Do cây trồng thường bị khai thác trộm, bà Hương dựng ngôi nhà tạm để chứa nông cụ kết hợp canh rừng. Với lý do “sử dụng đất sai mục đích”, UBND xã Hoành Mô đã phạt hành chính và yêu cầu bà Hương tự tháo dỡ ngôi nhà.
Bà Hương đề nghị Tiền Phong cho biết người được giao đất trồng rừng có được xây nhà tạm để phục vụ sản xuất không?
Về vấn đề này, luật sư - thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Quảng Ninh) khẳng định: Theo các quy định pháp luật, hộ gia đình được giao rừng sản xuất có quyền xây dựng các công trình phục vụ cho việc phát triển và bảo vệ rừng.
Luật sư có thể trích dẫn điều luật cụ thể?
Khoản 2 Điều 10 Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nhận khoán đất rừng sản xuất của các nông - lâm trường quốc doanh “được làm lán trại tạm thời để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất; được làm sân phơi, đào giếng nước, xây bể chứa nước, kênh dẫn nước, cống cấp thoát nước, hố ủ phân, chuồng gia súc, gia cầm theo quy định của bên giao khoán”.
Đó là trường hợp nhận giao khoán của các nông - lâm trường quốc doanh; theo luật sư, quy định này có thể áp dụng cho các trường hợp được giao đất, thuê đất rừng sản xuất không?
Quy định vừa nêu cho thấy việc xây dựng các công trình nhằm phục vụ phát triển và bảo vệ rừng (trong đó có lán trại tạm thời) trên đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất không bị cấm, thậm chí là cần thiết.
Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, người được giao rừng sản xuất còn được phát triển sản xuất theo hướng thâm canh lâm - nông - ngư nghiệp, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường.
Vấn đề là các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh đó không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất, không được ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, công tác phòng trừ sinh vật hại, đến hệ sinh thái của rừng…
Có cách nào để giúp chủ rừng đảm bảo được các quy định vừa nêu, thưa luật sư?
Trường hợp chủ rừng nhận khoán đất của nông - lâm trường quốc doanh, họ sẽ được cán bộ quản lý, kỹ thuật của bên giao khoán hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ.
Còn với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất, họ cần được cán bộ có chuyên môn hướng dẫn, cụ thể là cán bộ có chuyên môn và thẩm quyền của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trở lại trường hợp bà Ngô Thị Hương ở Quảng Ninh. Việc bà Hương xây nhà chứa nông cụ kết hợp bảo vệ rừng như vậy có phải là “sử dụng đất sai mục đích” không, thưa luật sư?
Theo tôi thì không thể lập tức kết luận bà Hương “sử dụng đất sai mục đích”, thay vào đó cần hướng dẫn gia đình bà Hương sử dụng ngôi nhà tạm này đúng với mục đích “cất giữ nông cụ và bảo vệ rừng”, đồng thời đảm bảo các quy định tôi đã nêu ở trên, đặc biệt là các quy định về phòng chống cháy rừng.
Lê Anh thực hiện