Gần 40 tuổi, chị Nguyễn Yến L thấy cơ thể mình thay đổi nhiều khi hay nóng giận, mệt mỏi, da khô nhám, đặc biệt là chuyện "yêu" trước đây vốn rất mặn mà với chồng thì nay chỉ qua quýt cho xong chuyện, thậm chí nhiều lần chị còn tìm lý do để lảng tránh. Tình trạng trên kéo dài đến gần nửa năm, thay vì đi khám để xác định rõ nguyên nhân, chị YL mò lên các trang “tâm sự chị em” và được một “đàn chị” tư vấn nên dùng loại thực phẩm chức năng (TPCN) với tên gọi BX có tác dụng “bổ sung estrogen, làm chậm quá trình tiền mãn kinh”.
Hay như ông Trần Ngọc T, 52 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội kể với BS tại khoa Nam học rằng thời gian gần đây ông cảm thấy không muốn gần vợ như trước. Ông rất buồn vì điều này và đã hỏi mấy người bạn của mình để mong tìm loại thuốc giúp ông trở lại cảm giác sung mãn như trước, hoặc ít ra là còn có ham muốn gần vợ. Một người bạn đã chỉ cho ông ra hiệu thuốc để mua "thuốc sung mãn" để bổ sung testosteron dành cho đàn ông.
Theo BS. Thân Ngọc Tuân (Phòng Sản, khoa Khám bệnh, BV Đa khoa Medlatec), đa phần chị em thường tự ý bổ sung hormone sinh sản, chủ yếu là estrogen hay vẫn gọi chung là nội tiết tố thông qua các thông tin quảng cáo của sản phẩm hoặc truyền tai nhau mà không theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Thậm chí, có trường hợp dù chưa thấy bất kỳ biểu hiện nào của việc thiếu hụt nội tiết tố estrogen nhưng vẫn dùng vì cho rằng, “đến tuổi 30 rồi, phòng còn hơn chống”!?
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nội tiết tố ở người phụ nữ và ở mỗi độ tuổi có một sự ứng phó khác nhau. Để khắc phục sự thiếu hụt này cần xác định rõ nguyên nhân và điều này chỉ thực hiện được khi đến khám chuyên khoa. Việc xét nghiệm nội tiết tố thường được thực hiện ở ngày thứ 2-3 của kỳ kinh nguyệt sẽ cho kết quả chính xác nhất”, BS. Tuân cho biết.
Theo các chuyên gia giới tính - sinh sản, phụ nữ ở tuổi dậy thì cũng có trường hợp có dấu hiệu của thiếu nội tiết tố, nhưng thường khó chẩn đoán chính xác. Bởi có thể việc thiếu hụt chỉ xảy ra ở một giai đoạn và lại tiếp tục được tự sản sinh. Hay ở độ tuổi sinh sản, sự thiếu hụt nội tiết tố thường thể hiện qua các biểu hiệu rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa, rong dễ dẫn đến tình trạng chậm có con hay hiếm muộn. Còn với phụ nữa độ tuổi ngoài 40 do cơ thể dần lão hóa, kích thước, chức năng buồng trứng suy giảm, sinh hoạt tình dục không còn như ý… Ở mỗi độ tuổi, tình trạng thiếu hormone diễn biến với những nguyên nhân khác nhau. Nếu không xác định rõ nguyên nhân mà tự ý bổ sung nội tiết tố là vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, với những phụ nữ đã có sẵn nền bệnh lý mạn tính như gan, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tim mạch… thì việc sử dụng các chế phẩm bổ sung thêm estrogen không theo chỉ dẫn còn có thể khiến bệnh tình thêm nặng. Thậm chí với những phụ nữ đã có u sợi tuyến vú, nhân xơ tử cung, u tử cung…, việc bổ sung estrogen gây xuất huyết âm đạo và gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Đặc biệt, với phụ nữ đang tuổi sinh sản, việc bổ sung không đúng nội tiết tố estrogen dễ gây ung thư niêm mạc hoặc ung thư vú… ảnh hưởng rất lớn sau này.
Còn trong trường hợp của ông T, BS chuyên khoa cảnh báo rằng ông chỉ mới 50 tuổi, ông cần đi khám để biết được do nguyên nhân nào để được chữa trị thích hợp.
Nếu do nội tiết tố testosteron nội sinh bị suy giảm bác phải sử dụng liệu pháp giúp bù đắp lượng nội tiết tố testosteron bị suy giảm này. Liệu pháp này sẽ cải thiện được tình trạng yếu sinh lý, giúp tăng cường sức mạnh nam giới, đồng thời cũng chống xuất tinh sớm. Tuy nhiên, sử dụng liệu pháp này cần hết sức thận trọng vì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như gây xơ vữa động mạch, phì đại tuyến tiền liệt, tinh hoàn không sản xuất ra testosteron tự nhiên dẫn đến nội tiết tố giảm đi khi ngưng sử dụng thuốc và cơ thể sẽ bị lệ thuộc suốt đời vào thuốc.