'Đuổi' dịch ở buôn làng: Người K’Ho bảo vệ 'ốc đảo' xanh

0:00 / 0:00
0:00
Chốt kiểm dịch hoạt động suốt ngày đêm trên quốc lộ 27
Chốt kiểm dịch hoạt động suốt ngày đêm trên quốc lộ 27
TP - Mặc dù giáp ranh với TP Đà Lạt, nơi có nhiều ca mắc COVID-19 nhất tỉnh Lâm Đồng và nằm ven Quốc lộ 27C đi TP Nha Trang, phố biển nhiều lần phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng huyện Lạc Dương vẫn chưa có ca F0 nào và là huyện duy nhất của Lâm Đồng làm được điều này.

Tránh xa “bóng ma” COVID-19

Chỉ là những lều vải, chòi tôn hay thậm chí là một vài tấm bạt hoặc chiếc dù thô sơ bốn bề thông thốc gió nhưng hơn 30 chốt kiểm soát dịch hoặc chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” trên quốc lộ, tỉnh lộ và đường làng ở huyện Lạc Dương đã góp phần bảo vệ buôn làng khỏi “bóng ma” COVID-19. Chốt tự quản ở thôn Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ) thuộc loại đơn sơ nhất, được dựng lên bởi 4 cọc gỗ thô mà người dân mang từ nhà đến và một tấm bạt làm mái che.

Đến chốt này, chúng tôi thấm thía ý nghĩa câu nói cửa miệng của người dân địa phương: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Lạc Dương”. Con ruồi vàng nhỏ xíu nhưng chích một phát là vết thương sưng vù, đau nhức như bị ong đốt. Gió núi lồng lộng mang theo hơi nóng phả vào mặt rát rạt. Mỗi khi mưa to gió lớn, nếu không mặc áo mưa ở trong lều cũng bị ướt chẳng khác gì đứng giữa trời. Bàn làm việc chỉ là miếng gỗ được kê trên những gốc cây cà phê. Thế nhưng tổ COVID-19 cộng đồng và người dân trong thôn kiên trì bám chốt, chia ca để trực từ sáng tới khuya; không để người lạ xâm nhập vào thôn khi chưa khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…

'Đuổi' dịch ở buôn làng: Người K’Ho bảo vệ 'ốc đảo' xanh ảnh 1

Khử khuẩn ô tô tải giấu người trong xe chở hàng hóa

Đang trao đổi thông tin với phóng viên, trưởng thôn Đưng Trang Bon Niêng Ha Liêng bỗng rời khỏi lều, chạy về phía mấy thanh niên vừa băng qua chốt, đi về phía trung tâm xã. Khi những người này nói ra xã để mua rượu, thuốc lá…, trưởng thôn khuyên họ nên quay về vì tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp, nếu không có việc cấp thiết thì đừng rời khỏi thôn. Sau một hồi đôi co, nhóm thanh niên cũng nghe theo lời khuyên của Ha Liêng. “Chúng tôi còn nhắc nhở về việc chấp hành luật giao thông, hạn chế ra khỏi nhà sau 21 giờ…, nhờ vậy mà thanh niên trong thôn bớt tụ tập ăn nhậu, không rú ga, nẹt pô gây mất trật tự ”, trưởng thôn chia sẻ.

Đưng Trang là thôn vùng sâu vùng xa, cách trung tâm xã Đưng K’Nớ hơn 10km và trung tâm huyện Lạc Dương khoảng 60km nên sóng điện thoại khá chập chờn, do đó việc cập nhật thông tin của người dân bị hạn chế. Trong hoàn cảnh đó, tổ COVID cộng đồng và tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh” phải phân công nhau đến từng nhà để hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đến khi mỗi người, mỗi nhà đều có ý thức ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân trong thôn vẫn xung phong đứng chốt hoặc mang bánh kẹo, khoai sắn, mì tôm… đến hỗ trợ các tốp trực. “Bảo vệ “vùng xanh” là bảo vệ sự an toàn của gia đình, thôn xóm trước dịch bệnh nguy hiểm nên bà con rất đồng tình”, Ha Liêng nói như đúc kết.

