Thunberg nói với BBC rằng COP sẽ không dẫn đến các mục tiêu khí hậu chừng nào công chúng đòi hỏi thay đổi. “Chúng ta đang trong khủng hoảng về tồn tại, còn các chính khách đến COP chỉ để “biện hộ”, cho các ưu tiên của mình” - cô chỉ ra.
Hội tụ về Glasgow, thành phố lớn nhất của Scotland, từ 31/10 đến 12/11, khoảng 200 nước được yêu cầu trình kế hoạch thiết thực về giảm khí nhà kính gây ấm nóng toàn cầu. Chủ nhà Anh quốc hứa đưa phát thải của mình về “net zero” vào năm 2050. Nhưng nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, bảo không thể đạt mục tiêu này.
Net zero, không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển, được 197 nước cam kết tại thỏa thuận Paris năm 2015. Nếu không đạt net zero trước 2050, mức tăng nhiệt độ trái đất có thể vượt 1,50C. Ngưỡng ấy sẽ khiến mực nước biển ở Việt Nam dâng thêm ít nhất 20 cm.
Lối sống mỗi cá nhân hóa ra đóng góp không nhỏ cho ác mộng không đạt net zero. Trong khi lên án các chính phủ và tập đoàn, dường như chúng ta quên đi tác động tiêu dùng của mình tới vấn đề này. Larry Elliott đến từ Anh cho rằng bản thân cũng phải chịu trách nhiệm về phát thải khủng của Trung Quốc, chiếm 28% tổng phát thải toàn cầu: “Trong nhà tôi, từ bản chải, thuốc đánh răng, đài, đến tủ lạnh thảy đều Made in China”.
Ham của rẻ và ưa tiện lợi, không chỉ từ người các nước nghèo, phần nào kích thích tàn phá môi trường. Nghiên cứu trên Tạp chí Sinh thái Công nghiệp (JIE) gần đây cho thấy 50-80% đất đai, vật liệu, và nước phục vụ trực tiếp các cá nhân, và cách chúng ta tiêu pha, từ thức ăn đến đồ trang sức, chiếm 60% phát thải khí nhà kính.
Cô Thunberg - sinh năm 2003, mong công chúng làm gì đó để dẫn đến thay đổi. Khi net zero lại được hâm nóng tại COP26 năm nay, lớn nhất kể từ mốc 2015 ở Pháp, nhiều người chú ý giải pháp giảm thải ít tốn kém bằng trồng cây bản địa. Tạm chưa đàm đạo các chuyện to tát như thu và giữ carbon bằng công nghệ cao mà chỉ nước giàu mới làm nổi, ta nên biết mỗi ngón tay kích hoạt mua sắm trên Amazon, mỗi tặc lưỡi cầm thêm một túi nilon cũng góp phần quyết định độ nóng toàn cầu.