'Đừng tranh cãi học 9 hay 12 năm'
> Nam sinh lớp 12 'bắt bệnh' giáo dục
“Khi giáo dục Việt Nam chưa xác định được triết lí giáo dục thì đừng bàn 9 năm hay 12 năm” - GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long nêu quan điểm.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính. Ảnh: Văn Chung (VietNamNet). |
GS Hoàng Xuân Sính cho biết: Xem clip của nam sinh lớp 12 - bản thân tôi đồng tình hãy để tuổi trẻ nói lên suy nghĩ của các em. Nếu các em không nói chúng ta sẽ không biết người trẻ thích, không thích cái gì, cũng như thấy được những gì mình đạt dược hoặc còn thiếu sót.
Cái nguy hiểm là khi tuổi trẻ không nói gì, trước mặt chúng ta chỉ là “những hộp đen bí hiểm”. Anh là nhà giáo dục mà trước những học sinh sinh viên (HSSV) không nói ý kiến về bài giảng, về chương trình, về nhà trường thì biết gì để bổ sung, sửa chữa.
Ở Việt Nam, có lẽ lần đầu tiên một học sinh dám đưa ra quan điểm về giáo dục khi còn là học sinh nên được chú ý. Chính cái trái khoáy, lạ này nên mọi người mới cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng tôi cho đây cũng là dấu hiệu đáng mừng.
Nhìn ra nước ngoài, các em nói hàng ngày, ngay trên lớp học. Giáo dục phải làm sao để các em bày tỏ quan điểm, chính kiến ngay với thầy cô trong lớp học. Để bao nhiêu lâu học sinh mới nói ra trên clip thì hơi muộn.
Dù ủng hộ nhưng cần thấy đây chỉ là chủ quan suy nghĩ của học sinh, còn nhiều điểm cần uốn nắn. Giáo dục không cho phép được làm theo chủ quan của ai được. Giáo dục để đào tạo cho em thành một con người biết sống tốt giữa mọi người nên không thể theo cảm tính của một học sinh.
Ví dụ em bảo chỉ học môn nào thích. Nhưng Toán giúp phát triển óc phân tích, Văn giúp phát triển óc tổng hợp. Em không thích Văn hoặc Toán. Điều đó sẽ khiến em bị khập khiễng. Và tất nhiên, giáo dục sẽ áp đặt để em thành người toàn diện hơn.
Em nói không cần có thi cử kiểm tra, nhưng kiểm tra nếu làm tốt chức năng đánh giá khả năng tiếp thu của em đến đâu lại cần thiết, phải làm dù em không thích.
Một trong những quan điểm đáng chú ý của nam sinh này là học sinh chỉ cần học hết lớp 9. Ở tuổi 14, 15, các em đã biết xác định được khả năng và lối đi cho riêng mình. Giáo sư có đồng tình với ý kiến này?
Đó là suy nghĩ của em mà thôi. Tôi cũng thấy nhiều giáo sư đồng tình ủng hộ quan điểm đó. Giáo sư Văn Như Cương từng nói, bậc phổ thông, mọi học trò không nhất thiết cần học đạo hàm tích phân. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và một số người sau đó cũng đồng tình ủng hộ.
Nhưng tôi xin lấy ví dụ nhiều nhà nghiên cứu kinh tế thế giới cho rằng, chúng ta không thể dạy được học trò nghiên cứu về kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ trong lần sang Mỹ xem nghiên cứu sinh học hành như thế nào, được các bạn tâm sự: Ở đây phải học 2 năm về Toán trước, sau các giáo sư mới cho học kinh tế.
Theo giáo viên ở đây: “Nếu không có Toán thì anh sẽ làm được gì với môn học của tôi. Có Toán mới nghiên cứu sâu được về kinh tế”. Trong khi ta lại nói không cần (?!)
Một ví dụ khác, Giáo sư Lê Văn Cường từ ĐH Paris 7 (Pháp), nổi tiếng kinh tế sau khi về Việt Nam muốn truyền dạy kiến thức của ông cho sinh viên. Ông làm thí điểm với sinh viên Trường ĐH Thủy lợi và cũng yêu cầu sinh viên phải học thêm về Toán trước khi học kinh tế của ông.
Tóm lại những tích phân, đạo hàm là rất cần thiết. Và giáo dục phổ thông cần 12 năm.
Cần một triết lí
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015. GS có góp ý gì để đề án có tính khả thi?
Trước khi góp ý tôi xin đưa chút so sánh về hai nền giáo dục đối cực nhau là Mỹ và Pháp.
Giáo dục phổ thông ở Mỹ chủ trương cho thể thao lên hàng đầu. Tôi có chị bạn định cư ở Mỹ, con học lớp 9, giỏi nhất tennis ở trường. Và đa số mọi người giỏi tennis còn hơn giỏi nhất Toán ở trường. Để trò phát triển tối đa về sức khỏe rồi vào đại học họ buộc sinh viên phải “mở máy”, học thật nhiều. Thành ra nhiều trường ĐH của họ khó vì sinh viên phải học nhiều.
Pháp lại chủ trương có 12 năm phổ thông để vào ĐH sinh viên sẽ đi chuyên sâu ngay chứ không học đại cương như Mỹ.
Nhưng cả hai nền giáo dục đều sản sinh ra những người giỏi. Vì đâu? Vì họ xác định được triết lí giáo dục.Có triết lí rồi mới xác định cần theo chương trình 9, 10 năm hay 12 năm được.
Hiện giáo dục phổ thông của mình bắt chước Pháp là nặng nhưng đến giáo dục ĐH lại không làm theo mà thả lỏng cho chơi. Đó là hệ quả của nền kinh tế kế hoạch với tư tưởng vào bao nhiêu phải ra bấy nhiêu.
Cách làm không nhất quán đó dẫn tới giáo dục của ta cứ đi vòng quanh, rối rắm.
Thậm chí ta bắt chước Pháp được bao nhiêu hay chỉ hời hợt? Trẻ ở Pháp học rất nặng, đặc biệt là việc tự học. Ta thay vào là việc bắt trẻ đi học thêm.
Đổi mới chương trình sách giáo khoa ở Việt Nam muốn thành công cần một triết lí, sau đó tính làm như thế nào, giao cho ai viết hay nhập khẩu chương trình thì đơn giản. Ban soạn thảo phải làm từ lớp một đến ĐH. Nếu tách ra làm sẽ dẫn đến khập khiễng, thiếu toàn diện.
Theo Văn Chung
Vietnamnet