Dùng ngân sách hoặc vay ODA thì không nên làm

Dùng ngân sách hoặc vay ODA thì không nên làm
TP - Trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM nếu dùng ngân sách và vốn vay ODA thì không nên làm.
Tàu cao tốc Trung Quốc. Ảnh: Reuter
Tàu cao tốc Trung Quốc. Ảnh: Reuter.


Không thể không làm đường sắt dạng này

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM cần tới 56 tỷ USD, tương đương 50% GDP của Việt Nam. Dư luận đang băn khoăn, ông đánh giá thế nào về dự án này?

Những dự án lớn nếu cần thì chúng ta vẫn phải làm. Nhưng làm thế nào, ai làm mới là vấn đề. Phải trả lời làm đường sắt cao tốc có phải chỉ để chở hành khách, hàng hóa đi từ Hà Nội vào TPHCM với tốc độ 300 km/h trong thời gian từ 5 đến 7 tiếng. Theo tôi, với đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không thể không làm một đường sắt cao tốc dạng này. Vấn đề là phải bỏ tiền đầu tư như thế nào để không tạo ra gánh nặng cho ngân sách.

Tôi được biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT nghiên cứu mô hình tư nhân và nhà nước đồng hợp tác (PPP) để triển khai dự án. Có thể tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thực hiện.

Việc có một đường sắt như vậy tạo ra nhiều lợi ích kinh tế xung quanh đó chứ không chỉ là vấn đề chở hành khách. Như Mỹ trước đây khi ông Kennedy đắc cử Tổng thống năm 1960 và quyết định trong 10 năm hoàn thành chương trình đưa người lên Mặt Trăng. Việc này chủ yếu là để chạy đua với Liên Xô cũ còn việc đưa người lên Mặt Trăng không có hiệu quả kinh tế. Nhưng quyết định này đưa đến việc tạo ra hàng loạt công nghệ mới dẫn đến sự ra đời Microsoft, Intel... giúp Mỹ thành nước có nền khoa học tiên tiến hàng đầu thế giới.

Dự án dù tốn tới hơn 50 tỷ USD nhưng giúp tạo tiền đề cho phát triển, giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến về vận tải, tạo đà để phát triển nhiều ngành chứ không chỉ đơn thuần liên quan đến chuyện xe lửa chạy tốc độ cao trên đường ray. Cũng như khi chúng ta mới làm cầu Thăng Long. Từ cây cầu này chúng ta học được kỹ thuật và đến cầu Mỹ Thuận cũng vậy. Đến giờ Việt Nam làm cầu rất giỏi.

Nhà nước chỉ nên đầu tư ban đầu

Với tỷ lệ nợ quốc gia ở mức hơn 40% GDP như hiện nay thì việc đi vay vốn ODA để thực hiện dự án sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách, thưa ông?

ông Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành.

Ngân sách của ta hiện nay bội chi ở mức trên 6%. Nếu dùng ngân sách để xây dựng hay đi vay vốn ODA và trả nợ trong vài chục năm thì không nên làm. Cần có phương án khác để tránh vấn đề nợ dài hạn. Cũng nên tránh việc trả nợ dưới hình thức cho khai thác con đường đó. Cần suy nghĩ trên cơ sở một nền kinh tế phát triển với những mô hình tài chính khác. Chỉ nên dùng vốn ngân sách đầu tư mồi ban đầu như mồi cho máy chạy.

Nghĩa là vẫn phải bỏ số tiền nhất định để mồi trong khi dự trữ của Việt Nam không phải cao?

