Trong một đột phá vừa được công bố tuần này, các nhà khoa học Anh đã có thể biến virus herpes - một trong những kẻ thù lâu đời nhất của chúng ta, trở thành "điệp viên hai mang", làm lộ tẩy các tế bào ung thư da để hệ miễn dịch của người tấn công. Virus gây mụn rộp sau đó đóng vai trò như "con ngựa thành Troy" giúp tiêu diệt các khối u hắc tố ác tính từ bên trong.
Khám phá trên là bước tiến mới nhất về cách điều trị ung thư có tên gọi "phương pháp trị liệu miễn dịch" (immunotherapy), một vũ khí mới của y học trong cuộc chiến chống căn bệnh chết người, được kỳ vọng có thể thay thế phương pháp hóa trị (chemotherapy).
Phương pháp hóa trị ra đời vào những năm 40 của thế kỷ trước. Sử dụng nó để điều trị ung thư cũng giống như việc ném bom rải thảm để tiêu diệt quân thù.
Phương pháp hóa trị nhắm tấn công tất cả các tế bào tái tạo nhanh trong cơ thể, với mục đích loại bỏ các tế bào ung thư vốn tăng gấp bội cực nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó cũng tiêu diệt cả các tế bào "mắn đẻ" bên trong dạ dày và các chân tóc, dẫn đến các tác dụng phụ đáng sợ, bao gồm cả việc ốm yếu, rụng tóc như chúng ta thường thấy ở bệnh nhân phải trải qua hóa trị.
Sau quá trình hóa trị, các bệnh nhân có thể thấy họ có sức đề kháng thấp hơn trước các nhiễm trùng suốt một thời gian nhất định.
Các tác dụng phụ khác có thể không xuất hiện ở bệnh nhân cho mãi tới vài tháng, vài năm sau khi quá trình hóa trị hoàn thành, chẳng hạn như mãn kinh sớm, vô sinh, các thay đổi về cảm giác ở bàn tay và bàn chân (chứng rối loạn hệ thần kinh ngoại biên) và cùng với một số loại thuốc khác gây vấn đề về tim và phổi.
Một số dạng hóa trị còn góp phần dẫn đến việc suy giảm khối lượng xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và đôi khi cả nguy cơ mắc một căn bệnh ung thư thứ hai. Đàn ông còn có thể bị rối loạn tình dục.
Không phạm sai lầm nào, phương pháp hóa trị đã cứu được vô số mạng người. Tuy nhiên, quá trình điều trị có thể vô cùng đau đớn, với tổn hại đi kèm.
Để hạn chế điều đó, các nhà khoa học đã phát minh ra các thuốc trị liệu "đích", chẳng hạn như biệt dược trị ung thư vú Tamoxifen. Dẫu vậy, những loại thuốc này không phải luôn luôn tấn công trúng mục tiêu và có thể gây ra một số tác dụng phụ khó chịu.
Ngược lại, phương pháp trị liệu bằng miễn dịch sử dụng các virus để nhận diện các tế bào ung thư độc hại, rồi phá hủy chúng từ bên trong. Đột phá mới nhất của các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu ung thư và Quỹ ủy thác y tế công Marsden Hoàng gia Anh sử dụng việc tiêm một virus herpes đã biến đổi gen để không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh, vào các bệnh nhân bị ung thư da ác tính.
Virus herpes sẽ đóng vai trò như vũ khí tấn công mục tiêu chính xác bên trong cơ thể. Khi xâm chiếm các tế bào ung thư, virus biến đổi gen sẽ giải phóng một hóa chất cảnh báo hệ miễn dịch của người bệnh về hiểm họa, để hệ thống phòng thủ của chính cơ thể tập kích ung thư.
Đây là một yếu tố then chốt của phương pháp trị liệu miễn dịch. Thông thường, các tế bào khối u có thể rất giống các tế bào bình thường, khỏe mạnh mà chúng trà trộn để tránh radar của hệ miễn dịch phát hiện.
Bằng cách kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của người chiến đấu, nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn được giảm đáng kể. Đặc biệt, trong phương pháp trị liệu miễn dịch ung thư da mới, có tên gọi là T-VEC của các nhà khoa học Anh, một khi đã xâm nhập được vào bên trong tế bào ung thư, virus herpes tăng lên gấp bội trước khi vỡ bung ra, tiêu diệt tế bào trong quá trình đó.