Đường bộ, đường sắt, hàng không rầm rộ giảm cước

Đường bộ, đường sắt, hàng không rầm rộ giảm cước
TP- Đến chiều ngày 10/11, nhiều “đại gia” vận tải đường bộ đã rầm rộ thông báo giảm giá cước sau khi giá xăng, dầu giảm. Một số khác thì tuyên bố tăng chất lượng phục vụ. Đường sắt, hàng không cũng không ngoài cuộc.

Tại phía Bắc, Giám đốc Trung tâm Tân Đạt (đơn vị vận tải khách thuộc Tổng Cty Vận tải Hà Nội) Nguyễn Thái Sơn cho biết: “Tuyến Hà Nội-TPHCM giảm 10%, giá vé giảm từ 560.000 đồng còn 510.000 đồng. Các tuyến kế cận Hà Nội cũng sẽ giảm từ 5-10% tùy từng tuyến trong nay mai. Thị trường vận tải khắc nghiệt thế, giá nhiên liệu đã giảm nên chúng tôi phải giảm giá cước để cạnh tranh, kích cầu”.

Ông Phạm Bá Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô miền Bắc cho biết, từ 11/11, nhiều đơn vị vận tải và các tuyến khu vực phía Bắc chính thức niêm yết giá cước giảm ít nhất 10%.

Theo ông Cường, tính toán của Hiệp hội, giá dầu diezel giảm 19%, trở về đúng thời điểm của ngày 15/3. Từ đó đến nay, giá cước bình quân tăng trên 10% nên giảm mức này là phù hợp”.

Cty Cổ phần vận tải ô tô Nam Định là đơn vị nhanh nhạy trong việc giảm giá cước. Tin cho biết, đơn vị này đã hoàn tất thủ tục với các cơ quan chức năng. Theo đó, giá niêm yết tại Bến xe Nam Định và Giáp Bát từ ngày 11/11 sẽ giảm 10% với 90 xe chạy tuyến Nam Định - Hà Nội (giảm từ 50.000 đồng còn 45.000 đồng).

Chủ tịch HĐQT Hãng taxi Hương Lúa Đinh Văn Sáu cho biết, từ ngày 11/11, giá cước sẽ giảm 1.000 đồng/1km. Giá mới sẽ là 8.000 đồng/km cho 20 cây số đầu, từ km 21 trở đi chỉ còn 6.000 đồng/km.

Chiều 10/11, Phó Tổng GĐ Taxi Mai Linh phụ trách vận tải ta xi Mai Linh Trương Quang Mẫn, cho biết: “Sáng 10/11, Mai Linh đã làm thủ tục giảm giá cước. Dự kiến đến ngày 14/11, giá cước mới sẽ có hiệu lực. Giá cước taxi giảm 500 đồng/km, giá mở cửa từ 15.000 đồng còn 12.000 đồng, cước đường dài 8.000 đồng còn 7.000 đồng”. 

Không những vận tải đường bộ mà ngành đường sắt cũng tuyên bố giảm giá cước vận tải hàng hóa. Đại diện Tổng Cty Vận tải Đường sắt Việt Nam cho biết: Do giá dầu diezel giảm, từ 0 giờ ngày 15/11/2008, đơn vị tiếp tục giảm thêm 3% mức phụ thu tăng nhiên liệu đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt (Như vậy kể từ ngày 25/10/2008 đến ngày 15/11/2008, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã 2 lần giảm mức phụ thu tăng nhiên liệu, tổng cộng là 5% tính theo mức giá cước hiện hành-PV).

Các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines linh hoạt hơn nên trước đó cũng đã tuyên bố bỏ phụ thu phí nhiên liệu bay nội địa.

Đường bộ, đường sắt, hàng không rầm rộ giảm cước ảnh 1
Gần 20 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Miền Đông (TPHCM) đã bắt đầu giảm giá vé theo giá xăng dầu  Ảnh: Huy Thịnh

Không giảm giá  nhưng tăng chất lượng phục vụ là một cách giảm giá cước

Một số doanh nghiệp khác tuy không giảm giá cước nhưng tuyên bố sẽ tăng chất lượng phục vụ. Giám đốc Cty Văn Minh (Doanh nghiệp vận tải chất lượng cao giường nằm chạy tuyến Hà Nội-Vinh) tuyên bố sẽ phục vụ các “thượng đế” hết lòng.

Theo ông Văn, thay vì giảm vài nghìn đồng, Cty của ông sẽ có xe nhỏ chuyên đón rước khách từ nhà tới bến đi xe lớn thậm chí, khi khách đặt vé sẽ có người giao tới tận nhà. Giá vé xe giường nằm Văn Minh từ Hà Nội-Vinh là 120.000 đồng, Vinh-Hà Nội là 135.000 đồng.

