưng cũng ít người biết rằng, ông Liêm khi đó đã nổi tiếng với tuyên ngôn “dàn hàng ngang ra mà đánh”. Đồng thời trên cả ba miền các mũi tiến công dồn dập tạo ra một đại công trường. 700 ngày cho 1.500 km đường dây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguyên vật liệu phải nhập khẩu và chúng ta chưa từng làm đường dây 500 kV đã trở thành một kỳ tích.
Việc thi công cũng không theo phương pháp “cuốn chiếu” mà triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 4 đơn vị thi công chủ lực là các Cty xây lắp điện 1, 2, 3, 4 thuộc Bộ Năng lượng và TCty Xây dựng thủy điện Sông Đà phân chia đường dây thành 4 cung đoạn thi công gồm: TCty Sông Đà thi công đúc móng, dựng cột đoạn tại Hòa Bình dài 24km; Cty xây lắp điện 1 đoạn từ Hòa Bình đến trạm bù Hà Tĩnh dài 341,68km; Xây lắp điện 3 thi công từ Đắc Lây đến Kon Tum) dài 523,35km; Xây lắp điện 4 từ Buôn Ma Thuột - Đắc Lắc dài 308km và Xây lắp điện 2 từ Gia Lai đến Phú Lâm (TPHCM) dài 320,67km.
Phải mất gần 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, VN mới xây dựng được hệ thống điện siêu cao áp 500kV đầu tiên thống nhất lưới điện Bắc- Trung - Nam. Vào lúc 19h06’ ngày 27/5/1994, tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức phát lệnh đóng điện đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 1 hòa lưới điện từ Bắc vào Nam, giải tỏa công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chấm dứt nạn “đói điện” triền miên ở TPHCM – “đầu tàu” kinh tế lớn nhất nước
Sau 20 năm, ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng vẫn nhớ như in hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ông ở trại giam Thanh Xuân (Hà Nội). Ông kể, sáng 28/5/1994, anh Sáu Dân (tên gọi thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đến thăm ông và hỏi: “Cậu có biết hôm qua là ngày gì không”? Rồi anh Sáu nói, là ngày đóng điện đường dây 500 kV đấy. Và cho biết ông đã phải đến trước giờ đóng điện 2 giờ, đúng 17h15 ngày 27/5/1994 điện mới đóng. Ông Hải hỏi anh Sáu một cách thân mật: “Hôm qua anh có ngủ được không”? Anh Sáu Dân trả lời: “Hôm qua mình không ngủ được vì sướng quá, mấy hôm trước cũng không thể ngủ được vì lo quá”. Khi đã nhấp ly sâm banh mà cố Thủ tướng mang vào, ông Hải mạnh dạn hỏi: “Hình như cấp trên không cho phép khánh thành?”. Ngồi nghiêam nghị, đoạn anh Sáu nói: “Thôi phải chấp hành”!
Lịch sử sẽ ghi dấu công trình đường dây 500kV Bắc- Nam là công trình vĩ đại, chất chứa tâm huyết và lòng quả cảm của người đứng đầu Chính phủ. Ông Hải không nhớ lắm, nhưng hình như đã có đến mươi bận anh Sáu Dân xuống kiểm tra và tháo gỡ những khó khăn ngay tại công trình. Điều tâm huyết nhất mà cũng là bài học thành công của dự án theo ông Hải được hội tụ ở công tác chỉ đạo điều hành và sự tập hợp sức mạnh, trí tuệ của tập thể. Cùng làm đường dây có nhiều bộ cùng tham gia như Bộ Năng lượng, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và cả sự đảm bảo tài chính từ Bộ Tài chính.
Trước khi đưa ra quyết định đầu tư dự án, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần hỏi ông Vũ Ngọc Hải: “Về yếu tố kỹ thuật, có cách nào xử lý được vấn đề 1/4 bước sóng?”. Ông khẳng định với Thủ tướng là xử lý được bằng cách đặt tụ bù dọc, kháng bù ngang ở các trạm biến áp 500kV. Từ đó, điện áp đầu nguồn và cuối nguồn sẽ tương đương và hoàn toàn không còn lý do để lo ngại về bước sóng”. Thế là chỉ không đầy 1 tuần, Thủ tướng có quyết định Việt Nam tự xây dựng đường dây 500kV đầu tiên. Và không ai có thể nghĩ tới là hai năm sau, gần 1.500 km đường dây 500 kV đã đóng điện thành công. Suối điện từ Bắc đã miệt mài tuôn chảy cho những cánh đồng, đô thị, công nghiệp miền Trung, miền Nam của Tổ quốc. Ngay cả tư vấn nước ngoài cũng khẳng định, công trình phải mất tới 10 năm mới có thể hoàn thành.