Đứng nhìn phim Việt thất thế

Đứng nhìn phim Việt thất thế
TP - Thị trường điện ảnh tại Việt Nam đang rất sôi động, song có điều nhà nước không thu được nhiều, mà đứng nhìn hàng tỷ đồng rơi vào tay nước ngoài hoặc các hãng tư nhân.

> 'Đêm điện ảnh Việt Nam' tại thủ đô Brussels
> Liên hoan phim Việt: Nhạt và dễ đoán!

Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”
Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.

Ngày 28/11 vừa qua Bộ VH, TT&DL, Cục Điện ảnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Nhiều ý kiến của cuộc hội nghị này không khác nhiều mấy so với hai cuộc hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim 18 cũng như hôm công bố Dự thảo phát triển điện ảnh, hay nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua. Rằng, muốn phát triển như thế nào, vươn xa hay tầm nhìn đến đâu thì trước hết phải giải bài toán: chất lượng và phát hành phim.

Phim Việt nhỏ giọt, phim ngoại tăng vọt

Số lượng phim Việt Nam đang nhiều lên, điều này thể hiện ngay ở LHP Việt Nam 18, nhưng chất lượng lại là cả một vấn đề phải bàn. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn không ngần ngại khi nói thẳng trước báo giới, phim Việt ngày càng đa dạng nhưng không ít thảm họa. Cái cụm từ “thảm họa” hay “phim nhảm”...mà không ít báo chí viết trên các phương tiện truyền thông có lẽ vẫn còn gọi là nhẹ.

Với tư cách Trưởng BGK phim truyện điện ảnh dịp LHP 18 vừa rồi, NSND Đào Bá Sơn cho biết, có những phim buộc phải xem, bắt mình phải xem để còn biết được nó dở, nó “thảm họa” đến nhường nào.

 Mỗi năm hội đồng duyệt và cho nhập trên 100 phim ngoại nhưng chỉ có hơn 10 phim Việt ra rạp 

Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia

Trong khi phim Việt nhảm, giá trị nghệ thuật chưa cao “nhỏ giọt” ra mắt, thì nhìn rộng ra thị trường chung của điện ảnh, lại dễ thấy số phim nhập khẩu trên thị trường Việt Nam hiện cao gấp nhiều lần con số phim sản xuất trong nước. Đây được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến phim nội vốn đã rất yếu ớt lại càng bị chèn ép.

Theo số liệu của tờ Hollywood Reporter, nếu như doanh số năm 2010 của toàn thị trường điện ảnh Việt Nam là 23,7 triệu USD thì năm 2011 đã vọt lên 35 triệu USD. Năm 2012 con số này là 42 triệu USD và dự đoán năm 2013 sẽ lên tới 57 triệu USD. Dự báo tới 2016, doanh số của cả thị trường Việt Nam sẽ vượt 100 triệu USD và là một trong những thị trường tăng trưởng về điện ảnh nóng bậc nhất khu vực.

Tuy nhiên sự thật thì tăng trưởng trong thị trường điện ảnh Việt chủ yếu rơi vào tay các nhà phân phối nước ngoài, mà chủ yếu là Megastar. Công ty do Hàn Quốc nắm 90% cổ phần này chiếm lĩnh phần lớn thị trường phim Việt bằng những bộ phim Mỹ nhập khẩu. Lượng phim ngoại nhập chiếm tới 80% cùng tỷ lệ người xem lên tới 70%, trong khi, phim Việt không có đất phát hành.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho hay, ngay từ đầu nếu chúng ta xác định điện ảnh là nền công nghiệp kinh tế, thì đây là hướng đi đúng, bởi không có gì thu hồi vốn nhanh bằng điện ảnh. Cứ nhìn 2 công ty lớn phát hành phim nhập có vốn đầu tư nước ngoài là Megastar Cinema và Lotte Cinema có thể thấy một ngày thu hàng chục tỷ đồng từ người dân Việt Nam. Điều đạo diễn Bùi Tuấn Dũng băn khoăn: “Tại sao chúng ta lại phải mất hàng chục tỷ đó để mua văn hóa ngoại mà không phải là văn hóa Việt?”.