Xe khách liên doanh Kumho đang là một hiện tượng ở Việt Nam. Các phụ xe hoạt động như tiếp viên hàng không với đồng phục thẩm mỹ, hình thể đẹp. Nội thất xe thì miễn chê. Trong khi đó, giá vé chạy Hà Nội-Quảng Ninh của họ tương đương các doanh nghiệp khác là 60.000 đồng/lượt.

Đại diện hãng này cho biết: Giá vé hiện nay của hãng bằng với các doanh nghiệp khác. Hãng sẽ tăng cường dịch vụ với khách hàng. Một quan chức Cục Đường bộ Việt Nam tiết lộ, có không ít doanh nghiệp vận tải tuyến này đang “run” trước sự hiện diện của Kumho.

Giảm giá cước vận tải để bảo đảm quyền lợi khách hàng

Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, tính đến chiều 10/11 đã có hơn 20 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe đăng ký giảm giá vé với nhiều mức giảm khác nhau.

Theo ông Trương Quang Mẫn - Phó Tổng Giám đốc Cty Mai Linh, mỗi lần điều chỉnh giá cước, các đơn vị taxi phải đem xe đi kiểm định, lập trình lại đồng hồ tính cước, gỡ tem…

Chỉ tính riêng chi phí đăng kiểm, cứ mỗi lần điều chỉnh giá, với 6.000 xe taxi, Cty Mai Linh phải tốn hơn 800 triệu đồng (140.000 đồng/xe) và phải mất ít nhất một tháng mới hoàn tất.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa – Giám đốc bến xe cho biết nhiều đơn vị đã mạnh dạn giảm giá xuống mức ngang bằng với thời điểm đầu tháng 7/2008, như Doanh nghiệp Cúc Tư giảm giá vé xe đò tuyến TP HCM - Tuy Hòa từ mức 150.000 đồng xuống còn 140.000 đồng/vé, xe đò giường nằm từ 190.000 đồng còn 180.000 đồng/vé.

Đặc biệt, hãng xe này đã giảm mạnh giá vé tuyến TPHCM - Sông Hinh từ 230.000 đồng còn 190.000 đồng/vé (loại giường nằm) và từ 190.000 đồng xuống còn 155.000 đồng/vé (loại ghế ngồi), tức giảm từ 17 -18%. Nhiều đơn vị khác cũng giảm giá nhưng tỷ lệ giảm không nhiều như xe của hãng Phi Hiệp tuyến TPHCM - Đà Nẵng giảm từ 300.000 đồng xuống còn 280.000 đồng/vé (gần 7%), xe Minh Dũng tuyến TPHCM - Ninh Hòa giảm từ 120.000 đồng còn 110.000 đồng/vé (hơn 8%).

Tại bến xe miền Tây, hãng xe Phương Thảo đã quyết định giảm giá vé tuyến TPHCM - Cần Thơ từ 85.000 đồng xuống còn 80.000 đồng/người; tuyến TPHCM - Cà Mau từ 135.000 đồng còn 130.000 đồng/người.

Lãnh đạo một đơn vị vận tải hành khách nhận định: “Với hơn 20 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước trong tổng số gần 300 đơn vị đang hoạt động tại TPHCM, con số ấy là chưa nhiều.

Tuy nhiên, trong những ngày tới, các đơn vị khác chắc chắn sẽ tính đến phương án giảm giá vé, kể cả những đơn vị đã giảm nhưng chưa hợp lý bởi ngoài lý do giá nhiên liệu giảm mạnh, các đơn vị phải tính đến yếu tố cạnh tranh bằng cách giảm giá cước để thu hút khách hàng.

Đối với khu vực vận tải hàng hóa, nhiều đơn vị cho biết đã thực hiện việc giảm giá cước từ 4 -6% trên cơ sở tự thỏa thuận với khách hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu không đảm bảo các quyền lợi chính đáng của khách hàng thì chỉ còn nước đóng cửa..” - Ông Trần Văn Tín - Giám đốc DNTN vận tải Tín Phát nói.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực kinh doanh taxi, trao đổi với Tiền phong vào chiều 10/11, lãnh đạo các đơn vị Vina Taxi, Taxi Vinasun, Future Taxi, … cho biết đang xem xét đến phương án giảm giá cước từ 500 đến 1.000 đồng/km nhưng chưa thể giảm ngay trong vòng 1 -2 ngày tới vì cần có thời gian tham khảo ý kiến của các thành viên Hiệp hội Taxi cũng như thực hiện các thủ tục đăng ký giá cước với cơ quan quản lý nhà nước (xây dựng, kê khai giá cước mới, đăng ký với Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế,…).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.