Dùng nước hồ vì bó tay với ô nhiễm

Nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 8 triệu người
Nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 8 triệu người
TP - Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của hàng triệu người dân, TPHCM đang lập đề án khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng.

> Cao ốc, biệt thự xài nước... sà lan!

Nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 8 triệu người
Nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 8 triệu người.
 

Sông bị bức tử

Chiều 17-7, đi dọc theo sông Sài Gòn, chúng tôi phát hiện nhiều vùng nước ngày trước trong xanh hiện đen kịt, nhất là tại cửa các kênh, rạch nội thành. Rác thải, lục bình trôi lềnh bềnh, phủ kín mặt nước. Mùi hôi phảng phất bốc lên. Bủa lưới trên sông, ông Tư Rãnh, ngụ phường An Phú (quận 2) nói: “Sông bị ô nhiễm nên cá ngày càng ít”.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, sông Sài Gòn mỗi ngày tiếp nhận trên 750.000m3 nước thải sinh hoạt chứa nhiều chất độc hại nhưng hiện nay toàn lưu vực sông mới chỉ có duy nhất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vừa đi vào hoạt động với công suất 141.000m3/ngày. Như vậy, trên 80% lượng nước thải sinh hoạt hiện vẫn chưa được xử lý và thải trực tiếp ra các sông rạch, đổ vào sông Sài Gòn.

Nghiêm trọng hơn, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai có 49 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) với nhiều ngành nghề gây ô nhiễm cao như thuộc da, hóa chất, mủ cao su... Nhưng số KCN - KCX có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung chỉ chiếm trên 40%. Các hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên lưu vực sông Sài Gòn mỗi ngày cũng thải ra gần 65.000m3 nước thải độc hại, góp phần “bức tử” con sông.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hàm lượng các chất hữu cơ trên sông Sài Gòn có xu hướng tăng dần qua từng năm và vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Cụ thể: Hàm lượng độ đục (chỉ tiêu đánh giá mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước) và hàm lượng mangan vượt tiêu chuẩn từ 1,5 đến 5,5 lần.

Các chỉ tiêu ô nhiễm đặc thù như amoniac, BOD, Fe (sắt), độ pH, dầu mỡ, vi sinh coliform,… đều vượt tiêu chuẩn của nguồn nước loại A phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Chất lượng nước sông Đồng Nai có tốt hơn song các chỉ tiêu ô nhiễm cũng đang có xu hướng tăng dần do các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp trong lưu vực.

Tình trạng mặn xâm nhập làm giảm chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng diễn biến phức tạp. Vào mùa khô, xâm nhập mặn lấn sâu về phía thượng lưu. Theo báo cáo từ nhà máy nước Tân Hiệp, tại nhiều thời điểm, độ mặn tại trạm lấy nước thô trên sông Sài Gòn vượt ngưỡng cho phép (250mg/lít), làm gián đoạn việc bơm nước thô. Sông Đồng Nai cũng ở trong tình trạng tương tự.

Kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) thu gom nước thải độc hại rồi tống thẳng ra sông Sài Gòn
Kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) thu gom nước thải độc hại rồi tống thẳng ra sông Sài Gòn .
 

Tốn kém hàng nghìn tỷ đồng

Để cứu nguy cho nhà máy nước, Sawaco phải cầu cứu Công ty quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng xả nước ngọt về hạ lưu để đẩy mặn. Theo ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Sawaco, nếu ô nhiễm và nhiễm mặn của các con sông vẫn tiếp tục tăng, vượt quá khả năng đầu tư công nghệ xử lý nước tại các nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức thì tình hình cấp nước sẽ rất khó khăn và không lường hết hậu quả nghiêm trọng.

Song song với việc chuyển đổi nguồn nước thô, UBND TPHCM cho biết sẽ hạn chế khai thác nguồn nước ngầm để giảm ô nhiễm các tầng nước. Theo quy hoạch, đến năm 2025, lưu lượng nước ngầm cho phép khai thác chỉ dao động trong khoảng 100.000 m3/ngày đêm, thấp hơn 5 lần so với con số hiện nay.

 

Cuối tháng 6-2011, UBND TPHCM đã có văn bản trình Thường trực Thành ủy TPHCM thông qua Quy hoạch tổng thể cấp nước đến năm 2025.

Theo đó, nước thô ở hồ Trị An và Dầu Tiếng sẽ được khai thác, xử lý thành nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân TPHCM nhằm thay thế cho nguồn cung cấp chính hiện nay là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn do mức độ ô nhiễm ngày càng tăng cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Về phát triển hệ thống cấp nước, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện đảm bảo các dự án mở rộng nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp, Kênh Đông như dành sẵn quỹ đất lắp đặt các đường ống chuyển tải nước thô, ống cấp 1, xây dựng trạm tăng áp.

Mới đây, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn Dầu Tiếng (Sadacorp) đã đàm phán với Sawaco nhằm triển khai dự án hệ thống ống cấp nước sạch dài 60 km dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp và nhà máy nước Kênh Đông.

Ngoài đường ống dẫn nước, Sadacorp có kế hoạch xây dựng một nhà máy xử lý nước ngay bên trong khuôn viên nhà máy nước Tân Hiệp với công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.500 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG