Đừng vô cảm trước cái ác

Đừng vô cảm trước cái ác
TP - Điều mà dư luận băn khoăn nhất là tại sao suốt hơn 10 năm trời, việc một cô gái bị đánh đập, nhục hình mà không thấy chính quyền, đoàn thể nào ở nơi cư trú lên tiếng? Phải chăng chính quyền, đoàn thể địa phương và người dân hàng xóm đã vô cảm trước cái ác?

>> Ước một ngày không đòn roi!
>> Bắt khẩn cấp vợ chồng chủ quán đày đọa cô gái suốt 10 năm
>> Nhiều luật sư nhận bảo vệ miễn phí cho em Bình
>> Video clip: Cô gái 10 năm bị đầy đoạ, nhục hình tại Hà Nội

Đừng vô cảm trước cái ác ảnh 1
Người dân chứng kiến cảnh vợ chồng ông Đức, bà Phương bị bắt tạm giam - Ảnh: Phạm Tuyên

Hàng xóm vô cảm vì sợ?

Con ngõ dẫn vào nhà riêng của hai vợ chồng Đức - Phương nằm ở phố Cự Lộc chỉ dài vài chục mét và rộng khoảng 1,5m chật cứng người và xe. Ngoài lực lượng công an, dân phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự và tiến hành khám xét, khá nhiều nhà báo, còn có người dân khu phố, hàng xóm của gia đình Đức - Phương. Tuy nhiên, với thái độ khá dè dặt, ái ngại, hầu hết những người hàng xóm này đều không muốn cung cấp thông tin gì cho các nhà báo.

Theo tìm hiểu của các phóng viên, gia đình đối tượng Đức - Phương có khá nhiều “vấn đề”. Nhà Đức có 8 anh chị em, hầu hết làm nghề tự do như xe ôm, bán nước, bán xổ số, phở...

Phương đến với Đức sau khi đã có một đời chồng. Họ có một đứa con. Nhiều năm nay, hai vợ chồng làm nghề bán phở ở khu phố Chính Kinh.

Chị M., một hàng xóm, nói nhỏ với phóng viên Tiền phong rằng, ngoài cửa đang có rất nhiều anh em ruột nhà Đức -  Phương “soi mói”, nên họ rất sợ bị trả thù nếu tiết lộ thông tin cho các nhà báo. Song, chị cũng kịp thừa nhận những gì báo chí đăng tải hai ngày qua là đúng.

“Đúng như vậy, con bé bị cả hai vợ chồng Đức -Phương đánh liên tục. Nhiều trận đòn diễn ra từ lúc 4 giờ sáng, nhưng không ai dám bênh vì rất ghê anh em nhà thằng đó” - chị M. nói.

Theo lời kể của người hàng xóm này, Nguyễn Thị Bình thường phải dậy từ sáng sớm tinh mơ, ra dọn hàng ở chợ Thượng Đình. Chỉ đến tối khuya, Bình mới được về ngủ ở nhà này.

Hôm qua, sau khi đọc báo Tiền phong, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có chỉ đạo Giám đốc Công an TP Hà Nội, Quận ủy Thanh Xuân kiểm tra sự việc “một em gái bị hành hạ dã man suốt 10 năm” và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nơi Bình ngủ là bếp đun nấu và để đồ của quán phở. Và dường như không ai ngạc nhiên trước thông tin trên báo mấy ngày qua về việc vợ chồng Phương - Đức hành hung dã man em Bình suốt hơn 10 năm qua.

“Hai vợ chồng nó đánh cháu, hàng xóm xung quanh nhiều người biết nhưng không ai dám can vì nhà này rất côn đồ, động vào là bị ăn chửi hoặc đánh ngay” - Một người dân dè dặt nói.

Sự ái ngại, dè dặt, vô cảm, không chỉ ở những người hàng xóm. Giữa trưa, khi các phóng viên tìm đến nhà ông Đặng Đức Chính, tổ trưởng dân phố. Vợ ông Chính đang làm hàng phở đứng ở cửa trả lời ngay rằng, chồng bà đi có công việc chưa về, mặc dù ông Chính đang ngồi ngay trước cửa ăn tạm bát phở, sau khi vừa tham gia làm người đại diện chứng kiến cuộc khám xét nhà Đức - Phương.

Chỉ sau khi các phóng viên giải thích, thuyết phục, ông mới đồng ý trao đổi. Vợ ông liền ngừng tay bán hàng để ngồi cạnh “giám sát” từng câu trả lời của chồng, vì e rằng sẽ có chuyện không hay nếu “hở ra điều gì thì nguy”!?

Ông Chính cũng cho biết, ông đã nghe bà con khu chợ nói về việc cháu Bình bị nhà Đức - Phương đánh rất dã man. “Có lần, tôi gặp, thấy mắt cháu bị sưng tấy, gặng hỏi cháu chỉ nói là bị ngã sưng mặt, sưng tay chứ không phải bị nhà chủ đánh đập. Chính vì thế, ở cương vị tổ trưởng dân phố 10 năm nay, nhưng tôi chưa thể có căn cứ để thông báo chuyện này tới đoàn thể” - Ông Chính nói.

Theo ông Chính, vì gia đình Đức - Phương sống “kín” nên chỉ khi được mời đến chứng kiến buổi khám xét, ông và nhiều người mới lần đầu tiên bước chân vào gia đình này.

