Đừng sợ làm 'người tự do'!

Đừng sợ làm 'người tự do'!
TP - Mong muốn được làm việc, được thể hiện mình mà không bị ràng buộc vào một tổ chức nhất định nào là mong muốn chính đáng của người lao động hiện đại.
Đừng sợ làm 'người tự do'! ảnh 1

Thực ra, “tự do” có đáng sợ không?

Freelancer - giờ là thuật ngữ dùng để chỉ người lao động trẻ nhận thức được rõ những cơ hội đang mở ra cho mình nhờ quá trình toàn cầu hóa và nền công nghệ hiện đại ngày càng hoàn thiện, coi nơi làm việc của mình trong từng thời điểm là một bậc thang của sự nghiệp.

Tại Mỹ, một “cổ cồn trắng” đến năm 32 tuổi đã có thể kịp thay đổi … 9 chỗ làm và cho đến khi về hưu, anh ta có thể đổi những hơn 20 địa chỉ làm việc!

Trên thế giới, xu hướng sử dụng nguồn lao động tự do đang bắt đầu tăng lên. Hiện giờ, ở Mỹ có hơn một phần tư số lao động làm việc theo hợp đồng chứ không nằm trong biên chế chính thức.

Người ta ước tính, đến năm 2010, đội quân “hành nghề tự do” ở nước này sẽ lên đến 41%! Riêng năm 2008, hơn 30% các công ty ở Mỹ có kế hoạch sử dụng những freelancer.

Bruce Tulgan, tác giả cuốn “Cuộc chiến giành giật nhân tài”, nhận xét: “Khủng hoảng thiếu nhân sự chỉ có thể đẩy lùi nếu công ty thay đổi những quan niệm lỗi thời về người lao động”.

Quả vậy, ranh giới phân biệt đẳng cấp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động nay đã khác xưa. Nhân viên một công ty không còn là một bánh răng hay cái đinh vít nhỏ nhoi trong cả một cỗ máy to lớn, gắng sức hoạt động cho đến khi bánh răng chờn đi, đinh vít rệu rã và ngậm ngùi chấp nhận người ta thay cái mới! 

Chẳng chóng thì chầy, hình thức “lao động tự do” sẽ chiếm ưu thế trên thị trường nhân lực thế giới. Các công ty rồi sẽ phải mở rộng việc thu nhận các freelancer để có thể đương đầu được với sự cạnh tranh khốc liệt trên quy mô toàn cầu. Điều này mang lại cho họ tính năng động và giảm thiểu được chi phí.

Đương nhiên, những người hành nghề tự do ấy, cho dù là một họa sĩ, nhà tạo mẫu hay là nhà báo, hoặc là một chuyên gia PR chính trị, họ đều có một điểm chung là: dũng cảm và giỏi nghề. Bằng không, họ không thể đứng vững trước sự sàng lọc khắt khe của chủ sử dụng lao động. 

Họ lại phải làm việc nhiều hơn những người trong biên chế (theo hết quả nghiên cứu của công ty Career Builder, một freelancer của Mỹ phải làm việc hơn 50 giờ một tuần trong khi nhân viên thường làm việc 40 giờ!), đồng thời không có được những “đặc quyền đặc lợi” như tiền hưu trí, ngày phép và các khoản phụ cấp.

Bù lại, họ có tự do: không chỉ tự do hoạch định công việc mà còn có điều kiện phát huy cao nhất khả năng của mình, từng bước thực hiện những ý tưởng riêng. Nghĩa là, họ chấp nhận đối mặt với rủi ro để kỳ vọng những thành công cao nhất trong chuyên môn và sự nghiệp.

Vì thế, nếu bạn là người thực sự có năng lực, đừng sợ làm người tự do!

Đừng sợ làm 'người tự do'! ảnh 2

Còn nếu bạn là người đang sử dụng freelancer cho công ty mình, hãy biết cách điều khiển họ, như điều khiển những chú ngựa chứng hay!

Hãy luôn thống nhất trước với họ thật cụ thể, chi tiết, từ giá thành, chất lượng đến thời hạn một dự án bạn muốn họ tham gia. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng với tiến trình công việc, hãy hỗ trợ các điều kiện cần thiết để họ có thể phát huy được khả năng.

Trong trường hợp bạn cho rằng, họ là chuyên gia tồi, hãy lập tức cho họ thôi việc sau khi đã giải thích nguyên nhân thật xác đáng. Ngược lại, khi họ hoàn thành công việc xuất sắc, đừng tiếc một khoản tiền thưởng xứng đáng.

Hãy tin rằng, số tiền ấy chẳng mất đi đâu vì nhân tài bao giờ cũng đáng giá và sẽ ngày càng đắt giá hơn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.