"Dùng xe công vào việc tư có thể tiêu tan sự nghiệp"

"Dùng xe công vào việc tư có thể tiêu tan sự nghiệp"
Ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, người vừa bị phát hiện sử dụng xe công đi học tại Hà Nội, thừa nhận điều này.

Ông cho biết, cùng sử dụng xe công đi học còn có 5 lãnh đạo tỉnh, thành phố Nam Định.

"Dùng xe công vào việc tư có thể tiêu tan sự nghiệp" ảnh 1
Xe công của Chủ tịch tỉnh đi học. Ảnh: H. Ngân

>> Rình rang... xe công đi học!

Thưa ông, việc đi học là của cá nhân ông hay UBND tỉnh cử đi?

Dĩ nhiên là cá nhân, nhưng khi đi học phải đăng ký với tỉnh. Về nguyên tắc, đi học lấy kiến thức là việc của cá nhân mình. Nhưng không có nghĩa chúng tôi đi học để phục vụ cá nhân, mà cái chính là phục vụ nhiệm vụ được giao. Nếu ở nhà thì không cập nhật được kiến thức, không đáp ứng được yêu cầu.

Học cùng khóa cao học chuyên ngành Kinh tế chính trị, Đại học Kinh tế quốc dân với tôi có 5 lãnh đạo tỉnh và thành phố, trong đó có 3 người của UBND thành phố, 2 người một là lãnh đạo Sở Tài chính, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chúng tôi phải thu xếp học vào cuối tuần vì trong tuần còn bận công tác, cũng không thể học tập trung vì làm sao lãnh đạo thành phố một tháng bỏ một tuần đi học.

Vậy xin hỏi, ông có xin phép được sử dụng xe công cho mục đích cá nhân là đi học?

Lãnh đạo thành phố Nam Định là cấp không có xe riêng, hằng ngày tôi vẫn đi về bằng xe máy. Như tôi nói, thời gian đầu học buổi tối (từ 18h), thì cuối giờ chiều chúng tôi phải đi ngay cho kịp giờ học.

Thời gian quá ngắn, chúng tôi phải xin xe chở lên. Mấy anh em thường đi chung một chiếc 18B - 6868 lên Hà Nội học. Khi từ Hà Nội về, tôi phải đi tự túc. Tôi đã đi xe ngoài rất nhiều. Trường hợp cần thiết mới có xe từ thành phố lên đón.

Về chế độ, tỉnh Nam Định khuyến khích mỗi cán bộ học xong chương trình thạc sĩ được hỗ trợ 25 - 30 triệu đồng. Nguyên tắc của tỉnh Nam Định là ai đi xe ngày nào ra khỏi thành phố thì phải ký xác nhận. Chúng tôi đi ngày nào, anh lái xe phải làm giấy để người đi ký xác nhận thì mới được thanh toán tiền xăng.

Ông Nguyễn Viết Hưng sinh năm 1962. Ông Hưng tốt nghiệp đại học Thủy Lợi. Năm 2004 ông Hưng được giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Nam Định. Trước đó, ông làm phó chủ tịch thành phố.

Trước khi dùng xe công vào việc học cá nhân, ông có cam kết thế nào về việc sẽ trả tiền xăng xe?

Ký cam kết thì không có, nhưng họp Văn phòng UBND thành phố, tôi đã tuyên bố với lãnh đạo văn phòng, với anh em là nếu đi xe thì phải ký xác nhận để thanh toán.

Vậy trong 2 năm học, ông đã bao giờ thanh toán tiền xăng xe?

Hiện nay tôi mới ký xác nhận, chưa thanh toán. Cuối khóa học, khi nào được thanh toán số tiền hỗ trợ, những ngày sử dụng xe công thì tôi sẵn sàng thanh toán.

Sau việc rình rang xe công, ông suy nghĩ thế nào về việc đi lại để theo học tiếp khóa học trên Hà Nội?

Tôi đã học gần xong rồi, giờ chỉ còn làm luận văn và bảo vệ nên chỉ thỉnh thoảng lên Hà Nội. Về nguyên tắc, đi xe công đi học là phải thanh toán tiền xăng xe. Nếu bây giờ UBND tỉnh bảo không được thì tôi sẵn sàng đi xe ngoài.

Tuy nhiên, sau việc này, cá nhân tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Nhiều khi cái tâm của mình vì việc chung, nhưng có thể người ta hiểu vì việc riêng, nên mình phải xem lại.

Thực ra, đi xe công không phải là việc quá lớn đối với công việc của một UBND thành phố. Để tiết kiệm được ngân sách không phải chỉ mỗi việc đó. Nhiều cái mình phải tính toán lớn hơn rất nhiều. Nhưng việc đi xe công có thể làm hỏng hết việc lớn của mình.

Theo tôi được biết, hiện chưa có quy định rõ ràng công việc nào được sử dụng xe. Tôi mong nhà nước sẽ quan tâm hơn đến việc đào tạo cán bộ, cũng như sớm có những quy định cụ thể rạch ròi hơn về vấn đề này. Với tôi, việc vừa rồi là một bài học kinh nghiệm sâu sắc

Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc tỉnh không được bố trí xe

Dự thảo lần 5 về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước quy định:

Đối tượng không được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, bao gồm: cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ, viện thuộc bộ; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP HCM); cán bộ quản lý cấp trưởng, phó các sơ, ban ngành và tương đương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bí thư, phó bí thư huyện, thị, quận ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch cấp huyện...

Những người thuộc đối tượng này được bố trí ôtô hoặc thanh toán dịch vụ ôtô đi công tác cách trụ sở từ 15 km trở lên.

Theo Pháp Luật TP HCM

Theo Hồng Khánh
VnExpress

MỚI - NÓNG