Ông cho biết thêm, khoảng sân rộng ở sâu phía trong căn nhà này chính là nơi cháu Bình thường bị tra tấn. Và nếu bị đánh ở đây thì rất khó có người ngoài phát hiện.

Ông còn cho biết, hai căn nhà sát nách gia đình Đức - Phương có một cán bộ Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng và một cán bộ công an Thành phố.

Tại Quận ủy Hai Bà Trưng, phóng viênTiền phong gặp ông Bùi Khắc Lý, một trong hai vị cán bộ là hàng xóm nói trên. Ông Lý nói rằng, rất bất ngờ vì câu chuyện gây sốc này. Hằng ngày, ông và vợ con đều đi vắng tới khuya mới về nên không hề biết gì!(?).

Đừng vô cảm trước cái ác ảnh 2
Áp giải Trịnh Hạnh Phương về nơi tạm giữ. Ảnh: Phạm Tuyên

Các đoàn thể và chính quyền cũng vô cảm!?

Trong cuộc trao đổi với các phóng viên, một chi tiết khá kỳ quặc mà ông tổ trưởng tổ dân phố đã không thể giải thích được. Đó là việc Bình đến sinh sống ở đây hơn 10 năm qua, nhưng chưa bao giờ em có tên trong danh sách tạm trú, không được đi bầu cử bao giờ.

Ông tổ trưởng cũng như mọi người dân khu phố chỉ biết “đó là con bé đi ở cho nhà Đức - Phương”! Và cũng như cán bộ cảnh sát khu vực, ông tổ trưởng này chưa một lần trao đổi với nhau về sự hiện diện của cô bé này!? Ngay cả khi bé Bình biến mất cách đây mấy tuần, cũng không ai hỏi han nhà Đức - Phương. Phải chăng tất cả đã vô cảm, cứ chuyện ai nhà nấy lo và... bỏ rơi cô gái?

Ông tổ trưởng im lặng trước câu hỏi, còn bà vợ ngồi bên thì không muốn các phóng viên hỏi thêm câu gì nữa.

Bà Phạm Kim Dung, Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu dân phố, cho biết: “Việc họ đánh đập cháu Bình, tôi chưa tận mắt chứng kiến, nhưng nhiều người ở đây thì biết lâu rồi, từ lúc cháu Bình còn bé”.

Phóng viên hỏi vì sao Hội phụ nữ không có ý kiến gì, bà Dung nói: “Không thể đề đạt, kiến nghị được gì vì cô Phương không sinh hoạt ở chi Hội. Không phải là Hội viên của mình quản lý, không thể nói được, mà nói là bị nó chửi” - Bà Dung phân trần.

Các phóng viên tiếp tục tìm gặp những người có thẩm quyền trong các tổ chức đoàn thể, chính quyền phường sở tại. Tại trụ sở UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), mặc dù chưa đến 11 giờ trưa nhưng đã vắng teo, chỉ còn lại ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ phụ trách văn phòng còn nán lại.

Có lẽ sự việc gây nóng dư luận, khiến ông Hùng hiểu ngay lý do xuất hiện của các phóng viên. Tuy nhiên, ông tỏ ra khá kín kẽ trong lời nói, liên tục nhắc lại câu: “Tôi không phải là người được phép phát ngôn về vụ việc này. UBND phường đã họp và thống nhất giao cho đồng chí Trưởng Công an phường trả lời thông tin cho báo chí”!

Theo ông Hùng, chỉ khi báo chí loan tin, ông mới nắm bắt vụ việc, và tất cả cán bộ phường đều tỏ ra bất ngờ bởi “một câu chuyện chưa từng xảy ra ở địa bàn phường”.

Mọi câu hỏi liên quan vụ việc, ông Hùng đều từ chối trả lời và vị cán bộ này liền “chuyển” cho Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ.

Tại cuộc gặp với bà Vũ Thị Phấn - Chủ tịch Hội phụ nữ phường Nhân Chính, bà cho rằng, không phải chính quyền, đoàn thể vô cảm, mà do họ không được biết về việc cháu Bình bị hành hạ hơn 10 năm qua.

“Chúng tôi chỉ mới nghe nói về vụ việc sau khi báo chí nêu, chứ các cộng tác viên dân số, chi Hội ở dân phố trong các lần khảo sát cũng không gặp cháu Bình. Họ cũng chưa phản ánh chuyện cháu bị hành hạ nên chúng tôi làm sao biết được” - Bà Phấn giãi bày.

Khi phóng viên gọi điện trao đổi về vụ việc, Chủ tịch phường Nhân Chính cho biết, đang bận họp trên quận, cuối giờ gọi lại. Thế nhưng, cuối giờ chiều, khi phóng viên gọi thì ông Chủ tịch này đã tắt máy.  

Qua những thông tin mà nhóm phóng viên xác minh nói trên, cho thấy không có gì là khó hiểu đối với việc một cô gái bị hành hạ, đày đọa suốt hơn 10 năm trời, mà không ai, tổ chức đoàn thể lên tiếng giúp đỡ.

Phải chăng tất cả đều vô cảm trước cái ác hoặc hoảng sợ trước nó?!

MỚI - NÓNG