Dùng thiết bị di động tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm trong tự nhiên

TPO - Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS Việt Nam) vừa triển khai dự án tìm kiếm cá thể rùa Hoàn Kiếm bằng thiết bị di động eDNA, mở ra hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên.

EDNA là viết tắt của gen hay DNA (Deoxyribonucleic acid, tiếng Việt còn gọi là ADN) trong môi trường, do các sinh vật sống thải ra môi trường. eDNA có thể được sử dụng như một công cụ pháp y để phát hiện các loài quý hiếm dựa vào mẫu môi trường như đất, nước và không khí, thay vì lấy trực tiếp từ một cá thể.

Bộ dụng cụ di động chẩn đoán phân tử, để xác định eDNA trong mẫu nước, đã được WCS phát triển thành công, với mục đích tìm ra những loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt tập trung vào loài Rùa Hoàn Kiếm. Với tính năng chẩn đoán nhanh, di động và thân thiện với môi trường, bộ dụng cụ eDNA mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên, giúp hoạt động thu thập, chẩn đoán mẫu nước trở nên dễ dàng hơn bởi eDNA có thể được chẩn đoán trực tiếp ngay tại nguồn nước.

Để giúp các cán bộ bảo tồn có thể sử dụng thành thạo kỹ thuật này, từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 9 tháng 5 năm 2018, khóa tập huấn giới thiệu về gen trong môi trường (eDNA) và thử nghiệm kỹ thuật phát hiện eDNA dùng thiết bị di động để tìm kiếm Rùa Hoàn Kiếm, diễn ra tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Khóa tập huấn diễn ra trong 15 ngày, do Tiến sĩ Tracie Seimon, nhà khoa học phân tử, Chương trình Sức khỏe Động vật của WCS, trụ sở tại Vườn thú Bronx, New York, Mỹ, hướng dẫn, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tiến sĩ Brian D. Horne, chuyên gia về Rùa nước ngọt và Rùa cạn, Chương trình về loài của WCS.

Dùng thiết bị di động tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm trong tự nhiên ảnh 1 Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết bị di động để thu thập mẫu nước nhằm tìm kiếm dấu vết rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: ATP

Mục tiêu của khóa tập huấn là nâng cao kiến thức và hướng dẫn các nhà nghiên cứu bảo tồn từ ATP, CRES và WCS, về cách điều khiển và áp dụng bộ dụng cụ di động eDNA trong các chuyến khảo sát thực tế. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thử nghiệm hiệu quả hoạt động của kỹ thuật mới này trước khi đưa ra ứng dụng rộng rãi.

Trong khóa tập huấn, Phó Giáo sư Lê Đức Minh của Viện Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, “Kỹ thuật mới này có ý nghĩa lớn trong việc khảo sát những loài khó tìm kiếm và đang bị đe dọa trên toàn thế giới, đặc biệt là động vật thủy sinh. Việc phát triển bộ dụng cụ di động eDNA chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực công tác bảo tồn nhiều loài động vật nguy cấp nhất nước ta.”

Hoạt động thu thập và chẩn đoán mẫu gen trong môi trường tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019, khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn, nhằm tối ưu hóa cơ hội tìm ra DNA của Rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

MỚI - NÓNG