Ngay khi vừa đến trường THPT Cổ Loa, ông Nguyễn Thiện Nhân đã vào thăm một giờ học Văn lớp 10A1 do cô giáo trẻ Nguyễn Huyền Trang đứng lớp. Trò chuyện với học sinh, ông Nhân đặt câu hỏi về sự ra đời của tác phẩm, học sinh hiểu gì về tác giả? Qua câu trả lời của học sinh, ông Nhân khuyến khích các em tích cực tìm hiểu thêm thông tin bổ trợ cho bài học qua mạng internet. Cũng theo ông Nhân, học Văn nhưng khi tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, nội dung bài thơ các em được hiểu thêm kiến thức về lịch sử đất nước.
Ông Nhân cũng nhắn nhủ học sinh của trường phải luôn nỗ lực, sáng tạo để đạt kết quả cao trong học tập. Ông Nhân nói: “Ngày xưa đất nước ta còn nghèo, 95% dân số không biết chữ. Ngày nay chúng ta có nhà cao tầng, nhà máy... tất cả đều là nhờ học hành mà thành. Thầy cô là người dạy chúng ta học hành, vì vậy là học trò thì phải luôn nhớ ơn thầy cô”. Tại buổi giao lưu với thầy trò trường THPT Cổ Loa, thay mặt nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam gửi tới các thầy cô giáo của trường THPT Cổ Loa và hơn 1 triệu thầy cô giáo đang giảng dạy trên cả nước lời chúc mừng và lời tri ân sâu sắc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự đóng góp của thầy cô giáo là hết sức to lớn và không gì thay thế được đối với sự phát triển của đất nước. “Từng là giáo viên đứng trên bục giảng từ năm 1983, tôi thấy quãng thời gian đứng trên bục giảng, đó là khoảng thời gian ấm áp, hạnh phúc nhất cuộc đời”, ông Nhân chia sẻ. Cũng theo ông Nhân, trên thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam có Ngày Nhà giáo, xuất phát từ truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị giáo viên phải nỗ lực nâng cao trình độ, nên lồng ghép trong các bài giảng để cập nhật tình hình đất nước cho học sinh; tăng cường sử dụng internet để tìm hiểu thông tin giảng dạy. Mỗi trường học phải kết bạn với một trường học ở các nước trong khu vực để trao đổi, giao lưu.
Chia sẻ với sự lo lắng của một giáo viên về tình trạng học sinh trốn học đi chơi game, ông Nhân cho rằng: “Ngôi trường đầu tiên giáo dục học sinh chính là gia đình. Gia đình chính là nơi học ăn, học nói, học giao tiếp”. Khi để học sinh nghiện game, trốn học chơi game thì ngành giáo dục, nhà trường, gia đình phải cùng bàn giải pháp cụ thể.