Chấn chỉnh y đức
Để luật đi vào cuộc sống, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị cần có những giải pháp giám sát, xử lý nghiêm những hành vi thiếu đạo đức trong ngành y. “Làm sao cho mọi người dân hăng hái tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và rất tự hào, công khai cầm thẻ BHYT khoe với mọi người ngay từ khi đến cổng bệnh viện, chứ không phải giấu đi như hiện nay nhiều người vẫn làm”, bà An bức xúc.
“Phân tích khoa học cho thấy BHYT coi trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng thụ hưởng mà lại bỏ qua không chữa trị một căn bệnh có ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của các cháu và là nguồn nhân lực của xã hội sẽ làm cho Luật BHYT thiếu hoàn thiện, không thuyết phục. Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 21 phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT nội dung khám, tư vấn dinh dưỡng, điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề xuất: BHYT bắt buộc phải song hành với bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả dịch vụ theo yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Quỹ BHYT cần được tập trung quản lý công khai, minh bạch, dành 90% số tiền đóng BHYT cho khám, chữa bệnh, 10% còn lại để chi cho quỹ dự phòng và công tác quản lý, tuyên truyền, trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng.
“Để thực hiện BHYT bắt buộc, Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao y đức, chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Đồng thời có chế tài xử phạt đối với cơ quan, tổ chức không tham gia BHYT và khuyến khích mức đóng BHYT theo hộ gia đình”, bà Nhiệm phát biểu.
Bà An cho rằng, “không nên quá cứng nhắc” hạn chế khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến. Vừa qua có tình trạng, đặc biệt là những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa gửi lên tuyến trên, vì không có điều kiện kinh phí mà phải bỏ mạng.
Bộ Y tế nên nghiên cứu, có cơ chế thích hợp đối với người bệnh nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, người lao động vãng lai cũng phải được quan tâm để có thể sử dụng thẻ BHYT thuận lợi hơn. Đối với người dân đi làm ăn xa, nếu hạn chế trái tuyến, vượt tuyến sẽ gây khó khăn cho họ.
“Thủ tục chuyển tuyến phải đơn giản, tạo thuận lợi cho người bệnh. Bệnh hiểm nghèo, ngoài khả năng chữa trị của tuyến dưới, phải tạo thuận lợi để bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên. Thời gian qua, do thủ tục còn phiền hà, có những bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên thì bệnh đã quá nặng”, bà Nhiệm nói.
Hạn chế xin - cho
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) và một số đại biểu khác cho rằng, một điều quan trọng là cần tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng BHYT, đóng BHYT như nhau, người dân trong cả nước phải được hưởng chất lượng dịch vụ y tế ngang nhau. Do chất lượng tuyến dưới chưa đủ tin cậy, còn hạn chế trình độ, kỹ thuật, người dân mới phải chấp nhận “nỗi trần ai” lên tuyến trên, chịu sự quá tải. Những bất cập đó chính là các rào cản để thực hiện BHYT toàn dân.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông): Cần tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng BHYT. ảnh: hồng vĩnh
“Một dự án luật mang tính nhân văn to lớn, chủ yếu dựa vào sự tự nguyện mà có nhiều điều bắt buộc là không hợp lý: Đóng BHYT bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc. Cùng một bệnh viện, cùng một loại bệnh, người đóng BHYT chỉ được dùng thuốc theo quy định, còn bệnh nhân khác được sử dụng loại thuốc khác, tốt hơn.
Chúng ta không thể cứ bắt buộc người dân mãi. Phải đưa ra chế tài đủ nghiêm khắc cho người không tham gia BHYT, cá nhân, đơn vị vi phạm Luật BHYT; để đảm bảo tính khả thi của luật, phải ngăn chặn, chấm dứt vi phạm y đức”, đại biểu Hạnh kiến nghị.
Nhấn mạnh việc đảm bảo công bằng, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, cần có sự phân tầng trong mức đóng, mức hưởng thụ dịch vụ BHYT. Có như thế sẽ hạn chế tình trạng ban ơn, xin - cho trong khám, điều trị bằng thẻ BHYT.
Đau đớn thực trạng suy dinh dưỡng
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật BHYT lần này sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua việc chữa trị suy dinh dưỡng đối với trẻ em trong độ tuổi được hưởng BHYT (dưới 6 tuổi). Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cảnh báo, suy dinh dưỡng ở trẻ đã đến mức báo động, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi. Vậy mà quyền hưởng lợi BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi về dinh dưỡng vẫn chưa được đề cập.
“Chính dịch sởi, dịch chân tay miệng bùng phát mới đây trở nên nghiêm trọng hơn đối với những trẻ suy dinh dưỡng, do thiếu chăm sóc đầy đủ. Để phát triển toàn diện, trẻ em phải nhận được đầy đủ các dịch vụ dự phòng, điều trị về y tế, dinh dưỡng”, bà Lan kiến nghị.
Nhắc đến thất bại của cả 2 đội tuyển nữ bóng đá và bóng chuyền Việt Nam trước các đối thủ Thái Lan, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, chừng 20 năm tới, Thái Lan có thể bỏ xa Việt Nam, nếu chúng ta không quan tâm cải thiện, nâng cao thể trạng giống nòi.
Chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực (Việt Nam: 1m63, Hàn Quốc: 1m73, Trung Quốc: 1m72, Singapore, Thái Lan, Malaysia: trên 1m70). Nước ta đông dân thứ 13 trên thế giới, cũng là quốc gia đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới.
“Trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, mà ngay ở các đô thị lớn phát triển như Hà Nội, TPHCM. Nói một cách đơn giản, 30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng. Thật là nghịch lý khi thực trạng này xảy ra ở một quốc gia thừa lương thực, có lượng xuất khẩu gạo đứng nhất nhì toàn cầu. Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ BHYT lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là điều không thể chấp nhận được”, ông Dương Trung Quốc phát biểu.
Theo đại biểu Bùi Thị An thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 6 tuổi rất đau đớn, các em chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Nếu suy dinh dưỡng được đưa vào trong gói BHYT, sẽ mang lại nhiều hiệu quả, bà nói.
BHYT chi trả 100% phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo
Ngày 22/5, tại cuộc họp báo về những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được BHYT cho trả 100% chi phí điều trị.
Thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Dự thảo cũng bổ sung đối tượng người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ dùng ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT…
Thái Hà