Đừng tự biến mình thành ... bác sỹ

Số người muốn lờ tịt bác sỹ đang ngày một nhiều. Bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân trở thành chuyện vặt. Ảnh minh họa: Internet
Số người muốn lờ tịt bác sỹ đang ngày một nhiều. Bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân trở thành chuyện vặt. Ảnh minh họa: Internet
TP - Thông tin bùng nổ, xu hướng tự tìm cách chữa bệnh trước khi đến gặp bác sĩ trở nên phổ biến. Người ta bảo thời đại "cách của tôi" cũng chả sai. 

Lờ tịt bác sỹ

Những topic hướng dẫn phòng và chữa bệnh đang có xu hướng đánh bạt các chuyên mục ăn khách của các diễn đàn trước nay như chuyện pháp luật, góc tâm sự, buôn bán. Số người muốn lờ tịt bác sĩ đang ngày một nhiều. Bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân chữa bệnh trở thành chuyện vặt. Hơn nữa, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh ở ta khá phức tạp, khiến người ta càng muốn tìm mọi cách trước khi gõ cửa bệnh viện.

Thường thì dám nhờ “bác sĩ không bằng cấp” cũng chỉ xảy ra ở những người bị bệnh vặt hoặc bệnh mạn tính mà chưa đến mức nguy hiểm tính mạng. Cũng có khi là bệnh nan y song, phải rơi vào trường hợp bệnh viện trả về người ta mới dám còn nước còn tát, cầu cứu các quân sư bàn phím.

Không thể phủ nhận tác dụng của những phương thuốc truyền miệng. Nếu tham khảo mà không hiệu quả, chả ai còn hào hứng tiếp tục chia sẻ và xin giúp đỡ. Dại gì không thử khi cũng bệnh ấy, rắc rối ấy đáng lẽ phải chờ ở bệnh viện mấy tiếng đồng hồ chờ khám, rồi bỏ một đống tiền mua thuốc, lại có thể giải quyết đơn giản chỉ bằng mấy thứ lá lẩu vườn nhà.

Chỉ cần một lần gặp may, người ta dễ có tâm lý ỷ lại Google đã. Nếu không được rồi mới đến bác sĩ. “Cách của tôi” vô tình trở thành một thứ bệnh viện tiền trạm. Khởi nguồn từ một nhóm người quen thân, cùng với sự phổ cập của internet “cách của tôi” lan ra theo hiệu ứng làn sóng.

 Đừng tự biến mình thành ... bác sỹ ảnh 1

Một kiểu chẩn bệnh online.

Dễ vừa rẻ

Một điểm chung khiến các “cách của tôi” thu hút quan tâm của rất nhiều người là vì nó thường đơn giản, dễ kiếm, dễ làm, lại rẻ tiền. Nếu phức tạp và đắt đỏ, người ta tất sẽ phải đắn đo cân nhắc và thường là mang thân đi khám cho xong. Dù gì gặp bác sĩ cũng yên tâm hơn những cách khám chữa bệnh từ xa.

Càng đơn giản, rẻ tiền, “cách của tôi” càng hot. Tâm lý chung là cứ thử cách của người khác đi vì các loại thuốc và phương pháp chữa bệnh của họ chủ yếu là đơn giản, nghe có vẻ vô hại.

Bệnh viêm mũi dị ứng chẳng hạn. Ai kinh qua đều biết đây là một loại bệnh lai rai, có khả năng tái đi tái lại theo mùa. Thường thì bác sĩ sẽ cho những bệnh nhân loại này dùng thuốc kháng histamin, nôm na là thuốc chống dị ứng.

Ở Mỹ, theo khảo sát từ 3.000 người do The Pew Research Center’s Internet & American Life Project thực hiện, gần 40% thường xuyên lên mạng để chẩn bệnh cho chính họ và người khác.

Trong khi đó, những người áp dụng cách tự phòng tránh không cần dùng thuốc. Rửa mũi, xúc họng bằng nước muối ấm hàng ngày. Giữ ấm. Dùng tinh dầu tỏi, gừng để chặn bệnh khi vừa mới manh nha. Tất nhiên, nếu đến phòng khám, bác sĩ cũng khuyên như vậy. Song lời khẳng định chắc nịch của những bệnh nhân cùng cảnh ngộ bao giờ cũng có sức thuyết phục hơn.

Hay như chứng mụn cóc ở bàn chân. Rất nhiều người phẫu thuật đi phẫu thuật lại không khỏi. Có một bệnh nhân áp dụng thành công dùng cây dền gai trắng nấu lên ngâm chân. Vậy mà mụn cơm biến mất, không cần phải dùng thêm bất cứ loại thuốc nào. Cân nhắc lợi hại giữa việc đến bệnh viện phẫu thuật và ngâm chân bằng nước dền gai, bất cứ ai cũng muốn thử bằng phương pháp dân gian trước. Nếu không khỏi, đi phẫu thuật cũng chưa muộn.

 Đừng tự biến mình thành ... bác sỹ ảnh 2

Khám bệnh truyền thống cần phải có bốn bước “vọng văn vấn thiết” (nhìn nghe hỏi bệnh thăm khám). Khám qua internet chỉ cần gõ bàn phím.

Phòng là chính

Tất nhiên, số người áp dụng cách của người khác thất bại cũng không ít. Nếu không muốn nói là đa số. Cơ địa khác nhau là đã có phản ứng khác nhau với thuốc. Cùng bệnh ấy, triệu chứng ấy, phác đồ điều trị này có thể đáp ứng tốt với một số người nhưng lại vô tác dụng với một số khác.

Chưa kể một số người mù quáng áp dụng cách của người khác trong việc dùng thuốc dẫn đến tiền mất tật mang. Người cơ địa dị ứng chẳng hạn. Dùng sai một loại thuốc (có chất gây dị ứng) có thể dẫn đến những hậu quả rất khó kiểm soát.

Cho nên, cùng với những comment phản hồi tích cực, tồn tại không ít bài lên án chủ topic hướng dẫn sai, thông tin lệch lạc hoặc, tệ hơn, quy ra vấn đề đạo đức.

 Đừng tự biến mình thành ... bác sỹ ảnh 3

Ðơn thuốc chữa amidan được chia sẻ trên mạng và được khá nhiều người áp dụng mà không cần qua khám chữa.

Một người có thâm niên tạo lập các “cách của tôi”, chị Nguyễn Thu Thảo (Ngõ Văn chương, Ðống Ða, Hà Nội) cho biết: “Học mò kinh nghiệm của mọi người nhiều, tôi đúc kết lại là chỉ nên nghe theo những bài học phòng bệnh thôi. Ðụng đến thuốc tây thì phải cẩn thận. Nhất định phải hỏi ý kiến bác sĩ”.

Bạn chị có trường hợp nghe theo một đơn thuốc đau dạ dày “cách của tôi” mà phải nhập viện cấp cứu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ cách của người ta, chị học được rất nhiều cách bảo vệ sức khỏe, tăng đề kháng tự nhiên. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Vì phòng tốt nên nhà tôi may mắn cũng rất ít ốm đau”, chị Thảo nói.

Một kinh nghiệm khác, theo anh Trần Duy Hải (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), để cách của người khác trở nên hữu ích với mình, nên biết trước cơ địa của mình hợp với loại thuốc nào, có dị ứng không, trong quá trình dùng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp chữa bệnh thì nên từ từ, vừa dùng vừa nghe ngóng. “Như thế sẽ giảm thiểu những tác dụng phụ do không hợp thuốc gây ra”, anh Hải nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.