“Lá chắn thép” của buôn làng

Huyện Lạc Dương có tới 3 xã (Đa Nhim, Đạ Sar, Đạ Chais) nằm ven Quốc lộ 27C nối Lâm Đồng với Khánh Hòa, tỉnh có nhiều huyện, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Bởi thế, chốt kiểm dịch ở xã Đạ Chais, vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh phải kiểm soát chặt người và phương tiện qua lại, nhất là các xe tải chở hàng hóa. Mặt khác, các xã kiểm soát những đường ngang, ngõ tắt, tránh tình trạng né chốt kiểm dịch; xử lý nghiêm nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho hay, địa phương đã triển khai cấp suất ăn miễn phí cho các tài xế và phụ xe tải khi chở hàng hóa lưu thông cả 2 chiều trên quốc lộ 27C qua địa phận của huyện. Mục đích là để chia sẻ khó khăn cho lực lượng này; đồng thời ngăn ngừa tình trạng tài xế ghé nhiều nơi trên đường làm lây lan dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp và người dân đã đồng hành cùng chính quyền để làm tốt việc này. Mặt khác, huyện đã triển khai hỗ trợ cho hàng trăm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí hàng tỷ đồng; đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là thực hiện tốt kế hoạch hỗ trợ nông sản cho tâm dịch TPHCM, Bình Dương…

Với sự cảnh giác cao độ, nhóm trực tại Chốt kiểm dịch trên quốc lộ 27C đã phát hiện xe tải chở hàng hóa (từ vùng dịch Bắc Ninh về) nhưng có tới 5 người trên xe. Trong đó, ông Đặng Ngọc Dũng (51 tuổi) và ông N.V.N (30 tuổi) xuất phát từ vùng dịch Bắc Ninh; ông Trần Đức Duy (39 tuổi, ngụ phường 11, TP Đà Lạt) và 2 người còn lại được ông Dũng đón dọc đường. Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đã ký quyết định đưa ông Dũng và ông N.V.N đi cách ly tập trung 21 ngày tại cơ sở cách ly Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh. Ông Duy và 2 người khác làm cam kết tự cách ly, theo dõi tại nhà. Thế nhưng, trên đường đến khu cách ly, ông Dũng đã đánh tráo ông Duy thế chỗ cho mình.

Vài ngày sau, vụ đánh tráo hi hữu này bị Ban điều hành khu cách ly phát hiện. Cả hai đối tượng nói trên phải cách ly tập trung 21 ngày, bị xử phạt 7,5 triệu đồng/người. “Những người được đưa đi cách ly đều mặc đồ bảo hộ kín mít, mặt khác, giữa hai ông đã có sự sắp xếp thỏa thuận trước nên ông Duy khai địa chỉ cư trú trùng với địa chỉ của ông Dũng, do đó lực lượng đưa người đi cách ly không phát hiện ra vụ đánh tráo”, một cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương phân trần.

Theo ông Cil Poh - Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, dù chưa có ca nhiễm COVID-19, nhưng huyện đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là hình thành các chốt bảo vệ “vùng xanh”nhằm nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho người dân; giám sát người cách ly tại nhà để phòng ngừa lây lan dịch; phát hiện người lạ đi vào địa bàn nhằm phục vụ cho việc truy vết nếu xảy ra ca mắc COVID-19… Thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ phức tạp hơn nên địa phương xác định duy trì nhiều biện pháp phòng vệ, đặc biệt là tiếp tục xây dựng buôn làng an toàn, đảm bảo “vùng xanh” cho huyện và cho tỉnh.

Huyện Lạc Dương có tới 70% dân số là người K’Ho, Ra Glai…, đời sống còn khó khăn, nhiều vùng quá sâu, xa nên mạng wifi chập chờn, nhiều người không biết hoặc không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh… Thế nhưng, ý thức phòng chống dịch COVID-19 của bà con được đẩy lên rất cao. Ngoài ra, bà con các dân tộc thiểu số không quản nắng mưa, góp công sức thu hoạch rau củ quả để hỗ trợ người dân vùng dịch, giúp quán ăn 0 đồng, bếp ăn các bệnh viện, khu cách ly y tế phòng dịch ổn định cuộc sống, yên tâm phòng dịch.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.
Lễ mừng thọ của người Mnông

Lễ mừng thọ của người Mnông

TPO - Người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk” là một trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.