'Đừng đốt' bằng tranh: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn

'Đừng đốt' bằng tranh: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn
TP - Từ những bức ký họa và màu nước trong tập nhật ký bằng tranh của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, một nữ họa sĩ Mỹ trẻ tuổi chưa từng đến Việt Nam, chưa từng tham chiến đã vẽ một bức chân dung về người lính Bắc Việt này hoàn toàn dựa trên cơ sở tưởng tượng của chị.

>> Kỳ trước

'Đừng đốt' bằng tranh: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn ảnh 1
Ông Lê Đức Tuấn bây giờ

Sau khi một số bức họa của Lê Đức Tuấn - người lính Bắc Việt - được công bố, nữ họa sĩ trẻ tuổi người Mỹ Mandy Manderson đã nghiên cứu các bức tranh này rất kỹ.

Đối với Mandy, các bức ký họa và màu nước của Lê Tuấn không chỉ nói lên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người lính Bắc Việt trên đường hành quân ra mặt trận mà còn chứa đựng những sắc thái tình cảm khác nhau của người nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mà chị được biết là đã thiệt mạng trong một trận chiến với quân Mỹ.

Giàu cảm xúc

Xem kỹ những bức vẽ cảnh làng bản, núi rừng của Lê Tuấn, Mandy Manderson cho rằng người lính Bắc Việt này rất giàu cảm xúc. Mandy Manderson cho biết cô có thể cảm nhận được những sắc thái tình cảm vui buồn luôn thay đổi trong từng nét vẽ của tác giả tập nhật ký bằng tranh này.

Cô họa sĩ trẻ người Mỹ nhận xét: “Trong  bức sơn dầu mà Lê Tuấn vẽ về một bản làng của người dân tộc miền núi ở Lào ngày 5 tháng 3 năm 1967 khi đang trên đường đi bộ hành quân dọc Đường mòn Hồ Chí Minh (thực ra là bức vẽ bản của người dân ở tỉnh Bắc Thái), các nét vẽ thô ráp.

Tác giả lấy gam màu tối làm chủ đạo, đường nét được tạo nên từ những cú ấn mạnh bút vẽ để tả cảnh một buổi hoàng hôn miền rẻo cao êm đềm nhưng buồn. Chứng tỏ lúc này trạng thái tình cảm của người lính họa sĩ Bắc Việt rất ưu tư, trầm lắng”.

Thực ra, do phần chú thích ba bức tranh của Lê Đức Tuấn trên báo Columbus Enquirer đã có sự nhầm lẫn về địa danh nơi ra đời của bức tranh mà Mandy gọi là bản làng rẻo cao nên nữ họa sĩ Mỹ này đã suy luận trên tinh thần bức sơn dầu đó được tạo ra ở Lào, một phần của Đường mòn Hồ Chí Minh.

Với bức sơn dầu khác của Lê Đức Tuấn mô tả những người lính Bắc Việt đang chơi bài tú lơ khơ trong rừng mà báo Mỹ chú thích rằng bức vẽ được thực hiện tại Campuchia ngày 26 tháng 12 năm 1967, họa sĩ Mandy Manderson cho rằng ông Lê Tuấn đã đổi thủ pháp nghệ thuật.

Từ chỗ ông vẽ tranh phong cảnh tĩnh như cảnh bản làng trên rẻo cao với núi rừng làm nền lùi về phía sau đến chỗ ông vẽ những cảnh động như cảnh những người lính đang chơi bài tú lơ khơ. Nền trời và cảnh sắc trong tranh này cũng sáng hơn.

Tác giả bức tranh này đã bắt đầu tả tương đối chi tiết những người lính đang chơi bài, những cây súng được dựng phần mũi súng lên một đoạn tre ngang, lùi xa về phía sau có những người lính khác giải lao bằng cách nằm nghỉ trên những cánh võng. Tác giả bức họa sử dụng kỹ thuật sắp xếp hàng lối rõ ràng trong bức tranh.

Đối với bức màu nước “sinh hoạt đại đội dã ngoại” báo Mỹ chú thích là bức vẽ cuối cùng trong đời của người lính họa sĩ Lê Tuấn được cho là thực hiện ngày 1 tháng 1 năm 1968 tại một căn cứ tiền phương ở miền Nam Việt Nam, nữ họa sĩ Mandy Manderson nói đó là bức họa biểu đạt tốt nhất.

Nữ họa sĩ Mỹ này cho rằng chủ đề của bức màu nước này được xác định cụ thể và rõ ràng là những người lính Bắc Việt đang họp để nghiên cứu kế hoạch trận đánh mà họ sắp tham gia.

Bức màu nước này được tác giả sử dụng gam màu sáng nhẹ làm chủ đạo. Không gian, không khí và quang cảnh được mô tả bằng những mảng màu sắc nhẹ nhàng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của người lính họa sĩ Bắc Việt. Các màu đỏ anh đào nhẹ được sử dụng trong bức tranh này là sự đối nghịch với các màu nặng nề được cùng tác giả sử dụng trong những bức tranh khác đã nói ở trên.

Đáng chú ý là trong “bức tranh cuối cùng” này của Lê Tuấn, không hề có những đường nét đậm nặng nề từng xuất hiện ở những bức tranh trước đó của ông. Tác giả bức tranh không lạm dụng quá giới hạn không gian cuộc họp trong rừng, trái lại trong bức tranh này ông tỏ ra là người vẽ bài bản hơn.

