Đường dây chuyên nghe lén bồ bịch xuyên Việt hoạt động thế nào?

Công an làm việc với đối tượng Lê Kim Đính.
Công an làm việc với đối tượng Lê Kim Đính.
Các đối tượng đã mua phần mềm chuyên nghe lén điện thoại ở nước ngoài về và bán lại cho khách hàng cũng như thực hiện các thao tác cài đặt vào điện thoại của người bị nghe lén. Sau khi cài đặt phần mềm này, mọi thông tin cá nhân của người bị nghe lén sẽ được chuyển về 1 hộp thư điện tử do người cài đặt lập ra.

Ngày 18/11, các trinh sát của Bộ Công an đã bắt giữ 5 nghi can để điều tra hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác.

Đáng nói, cả 5 đối tượng bị bắt giữ được xác định là có quan hệ thân thích với nhau. Cụ thể, giữ vai trò cầm đầu là vợ chồng Lê Kim Đính (33 tuổi) – Nguyễn Thị Huế (29 tuổi, cùng ngụ quận Thủ Đức). 3 người còn lại là Nguyễn Văn Cao (28 tuổi), Nguyễn Văn Nguyên (25 tuổi, cùng là em ruột của Huế) và Lê Đức Anh (24 tuổi, là em họ của Huế, tạm trú TP Hà Nội).

Công an xác định, Đính và Nguyên đứng tên thành lập 2 công ty có trụ sở ở quận Tân Bình (TPHCM) và thiết lập hàng loạt website, trang mạng xã hội facebook núp bóng hoạt động như mô hình công ty thám tử một cách bất hợp pháp.

Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này là lên mạng rao bán các phần mềm theo dõi cho những người có nhu cầu. Trong đó khách hàng tiềm năng của nhóm đối tượng này là bồ bịch muốn theo dõi nhau, hoặc đối tác làm ăn muốn lấy thông tin nhau.

Sau khi khách hàng mua phần mềm này về, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ cách cài đặt vào điện thoại của người cần theo dõi và thu thập thông tin.

Một cán bộ của C50, khu vực phía Nam cho hay, khi cài phần mềm vào điện thoại, máy sẽ tự động kích hoạt các chế độ như: ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn, hình ảnh. Nguy hiểm hơn, máy điện thoại sẽ tự động kích hoạt chế độ chụp hình, quay phim mà người bị theo dõi không hề hay biết. Toàn bộ thông tin, hình ảnh sẽ được chuyển vào một tài khoản trên mạng, khách hàng chỉ cần lên đó xem và nghe thông tin.

Đặc biệt hơn, phần mềm của chúng cài vào không gây tốn pin, không có dấu hiệu lạ gì trên điện thoại để người bị nghe lén có thể phát hiện ra được.

Đầu năm 2015, trinh sát của C50 đã phát hiện ra hoạt động của băng nhóm trên nên đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh. Tuy nhiên sau đó nhóm này thay đổi phương thức hoạt động, nhận hợp đồng thám tử hay bán phần mềm, hướng dẫn cài đặt chúng không thực hiện trực tiếp mà chuyển sang hướng dẫn thông qua mạng Internet, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã lần ra dấu vết của nhóm đối tượng này và tiến hành bắt giữ như đã đề cập.

Đường dây chuyên nghe lén bồ bịch xuyên Việt hoạt động thế nào? ảnh 1 Đối tượng Lê Kim Đính nghe công an đọc lệnh khám xét.

Quá trình khám xét nhà của vợ chồng Đính - Huế ở chung cư Sunview 2, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM và các đối tượng còn lại ở Bình Dương, Hà Nội, Cơ quan công an thu giữ nhiều máy móc thiết bị chứa phần mềm nghe lén, thống kê về số lượng khách hàng mà nhóm này đã nhận dịch vụ “thám tử” hay bán phần mềm…

Bước đầu, cơ quan công an xác định, đường dây này hoạt động từ năm 2012 đến nay, thực hiện nghe lén hàng ngàn “hợp đồng”, thu lợi bất chính gần 5 tỷ đồng.

Các hợp đồng thực hiện nghe lén chủ yếu theo dõi bồ bịch, vợ chồng, đối tác kinh doanh. Cơ quan công an cũng xác định các khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó phần lớn là ở Hà Nội và TPHCM.

Theo cơ quan điều tra, việc tạo ra, cài đặt, mua bán những phần mềm theo dõi, nghe lén thông tin của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và khuyến cáo người dân không nên sử dụng cũng như tiếp tay cho các đối tượng mua bán những phần mềm này để sử dụng vào mục đích bất chính.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG