Dùng văn bản bị thu hồi để quảng cáo thuốc điều trị COVID-19, xử phạt thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù Bộ Y tế đã thu hồi Văn bản 5944 về việc ứng dụng thuốc cổ truyền trong việc điều trị COVID-19, nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn lợi dụng văn bản trước đó để quảng cáo thuốc Xuyên tâm liên như “thần dược” điều trị COVID-19. Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã có văn bản hướng dẫn và căn cứ vào đó để xử lý theo quy định về việc đưa tin sai sự thật.

Dùng văn bản đã thu hồi để bán Xuyên tâm liên

Ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành Công văn 5944 về việc ứng dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu trong việc điều trị COVID-19, trong đó đưa ra danh mục 12 loại thuốc cổ truyền giúp điều trị COVID-19.

Thông tin này lập tức được nhiều cơ quan báo chí thông tin, đăng tải cũng như chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội, mở ra hy "tia sáng" trong cuộc chiến chống lại "giặc" COVID-19. Tuy nhiên, 2 ngày sau, Bộ Y tế lập tức thu hồi công văn này do phát hiện một số nội dung chưa phù hợp.

Lợi dụng văn bản đã thu hồi của Bộ Y tế và một số thông tin đăng tải trên báo, nhiều cá nhân, tổ chức đã cắt ghép để quảng cáo, “thổi” tác dụng của sản phẩm Xuyên tâm liên thành “thần dược” ngăn ngừa COVID-19 để bán tới người tiêu dùng.

Dùng văn bản bị thu hồi để quảng cáo thuốc điều trị COVID-19, xử phạt thế nào? ảnh 1

Cụ thể, khi tìm kiếm trên mạng xã hội (MXH) Facebook với từ khóa “Xuyên tâm liên”, hàng loạt hội nhóm với tên gọi như, Xuyên tâm liên điều trị bệnh nhân COVID- 19; hay Nhóm Xuyên tâm liên dược liệu phòng COVID… với cả nghìn thành viên tham gia. Trong các hội nhóm này thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán Xuyên tâm liên cả ở dạng khô và cây giống kèm theo lời quảng cáo về hiệu quả mà loại thuốc này mang lại.

Không những thế, một số người trích dẫn một số bài báo viết về việc lên kế hoạch sản xuất, phân phối Xuyên tâm liên để tăng mức độ tin cậy, nhằm thu hút người mua.

Theo quảng cáo trên MXH, “Xuyên tâm liên là một loại thuốc đông y trong y học cổ truyền, từng được coi là thần dược trong thời bao cấp dùng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau”. Mặt khác, nương theo văn bản của Bộ Y tế dù văn bản này đã được thu hồi, Xuyên tâm liên được một số tờ báo ca tụng như một loại “thần dược địa phương giúp điều trị COVID-19 hiệu quả”.

Giá sản phẩm Xuyên tâm liên được một số trang Facebook rao bán với giá 170k/1 hộp, mua 3 hộp giảm còn 150k/hộp, mua 5 hộp giảm còn 120k/1 hộp. Những người bán sản phẩm Xuyên tâm liên trên MXH cũng đính kèm thông tin “miễn phí ship toàn quốc, sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép”…

Tuy nhiên thực tế, hiệu quả trong điều trị COVID-19 của Xuyên tâm liên đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng chứng thực rõ ràng.

Dấu hiệu lừa dối khách hàng

Theo chuyên gia về pháp lý, việc quảng cáo này có dấu hiệu của việc lừa dối khách hàng, đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Lâm Thị Mai Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi quảng cáo thuốc Xuyên tâm liên qua phương tiện thông tin đại chúng, MXH trên đã vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 181 ngày 14/11/2013 và có thể bị xử phạt hành chính lên tới 40 triệu đồng khi quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Cụ thể, ở đây là hiệu quả của sản phẩm Xuyên tâm liên điều trị COVID chưa được Bộ Y tế xác thực, luật sư Mai Anh nói.

Luật sư Lê Vĩnh Thuỵ, Giám đốc Cty TNHH Luật Sen Vàng cho hay, Công văn số 5944 của Bộ Y tế có nội dung định hướng, “gợi ý”, “chỉ đạo”, tạo uy tín về chất lượng cho các sản phẩm thuốc nói trên. Các văn bản của cá nhân có thẩm quyền của Bộ Y tế được ban hành không phù hợp với thực tế, vi phạm các quy định về quản lý hành chính có liên quan, có dấu hiệu “định hướng dư luận” nhằm tăng uy tín chất lượng cho sản phẩm.

Về phía hành vi của lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị ban hành các văn bản mang tính chất “quảng bá”, “gợi ý”, “khuyến khích”, định hướng dư luận tin tưởng và sử dụng 12 sản phẩm thuốc trong danh mục đã công bố có dấu hiệu của việc trục lợi, ông Thuỵ nói.

Đáng chú ý, trong danh sách 12 loại thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được sử dụng phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 có "Hoạt huyết Nhất Nhất" - không phải thuốc điều trị COVID -19.

Trước câu hỏi của PV về việc, có xem xét xử phạt đối với việc cung cấp thông tin không đúng của Bộ Y tế không, ông Đỗ Hữu Trí – Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, theo Nghị định 81 hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính, đối với cán bộ công chức cơ quan nhà nước mà ở đây là Bộ Y tế, khi có sai phạm sẽ xử lý nội bộ tùy theo mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp thuốc Xuyên tâm liên giúp điều trị COVID-19 quảng cáo rầm rộ trên các trang MXH như Facebook có dấu hiệu lợi dụng văn bản của Bộ Y tế và thông tin trên báo đài, Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn và căn cứ vào đó để xử lý theo quy định về việc đưa tin sai sự thật.

Phó Chánh Thanh tra Bộ TTTT Đỗ Hữu Trí cũng khuyên, người dân nên đọc các trang báo chính thống, cẩn trọng trước các thông tin trên MXH, tránh thông tin giả mạo, gây hoang mang đặc biệt là thời điểm dịch dã phức tạp như hiện nay.

Luật sư Lê Vĩnh Thuỵ: "Liên kết các sự việc có thể thấy, hành vi trên của các cá nhân có thẩm quyền của Bộ Y tế có dấu hiệu vi phạm các quy định về Luật phòng chống tham nhũng, vi phạm các quy định tại chương các tội phạm về chức vụ".

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.