'Đừng đốt' bằng tranh: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn ảnh 2
Chân dung người lính Bắc Việt, họa sĩ Lê Đức Tuấn do nữ họa sĩ Mỹ Mandy Manderson tưởng tượng và vẽ năm 1968

Chân dung họa sĩ Lê Tuấn

Báo Columbus Enquirer cho biết, cô Mandy Manderson là một họa sĩ trẻ tuổi, xinh đẹp, có mái tóc vàng như tơ chưa hề biết gì về Đường mòn Hồ Chí Minh, chưa hề biết về các hệ thống căn cứ trong rừng của những người lính Bắc Việt nhưng cô đã căn cứ và các bức vẽ của Lê Tuấn mà đưa ra các nhận xét rất chính xác.

Đặc biệt là ở phần cô Mandy Manderson nói về cảm nhận của cô đối với cuộc sống của những người lính Bắc Việt trong rừng khi hành quân, lúc giải lao và cả thời gian rất gần trước mỗi trận đánh.                                       

Việc cô Mandy Manderson phân tích và hiểu được các ý tưởng mà người lính họa sĩ Lê Tuấn gửi gắm trong các bức họa của ông gần trùng khớp với cách hiểu của một sĩ quan tình báo Mỹ có kinh nghiệm.

Chỉ có một điều khác là người sĩ quan tình báo Mỹ bổ sung thêm một ý nữa rằng các bức vẽ chứng tỏ Lê Tuấn là người sử dụng súng tiểu liên AK-47. Bằng chứng là trong các bức ký họa của mình, bao giờ Lê Tuấn cũng vẽ khẩu AK-47 rõ nét hơn với từng chi tiết nhỏ. Các đường nét vẽ khẩu tiểu liên này luôn cẩn trọng, đầy nét chứ không giống như khi ông vẽ khẩu trung liên với những đường nét cẩu thả, sơ sài.

Khẩu súng AK-47 được Lê Tuấn chăm sóc cẩn thận đến mức khi giải lao nơi bãi lầy, mũi súng AK-47 luôn được gác dựng hướng lên trời chứ không bao giờ đặt nằm xuống nơi đất bùn. Đơn giản chỉ vì đó là vũ khí của Lê Tuấn. Chắc hẳn “khi Lê Tuấn tử trận”, trong tay anh vẫn cầm chặt khẩu AK-47 chứ không phải là những cây bút vẽ.

Nữ họa sĩ Mandy Manderson còn có nhận xét khá thú vị rằng tại một số bức ký họa khác của Lê Tuấn, khẩu súng phóng rocket RP-2 cũng được ông vẽ rất cẩn thận. Điều này cho phép dự đoán Lê Tuấn có một người bạn thân sử dụng loại vũ khí RP-2.

Theo nữ họa sĩ Mỹ Mandy Manderson, bức vẽ cuộc họp nghiên cứu kế hoạch trận đánh của những người lính Bắc Việt (ý nói bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại”) là bức vẽ tốt nhất vì nó chứng tỏ sự trưởng thành của tác giả.

Cô Mandy Manderson đã tưởng tượng ra khuôn mặt người lính Bắc Việt- tác giả của tập nhật ký bằng tranh mà cô tin là đã tử trận để vẽ một bức chân dung về ông-họa sĩ Lê Tuấn. Bức chân dung này cũng được đăng trên báo Mỹ The Columbus Enquirer năm 1968. 

Cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn là một trong 550 kỷ vật triển lãm

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2010), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm: “Những kỷ vật kháng chiến - Sống mãi với thời gian”.

Triển lãm công bố 550 kỷ vật trong tổng số 10.000 kỷ vật kháng chiến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hệ thống bảo tàng quân đội tiếp nhận từ Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện, được sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á.

Đặc biệt, triển lãm lần này giới thiệu cuốn nhật ký bằng tranh của người lính-họa sĩ Lê Đức Tuấn, chiến sỹ Đại đội Quyết Thắng, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Cuốn nhật ký trải qua cuộc hành trình 41 năm từ Mỹ trở về, do gia đình tướng ba sao William R. Peers, nguyên tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 có biệt hiệu “Sư đoàn dây thường xuân” gửi sang.

Đây là cuốn ký họa có số phận kỳ lạ (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh): Năm 1968, thiếu tá người Mỹ Robert B.Simpson đã lượm được cuốn nhật ký, sau đó tặng lại tướng ba sao William R. Peers. Phía Mỹ cho rằng tác giả của cuốn nhật ký đã hi sinh. Nhận thấy đây là một kỷ vật quý, viên trung tướng này trước khi chết đã dặn lại người thân phải trao cuốn nhật ký bằng tranh này trả lại cho phía Việt Nam.

Sau hơn 40 năm lưu lạc, đầu tháng 1-2009, cuốn nhật ký được phía Mỹ thông qua con đường ngoại giao trao lại cho phía Việt Nam. Sau khi đăng bài báo Thêm một đừng đốt bằng tranh trên Tiền Phong (số ra ngày 16-1-2010), phóng viên Tiền Phong đã tìm được tác giả cuốn nhật ký là Lê Đức Tuấn, hiện ông còn sống....

Triển lãm giới thiệu những kỷ vật về 13 vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tướng trong kháng chiến chống Pháp, 12 vị đại tướng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hàng trăm trong số hàng ngàn kỷ vật kháng chiến quý giá do Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến đã tiếp nhận. Trong số đó có hàng trăm bức thư thời chiến và nhiều cuốn sổ nhật ký của cựu chiến binh gửi tặng.

Triển lãm giới thiệu một số trong hơn 200 kỷ vật của ông Prunier, một thành viên trong nhóm Con Nai giúp Bác Hồ huấn luyện bộ đội tháng 7 năm 1945.

Triển lãm kéo dài trong hai tháng.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.