Những "cái chết bất thình lình" chỉ vì thất tình
Vụ hai học sinh ôm nhau thắt cổ tự tử ở Nghệ An vào ngày 26/12 khiến cộng đồng mạng tranh luận nhiều chiều. Trước đó, khoảng 5h sáng 26/12, gia đình và người thân hai em T. (17 tuổi) và Tr. (15 tuổi), đều ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) sau một đêm đi tìm thì bàng hoàng khi phát hiện cả hai ôm nhau thắt cổ tự tử tại ngôi nhà hoang ở trong rừng.
Sự việc lập tức được gia đình trình báo lên cơ quan chức năng. Công an xã đã điều người đến để bảo vệ hiện trường chờ công an huyện về khám nghiệm điều tra, xử lý.
Người nhà nạn nhân cho biết, hai em vốn là bạn học rất thân với nhau từ thời học cấp 2. Thời gian gần đây gia đình phát hiện hai học sinh này có tình cảm trai gái với nhau nên ra sức ngăn cản.
Tối 25/12, T. và Tr. bỏ nhà đi mà không nói với gia đình. Sợ hai em bỏ học bắt xe vào miền Nam nên người thân gọi hỏi khắp nhưng không thấy. Sau đó họ nhờ người đi tìm thì phát hiện cả hai chết trong tư thế treo cổ.
Câu chuyện thương tâm được chia sẻ trên mạng xã hội ngày hôm nay đã nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng, có rất nhiều những ý kiến bình luận trái chiều về cách giáo dục của phụ huynh cũng như cách hành xử của hai em học sinh.
Ngay trước thềm năm mới 2015, vào ngày 3/1 vừa qua, tại cầu Hòa Lý (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), một thanh niên khoảng 20 tuổi vì buồn chuyện tình cảm đã nhảy cầu tự tử nhưng đã được một số người dân có mặt cứu lên bờ. Tuy vậy, ngay sau đó, người thanh niên này vẫn kiên quyết... đòi nhảy lần nữa khiến nhiều người phải vất vả mới giữ lại được.
Còn tại Hà Nội, cuối tháng 11/2014, một tổ công tác 141 khi đi qua cầu Chương Dương phát hiện 1 cô gái đứng khóc nhìn xuống dòng nước chảy xiết. Ngay khi cô gái trèo qua lan can cầu định nhảy xuống sông, lập tức tổ công tác đã phối hợp cùng người dân kéo cô gái qua thành cầu an toàn. Theo người nhà của cô gái, do buồn chán chuyện tình cảm nên cô đã nảy sinh ý định tự tử và chọn cầu Chương Dương làm nơi kết liễu cuộc đời. Trước khi thực hiện ý định trên, cô gái đã nhắn tin tới số điện thoại được cho là của bạn trai để thông báo.
Cũng vào cuối tháng 11/2014, sau khi nói chuyện với bạn gái trên cầu Hóa An (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nam sinh 17 tuổi đã nhảy xuống sông Đồng Nai. Mặc dù cô bạn gái đã kêu cứu, nhờ người giúp đỡ nhưng do nước chảy xiết, người thanh niên đã bị nước cuốn trôi. Cũng tại TP. Biên Hòa, ngày 4/12, trên cầu Đồng Nai, một đôi nam nữ sau khi dừng xe trên cầu nói chuyện thì cô gái bất ngờ nhảy xuống sông, khiến người nam thanh niên không kịp trở tay.
