<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=39316&amp;ChannelID=7">Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí</A>&nbsp;- Kỳ cuối

Dưới gốc hoa trà 500 tuổi

Dưới gốc hoa trà 500 tuổi
TP - Tôi giật thột thoáng chết lặng. Bởi không tin tiếng hét ấy là của giống người. Càng không tin âm thanh ấy lại phát ra từ miệng của một nhà sư.
Dưới gốc hoa trà 500 tuổi ảnh 1
Du khách dưới cây hoa trà 500 tuổi

...Chúng tôi đang dừng trong khuôn viên chùa Ngọc Phong cách thành cổ Lệ Giang 13 km về phía Nam. Đành một nhẽ vãn cảnh chùa ngày xuân là một cái thú, nhất đó lại là một ngôi chùa theo phong cách Tây Tạng có tên là La Ma.

Thú nữa là như người phụ trách tour hướng dẫn trước, trong chùa có cây hoa trà cổ thụ 500 tuổi đang độ nở hoa.

Đã quá quen với những sự giới thiệu này khác của các trưởng tour, nhưng tôi vẫn bị bất ngờ và không còn bụng dạ đâu mà vãn cảnh chùa, có thể chỉ kịp xem cái đáng xem trong một khoảng thời gian ngặt nghèo bởi khối hoa trà đang sừng sững kia quả là lạ mắt! Vâng, phải gọi là một khối, một khoảng hoa!

Trong nước có thiếu chi những loại hồng trà bạch trà nhưng chỉ toen hoẻn trong một cái chậu vừa tầm ôm, hoặc lớn lắm thì cũng ngang tầm ngực. Có dạo bọn buôn hoa lấy keo con voi dùng dán gỗ đính những nụ trà đã rụng vào thân cây trà trông rõ là sum xuê uẩn súc nhưng ôm về nhà ngày một ngày hai đã rơi lăn lóc tả tơi.

Vậy nên với thứ hoa trà, bất kể hồng hay bạch, tôi đều giữ mức vừa phải, tốt nhất vẫn là kính nhi viễn chi! Nhưng gốc trà hoa xứ này ngoài việc sù sì những mấu những ú phía dưới còn vươn tỏa lên cao cỡ năm sáu mét.

Hồng rực lẫn sáng lòa trên một khoảng không bao la là chi chít những đóa hoa trà cỡ bằng cái bát ăn cơm loại nhỏ, thứ trắng thứ hồng, đóa buông đóa đứng, im phăng phắc trong chiều xuân phương Bắc!

Vị hòa thượng niềm nở cho hay năm nào cũng vậy, người nhà chùa cũng tỉ mẩn đếm được hơn 20.000 đóa trà cả thẩy. Cữ trước Tết Âm lịch non tháng là trà đã khai hoa. Cữ này đang được coi là sắp mãn khai. Hoa nở trong thời gian 3 tháng mới tàn.

Đã từ lâu, cây hoa trà này được xếp vào thứ kỳ hoa của Vân Nam và của cả Trung Quốc, còn được coi là Hoàn Cầu Đệ Nhất Hoa Trà. Chùa Ngọc Phong được xây vào thời Khang Hy nhà Thanh. Trước khi xây chùa, cây hoa trà này đã có...

Không cầm lòng được như những anh em khác chỉ ghìm máy ảnh từ xa, tôi thả bước lẹ đến bên gốc thì bất đồ nghe được tiếng la thảng thốt của vị hoà thượng nọ như vừa kể... Thì ra khách thăm, không biết vì cớ chi, tất tật không ai được bén mảng tới bên gốc hoa trà kia mà chỉ được phép đứng cách một mét!

Lẩn mẩn bên hoa, tôi chợt nhớ đến Tùy Dạng Đế, một bạo quân nổi tiếng của lịch sử Trung Hoa. Tương truyền năm 605, khi mới lên ngôi, Tùy Dạng Đế cho xây dựng vườn Thượng uyển mé Tây thành Lạc Dương gọi là Tây Uyển rộng trên 200 dặm vuông.

Trong diện tích mênh mông bát ngát ấy, Tùy Dạng Đế cho làm cả biển cả sông lẫn hồ, trồng tinh những kỳ hoa dị thảo. Bởi tính đặc biệt thích hoa trà nên Tùy Dạng Đế cho trồng nhiều loại trà hoa, thứ bạch trà, thứ hồng trà bát ngát.