Thực sự số tiền mồi không đáng bao nhiêu nếu chúng ta đặt vấn đề ngay từ bây giờ. Một trường hợp điển hình đã có ở Việt Nam là việc Nhà máy điện Phú Mỹ 2-2. Khi đó chúng ta chưa có mô hình BOT (đầu tư-xây dựng-chuyển giao), chưa có nhà máy điện chạy bằng khí đốt theo mô hình đó. Nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã quyết định vay của WB 1,8 triệu USD để nghiên cứu dự án. Sau đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay thêm 800 nghìn USD để nghiên cứu mô hình BOT và mô hình công nghệ của nhà máy. Sau khi chọn được nhà đầu tư, trong hợp đồng có quy định nhà đầu tư phải trả cho Nhà nước số tiền phát triển dự án là 3,5 triệu USD.

Việc chi khoản tiền lớn để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng vậy. Tuy nhiên, cũng cần có sự rõ ràng từ đầu: Không dùng ngân sách để thực hiện dự án. Phải chọn mô hình nhà nước và tư nhân cùng làm. Chúng ta đã có những cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.

Đây là phương án mà những nước có tài nguyên quốc gia hay dùng để chuyển thành vốn đầu tư. Những nhà đầu tư góp vốn thì ta sẽ cấp quyền sử dụng bao nhiêu hécta đất quanh dự án để làm các đô thị. Đây là điều chúng ta đã làm đối với đường Láng - Hòa Lạc.

Nhưng việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ kéo theo rắc rối nảy sinh?

Nhiều nước đã thực hiện đổi đất lấy hạ tầng khi thực hiện dự án tương tự, như đường xe lửa dài mấy nghìn kilômét nối liền miền Tây và miền Đông nước Mỹ và tuyến đường cao tốc từ New York đi Washington. Nhà đầu tư được quyền xây các thị trấn và khai thác các trạm xăng dọc theo con đường. Quan trọng mình đưa ra điều kiện gì để nhà đầu tư thấy họ có lợi để làm. Về nguyên tắc tránh dùng tiền ngân sách để thực hiện những công trình mà tư nhân có thể làm được.

Cảm ơn ông!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng:

Nhiều ý kiến khác nhau là bình thường

Hôm qua, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí làm rõ thêm một số vấn đề liên quan dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc - Nam.

Ông Dũng cho biết, Bộ GT-VT đang tập hợp cả các ý kiến từ ĐBQH, cũng như thông tin trên báo chí, hệ thống lại thành nhóm vấn đề. Từ đó tiếp thu và có ý kiến giải trình thêm. Trong báo cáo tóm tắt, và báo cáo nghiên cứu cũng đã phân tích rõ từng phương án cụ thể. Nhưng Tờ trình chỉ đề nghị phương án 4 và phân tích sâu phương án này, chúng tôi sẽ xem xét và sẽ giải trình thêm để ĐB rõ hơn.

Trong hai phương án 3 và 4 chỉ khác nhau ở chỗ một phương án thì tốc độ tàu chạy 200 km/giờ, có ưu điểm vừa vận tải hành khách vừa hàng hoá; còn ở phương án mà tàu chạy với vận tốc 300km/h chủ yếu là phục vụ hành khách. Chính phủ đề nghị phương án 4 là vì muốn bắt kịp với công nghệ hiện đại. Ban đầu có thể khó khăn, tốn kém, nhưng tầm nhìn bền vững cho mai sau, và chi phí cao hơn 15-20%.

Trước những ý kiến chưa đồng tình về dự án ĐSCT, Bộ trưởng Bộ GT-VT nói: “Với một dự án lớn, việc có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, chúng tôi luôn lắng nghe”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho hay, từng giai đoạn của dự án, Bộ sẽ có báo cáo cụ thể về phương thức huy động vốn. Hơn nữa, dự án kéo dài nên phương thức huy động vốn cũng có thay đổi. Ngoài vốn ODA, còn có các nguồn vốn khác của nhà đầu tư, vốn nhà nước… Hạ tầng thì nhà nước đầu tư, còn thiết bị vận tải doanh nghiệp phải đầu tư. Sau này, có thể có cả hình thức PPP.

Nguyễn Tuấn (ghi) 

MỚI - NÓNG