Thiếu kỹ năng để vượt qua “cú sốc”
“Sự ra đi đột ngột của những bạn trẻ đã đem lại nỗi đau tột cùng cho gia đình họ. Đáng tiếc là trong rất nhiều cách để vượt qua khủng hoảng, họ lại chọn giải pháp cực đoan nhất. Những vụ việc trên cho thấy, dường như cái chết đang là lựa chọn của không ít bạn trẻ để giải quyết bế tắc. Nó thể hiện sự không làm chủ được bản thân, không biết cách xử lý tình huống, thiếu bản lĩnh để đối diện và vượt qua áp lực, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu tri thức để nhận ra giá trị của bản thân của một bộ phận giới trẻ hiện nay” - Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn bày tỏ quan điểm trên tờ ANTĐ.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng trên là do nhiều bạn trẻ lựa chọn cách sống khép mình, bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh, ngày càng ít chia sẻ với người thân nên khi rơi vào bế tắc, họ dễ hoang mang và hành động tiêu cực. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, cảm thông của các bậc phụ huynh, người lớn khi con em mình mắc lỗi cũng là lý do khiến các em có cảm giác bị đẩy đến bước đường cùng. Mặt khác, nhiều bạn trẻ hiện có cuộc sống khá đủ đầy, được bao bọc từng ly từng tí dẫn đến khả năng chịu đựng kém, nên khi chuyện tình cảm không được như mong muốn họ lập tức nghĩ đến cái chết.
Cũng theo Tiến sỹ Trần Tuấn, điều duy nhất mà những người tự tử vì tình cho rằng họ cần phải làm là dùng cái chết để chứng minh tình yêu, hoặc sự ra đi vĩnh viễn của họ sẽ khiến người yêu phải ân hận suốt đời. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi khi còn sống họ đã bất lực, thì cái chết không bao giờ níu giữ được tình yêu ở lại. Để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, mỗi bạn trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là những kỹ năng vượt qua những cú sốc và thận trọng, sáng suốt trong việc trao gửi tình cảm cho một ai đó. Trước khi làm bất cứ việc gì gây hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, mỗi người hãy luôn nhớ rằng xung quanh mình còn có cha mẹ, gia đình, bạn bè. Ngoài ra, với chuyện yêu đương của con trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu, đồng cảm, chia sẻ và định hướng cho con em mình chứ không nên chỉ quy kết hay cấm đoán với thái độ chủ quan, tiêu cực.
Người tự tử là người ích kỷ
Bày tỏ quan điểm về hiện tượng này, qua một trang báo, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người tìm đến cái chết để kết liễu đời mình. Có người do làm ăn thua lỗ, có người do mâu thuẫn gia đình…Nhưng, vì lý do gì đi chăng nữa thì những người tự tử là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà không hề nghĩ cho người ở lại.
Họ nghĩ và tìm đến cái chết để giải thoát khỏi sự bế tắc trước mắt hoặc trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.
Không chỉ bản thân những người tự tử thành công, hoặc không thành chịu lời đàm tiếu của xã hội mà người thân của họ cũng phải gánh chịu những điều đó. Ông Hòa dẫn chứng, có trường hợp con cái của người tự tử đã phải bỏ học khi không chịu được áp lực từ dư luận xã hội về cái chết của bố, mẹ mình. Thế nên, khi đang trò chuyện ông bỗng bỏ lửng câu nói: “Người chết là hết, nhưng còn người ở lại…”.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thì tự tử là một hành động tiêu cực đến cực độ. Bởi, khi gặp chuyện khó khăn hay bế tắc, thay vì tìm cách giải quyết thì người ta lại hướng đến cái chết. Vì họ nghĩ rằng, nếu không tìm đến cái chết thì họ sẽ phải chịu nỗi khổ đó suốt đời. Chính suy nghĩ đó đã mang họ đến với cái chết rất nhanh, thậm chí chỉ trong một phút yếu lòng là mọi chuyện xấu nhất đã có thể xảy ra.
Trong khi những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang giành giật sự sống từ ngày, từng giờ thì đâu đó vẫn có những người muốn kết liễu cuộc đời mình chỉ vì lý do này, lý do khác. Từ thực tế đó, ông Hòa đúc kết rằng, việc giáo dục ý thức cho mọi người rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ như chúng ta muốn mà có vô vàn những khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có nghị lực để vượt qua. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định đối với mỗi người thì sự sống là quan trọng nhất. Vì vậy, ông đưa ra lời khuyên, khi phát hiện trong gia đình có người có ý định tự tử thì không nên coi đó là chuyện họ chỉ dọa chơi. Việc đó báo hiệu họ sẽ tử tự bất cứ khi nào có thể. Những người thân nên gần gũi, chia sẻ và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn để tránh hậu quả đau lòng.