Đổ vỡ cả hệ thống phát hành phim

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam than: “Cả thời gian dài qua không có một cuộc hội thảo nào bàn về chất lượng phim. Kinh phí èo uột, sản xuất không ổn định thì sao đảm bảo được chất lượng. Chúng ta đã bàn về Quỹ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập. Do vậy khó nói đến việc nâng cao chất lượng”.

Một cảnh trong phim “Hello cô Ba”
Một cảnh trong phim “Hello cô Ba”.

Có nghịch lý, trong khi thị trường điện ảnh Việt Nam không thua kém ai nhưng lại vận hành không hiệu quả, ở các đô thị lớn, mạnh ai nấy bán, mạnh ai nấy mua, lộn tùng phèo, kẻ lớn nuốt kẻ nhỏ… Bỏ lại sau lưng những vùng sâu, vùng xa, thậm chí có nơi đồng bào, chiến sĩ không hề được thưởng thức điện ảnh. Doanh thu điện ảnh chỉ ở các trung tâm văn hóa lớn. Phim nội không vào được rạp lớn, phim nhà nước sản xuất tiền tỷ bỏ kho. Trong khi nhiều trung tâm chiếu bóng ở các tỉnh lại không có phim mà chiếu.

Hiện rất nhiều dự án xây rạp hiện đại do tư nhân bỏ tiền đã và đang được thực hiện. Trong khi, từ những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã học tập Hàn Quốc và các nước phát triển trong việc xây dựng các cụm rạp hiện đại, chiếu phim kèm theo các dịch vụ giải trí kinh doanh như cà phê, quán ăn, hàng lưu niệm… Tuy nhiên, nhà nước đầu tư máy móc rồi đắp chiếu không sử dụng hết công năng để rồi khi công nghệ lạc hậu thì đành dẹp bỏ.

PGS.TS Trần Luân Kim đau xót: “Chúng ta đã làm đổ vỡ cả một hệ thống phát hành phim. Hệ thống này từng rất mạnh nhưng nay èo uột, rời rã, tan nát. Chuyện này đã diễn ra nhiều năm trước nhưng không ai cứu vớt”.

Thị trường với hơn 90 triệu dân đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt đa phần chất lượng không cao, vốn sản xuất của các hãng lại không dồi dào, các hãng cũng không có kế hoạch, không liên kết với nhau. Các hãng phim tư nhân làm phim ào ào, mang nặng giải trí, hài nhảm…rồi kèn cựa nhau tung ra các rạp dịp Tết với mục đích lợi nhuận. Đó là lý do mà chúng ta thua trên sân nhà.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh góp ý, điều quan trọng và làm ngay cho điện ảnh là phải có mô hình vận hành cụ thể, phù hợp. Nên chăng có sự liên kết giữa điện ảnh với truyền hình để tìm đầu ra (phát hành) cho phim điện ảnh. Nếu phim Việt sản xuất không phát hành được, điện ảnh cứ như thế này thì nền điện ảnh Việt sẽ chết!

Mục tiêu của điện ảnh Việt Nam, là đến năm 2020 phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, và đến năm 2030 phát triển điện ảnh trở thành một trong những nền điện ảnh mạnh ở châu Á.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia cho rằng, theo Quy hoạch, đến năm 2020, nghĩa là chỉ còn 7 năm nữa, nếu triển khai ngay từ 2014, đòi hỏi cả nước có 3 trường quay (hiện có 1 trường quay Cổ Loa tại Hà Nội), 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại, xây mới 49 rạp, cải tạp 48 rạp. Điều này sẽ đòi hỏi kinh phí khổng lồ, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn thì việc bố trí ngân sách là rất khó. Chưa kể, thời gian ngắn, việc lập dự án, phê duyệt dự án của chúng ta thường rất tốn thời gian. Vì vậy, ông Dương cho rằng, để quy hoạch thành hiện thực, phải xác định đúng việc cần ưu tiên thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".