Tiết trời phương Bắc mùa đông lạnh giá khắc nghiệt nên ngoài tùng trúc, cái giống trà hoa vốn rất kén thời tiết tất thảy đều lụi hết trơ ra toàn cành khẳng khiu.

Tùy Dạng Đế không cho đấy là lẽ thường của sự tuần vận trời đất bèn cho người (mà bậc hôn quân ấy thiếu chi người giỏi) dùng vải lụa kết thành hoa và lá trà in như thật giăng giăng hàng muôn dặm như thế, giữa ngày đông tháng giá cho treo đèn mời tinh những tao nhân mặc khách đến thưởng hoa trà.

Và bây giờ mới qua Tết Nguyên đán được ít ngày, tôi đồ rằng xứ Bắc của thành Lạc Dương ngày ấy, cái thứ trà hoa quý giá này chắc cũng đang tầm lụi nhưng xứ phương Nam phía biên viễn man di, thuở xa xưa tít mạn man đất Thục mà chắc vị vua này chưa thèm để mắt đến, cái xứ có sự kiện thuở Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch, thời tiết lại cho phép giống trà hoa quý giá này xanh tốt đến cả tứ mùa!

Nhưng mà thuở ấy, làm phép nhẩm sơ sài cách đây hơn một ngàn năm làm chi đã có cây trà hoa lạ lùng như tôi đang mục sở thị đây. Chợt gẫm chuyện của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Có người vô tâm hay tà tâm chẳng biết, đem biếu cụ chậu hoa trà.

Hồng trà hay bạch trà cụ không nói rõ... Mà cái giống trà hoa xứ ta ấy mà, dẫu hồng trà hay bạch trà cấm có hương bao giờ bởi thế nên các cụ mới liệt trà hoa vào hạng hữu sắc vô hương! (Tất nhiên khác lắm cái anh dâm bụt có đỏ mà chả có thơm/ như hoa dâm bụt nên cơn cớ gì).

Nhận hoa, cụ Tam Nguyên cáu. Lại cú nữa. Bởi lúc ấy mắt cụ đã kém, kém lắm có nhìn thấy sắc bạch sắc hồng ấy của giống trà hoa đâu nên cụ mới buông câu thơ phẫn đến thế này Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi/ Đếch thấy mùi thơm một tiếng khà.

Hỡi ôi, nếu hương hồn cụ Tam Nguyên chịu khó vượt biên một tẹo, thử đến xứ Lệ Giang của Vân Nam mà rẽ qua chùa Ngọc Phong này một tẹo, nếu cụ chẳng mục sở thị được thì sẽ khứu sở thị cái mùi hương đặc biệt, không hề đậm đặc mà tinh lắm mới thấy thoang thoảng một thứ hương lạ lắm, như thế nào nhỉ, thử nói bừa theo kiểu của kẻ phàm như tôi là na ná thứ thủy tiên vào độ mãn khai!

Hơn hai mươi ngàn đóa hoa thứ trắng thứ hồng thứ ngả màu phơn phớt bừng ra một lúc cỡ như cái bát ăn cơm con như thế này có lẽ chỉ có Tạo hóa mới làm ra được loại vưu vật ấy thì làm sao lại không có hương được nhỉ?

Thẩn thơ bập bẹ mấy đại tự lẫn liễn đối bên mạn hông chùa thì tịnh không thấy thứ ngữ nghĩa nào ca tụng cái giống trà lạ này mặc dù cụ đã an tọa ở đây được 5 thế kỷ?

Tò mò hỏi vị hòa thượng thì Bạch cụ nở cái cười móm mém nhưng lành đại ý rằng, tục khách hay tao nhân mặc khách đến thưởng hoa thì được nhưng nhà chùa có cái lệ không cho lưu bút. Cũng có đấy, nhưng bữa nay một bạch cụ khác cầm chìa khóa đi rồi chứ không thiếu những ông những bà cả người ngoại quốc đến đây thưởng trà hoa, ngẫu hứng ứng tác tặng lại bổn tự. Nhưng bổn tự không treo mà cất thành một xấp.

