Dưới B-52

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày này tròn 50 năm trước, những loạt bom B-52 trút xuống Thủ đô Hà Nội. Bắt đầu chiến dịch bi tráng 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, một trang bất hủ trong lịch sử vệ quốc nhân loại.

Ngày ấy, tôi sắp bước vào lớp 1, theo bà ngoại và em gái về thôn Đông Thiên (huyện Thanh Trì) sơ tán. Mấy bà cháu đêm đêm dưới hầm nhìn lên bầu trời đỏ rực, rền vang tiếng nổ cùng những tiếng lục bục trên nóc hầm. Mẹ vẫn bám nhà máy dệt, ba vẫn chỉ huy công trường. Cùng thành phố nhưng không lúc nào được gặp nhau. Một buổi tối ba và mẹ hai từ hai hướng cùng quăng vội hai chiếc xe đạp nhảy ào xuống căn hầm tăng-xê trên vỉa hè để tránh bom, mới nhận ra nhau. Em trai thứ ba của tôi ra đời từ dịp ấy…

Hôm qua, đọc báo thấy cảnh người Hà Nội xem trưng bày chuyên đề “Máu và hoa – Hà Nội 12 ngày đêm”, nhiều người háo hức đội mũ rơm chui xuống hầm tăng-xê để trải nghiệm, mới chợt nhớ chuyện này. Hà Nội thời bom Mỹ có đến 40 vạn hố trú bom cá nhân (tăng-xê) như vậy. Giờ thì không biết đích xác những hố trú ẩn độc đáo bậc nhất thế giới giữa thủ đô một thời, cái cuối cùng đã bị lấp bỏ từ lúc nào, nơi những vỉa hè liên tục bị thay đá, lấp xuống đào lên?

Đọc Tô Hoài, thấy nhà văn kể ngày ấy ông phở Thìn Hàng Dầu vẫn đứng bán suốt đêm, mặc máy bay Mỹ trên đầu. Bom dội, thực khách bưng bát phở đang ăn dở chạy ra mấy cái tăng-xê cá nhân ven hồ Gươm… ăn tiếp! Còn Nguyễn Tuân thì «Trong những năm chiến tranh, kẻ thù bay trên bát phở, có những bát phở phải húp vội trong đêm tối tăm, quệt ngang ống tay áo mà nhảy xuống lỗ hầm, có những bát phở bị bom, bánh phở trương lên mà người ăn không thấy trở lại một lần nào nữa…".

Lại nhớ Anthony Lewis (1927-2013), cây bút bình luận lừng danh suốt 32 năm của New York Times, hai lần giành giải Pulitzer. Lục báo cũ, bắt gặp cái thực đơn đề ngày 24/5/1972 của khách sạn Hòa Bình (Hà Nội) trên đó có những dòng ghi chú bằng bút đen của ông. Thực đơn hôm ấy ghi mấy món như nem rán Nam Bộ, ếch xào tỏi, lợn kim tiền, gà xé phay,…

Anthony Lewis từ Mỹ đến Hà Nội để bình luận về cuộc chiến này. Trong một bài bình luận trên tờ New York Times viết từ Hà Nội năm 1972 ấy, ông phác họa sự điềm tĩnh của con người nơi đây sau những trận bom. Hình ảnh những phụ nữ đội mũ rơm tóc đen xõa ngang lưng gánh những gánh lúa mới nặng trĩu, những người lính nấu ăn bằng than củi bên trận địa pháo đã ngụy trang, những em bé bị buộc vào sau xe đạp ngủ gà gật,… Ông gặp bác sĩ Tôn Thất Tùng, để nhận ra sự lịch lãm học thuật vẫn tồn tại giữa không khí chiến tranh bao trùm.

Nhưng khi Mỹ đem B-52 rải bom vào Giáng sinh 1972 ở Hà Nội, Anthony Lewis trở nên dữ dội, quyết liệt. Trên số báo NYT ra ngày 23/12/1972, ông gọi thẳng đây là “một tội ác chống lại loài người” sẽ bị lịch sử phán xét. Rằng “cho B-52 đánh những vùng đông dân cư như Hải Phòng, Hà Nội chỉ có một mục đích: khủng bố… Bất kể nguyên nhân gì, các phương tiện mà Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến này từ lâu đã vượt qua cái ngưỡng cuối cùng có thể biện minh”.

Dưới bom, tôi học những chữ cái đầu tiên lớp cô giáo Thêm trong một ngôi chùa vắng chìm khuất dưới bóng cây sấu cổ thụ. Dưới bom, tôi học bện mũ rơm. Nửa thế kỷ qua rồi…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.