Tôi lơ đãng giữa chừng câu chuyện với vị hòa thượng mà giương hết nhỡn lực vào cái màu phơn phớt lẫn đám lá đang ngời lên sắc biêng biếc kia mà lẩn thẩn lẫn hoài nghi mạnh dạn bạch với vị hòa thượng kia rằng, chắc bổn tự phải cúng cho cụ thứ màu mè gì đặc biệt lắm thì hằng bao năm  mới giữ được cụ như thế này?

Bạch cụ lắc lắc ngay cái đầu bóng lọng đại ý, chả có thứ nước hay phân bón gì đặc biệt mà chỉ chú ý chớ tưới tắm cho cụ bằng nước máy mà phải bằng nước mưa. Nếu không có nước mưa thì bằng nước giếng chùa!

Lại hỏi tiếp, chứ chẳng phân gio gì cho cụ sao? Được biết rằng không thì tôi lấy làm lạ lắm! Hoặc có thể vị hòa thượng này cần tổn chi hơi sức với một tục khách như tôi hoặc muốn giữ bí quyết hoặc giả bạch cụ này nói phải, chỉ có sự mầu nhiệm của con Tạo mới bài trí mới gìn giữ được thứ của lạ này?

Một dạo tôi đã tổn công hầu chuyện mấy tay chuyên chăm cây cảnh thành Nam. Tốn có đến ba bốn bữa rượu rồi say nằm ngủ lại trại cây, các ông ấy mới hở cho một phần câu hỏi còn gói kín là tại mần răng mà cái giống tùng cổ thụ, họ lại giữ được lâu và được xanh đến thế?

Nghe mà cứ như mình là kẻ chửa thạo tiếng Việt ấy là mỗi năm nếu không hai thì một lần phải lót lòng cho các cây tùng cổ (mà tôi thường kính cẩn gọi bằng cụ bởi tuổi đời của giống cổ mộc ấy đáng trăm tuổi cả) thứ ốc không quắn thì nhồi, đập vỡ ra, nếu khó cho xuống đáy thì phải chèn cho khéo vào các kẽ của gốc!

Hoặc đỡ cầu kỳ hơn thì cho cái thứ ốc ấy vào vại nước tiểu ( mà phải là  đựng trong vại sành) ngâm kỹ vài tháng rồi lấy nước ấy rưới cho các cụ! Chao ôi, thứ cây mà tiền nhân đã tổn không biết bao giấy mực để ví như khí tiết của người quân tử Quan mai trúc dĩ dưỡng tính/ Thính tùng đào nhi tráng hoài (Nhìn mai ngó trúc để mà dưỡng tính. Nghe sóng cây tùng reo để mà nuôi tráng chí của mình) mà đến cư ngụ ở xứ mình lại ăn tạp ăn bẩn đến thế ru?

Nhưng đó lại là sự thật, vì cứ như kinh nghiệm của họ, nếu cứ tưới nước máy và thi thoảng cho ăn tí phân vi sinh thì chỉ vài năm các loại cổ tùng ấy lá trở ệch vàng, quất nâu lại  rồi chả mấy chốc mà đi!

Vẩn vơ ngóng chuyện vị cao tăng, nhưng tôi vẫn chưa thông với tiếng hét của vị này hồi nãy? Sau một hồi ngó kỹ càng khoảng đất trơn bóng sạch lỳ không một ngọn cỏ cứ như đất mới dưới gốc trà, tôi bật lên câu hỏi rằng tại sao bổn tự lại để trống mà không chèn vào dưới gốc trà các loại cây cảnh thâm thấp cũng u nhã lắm chứ?

Nhưng bạch cụ không trả lời mà chỉ nở cái cười vẻ độ lượng thông cảm! Có lẽ khoảng đất trống dưới gốc trà có chi đó  huyền nhiệm linh thiêng mà bất kỳ một tục khách nào như tôi không bao giờ được đặt chân tới?!

Chiều xuân đã muộn. Thập thững xuống chùa. Hai vạn đóa trà đã khuất sau những trúc biếc tùng xanh.  Mỉm cười gẫm lại câu Đường thi Đãn sầu hoa hữu ngữ/ Bất vị lão nhân khai (Buồn rằng hoa nói nói được lời/ Rằng hoa chẳng nở cho người già nua - Tản Đà dịch) thấy lòng lâng lâng một thứ lợi! Thứ kỳ hoa kia vẫn nở, vẫn kịp làm từ thiện cho bất kỳ ai?

Tiết Mạnh Xuân năm Tuất
Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.