Đừng biến học sinh thành những cụ non

Đừng biến học sinh thành những cụ non
TP - Đọc sách Lịch sử của đứa cháu khi nó học lớp 4, tôi rất kinh ngạc khi gặp những vấn đề như “Chính sách kinh tế, văn hoá của vua Quang Trung” (Bài 26).

Không chỉ sách lớp 4, nội dung SGK Lịch sử các cấp đều thể hiện những tham vọng đầy duy ý chí của người lớn, áp đặt cho học sinh những tấm áo khái niệm quá khổ, quá rộng. 

Xin đừng làm mất tuổi thơ của trẻ con!

Là người ông có đứa cháu năm nay đã học lớp 8, theo dõi quá trình học của cháu tôi thật sự kinh sợ môn Sử (và cả một số môn khác) đang được dạy trong nhà trường.

Khi cháu mới 9 – 10 tuổi, đang ở thời say sưa  xếp lego, cháu tôi cũng như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, đã phải cố tiêu hóa những khái niệm cao siêu như Chính sách kinh tế, văn hóa của vua Quang Trung (bài 26, Sử lớp 4); Sự xuất hiện các giai cấp và tầng lớp xã hội mới do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đầu thế kỷ 20 (bài 4 Sử lớp 5)

Sự hợp nhất của các tổ chức cộng sản làm tăng thêm sức mạnh cho cách mạng Việt Nam (bài 7 Sử lớp 5)... Hễ hôm sau có môn Sử là đêm trước tôi phải giúp cháu truy bài. Nó nhắm mắt lại rồi đọc như vẹt, đọc mà không hiểu gì! Học Sử kiểu đó mà trẻ con không thấy chán, không bị điểm kém thì mới là sự lạ!

Rõ ràng những người soạn chương trình, viết SGK không chú ý đầy đủ đến tâm lý trẻ em! Bác Hồ nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Bác Hồ chỉ đặt ra yêu cầu với các em đơn giản thế thôi nhưng các nhà soạn SGK đã biến HS thành những cụ non khi cho các em học những khái niệm quá xa vời với con trẻ. Với lối học nhồi nhét kiến thức, họ đã góp phần làm mất tuổi thơ hồn nhiên đẹp đẽ của các em.

Môn Sử phải thể hiện triết lý sống, triết lý giáo dục đúng đắn

Muốn trả lại vị thế môn Sử trong nhà trường thì chúng ta phải xác định triết lý sống, triết lý giáo dục. Sống là để giải quyết tốt nhất những vấn đề của ngày hôm nay.

Sử không chỉ là nghiên cứu quá khứ. Sử trước hết và sau hết là hướng về hôm nay và hệ quả của nó là một phần định hướng cho giai đoạn sắp tới. Hãy tiếp cận sự kiện, con người của quá khứ từ góc nhìn hôm nay, như thế Lịch sử mới trở nên thiết thực. Sự học Sử “vị quá khứ” là chẳng mấy ý nghĩa với số đông, có hứng thú chăng là với một số rất ít nhà chuyên môn.

Khi thiết kế chương trình và soạn SGK cho bậc học phổ thông cần theo phương châm: học Toán không phải để thành nhà Toán học, học Văn không phải để thành nhà văn hay nhà phê bình văn học...

Dạy Sử cũng vậy, không phải để biến HS thành nhà Sử học. Bởi vậy thật vô lý khi bắt HS phải nhớ dằng dặc hàng mấy trăm những ngày tháng, sự kiện, tên người...., những kiến thức mà chính các thầy nhiều khi cũng phải mở sách, mở giáo án mới có thể nhớ hết!

Hãy cho HS cơ hội bộc lộ chủ kiến của mình khi học Sử

Với lứa Tiểu học và THCS, hãy để các em đến với Sử qua những danh nhân, qua những câu chuyện kể, qua những buổi xem phim, thăm nhà bảo tàng, đọc truyện tranh. Nó sinh động và dễ nhớ. Không quá câu nệ trình tự lớp lang từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Với THPT thì có thể khơi gợi năng lực chủ động đánh giá, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau về các nhân vật lịch sử. Sự kiện nhân vật lịch sử không hề đơn chiều.

Trước đây  người ta có thể phê phán Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Gia Long, Phan Thanh Giản, Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh... Nhưng giờ đây, dưới một góc nhìn khác họ cũng có những đóng góp.

Những nhân vật lịch sử rõ ràng không đơn giản. Do đó, với HS lớp 10 trở lên, chúng ta có thể giới thiệu cho các em nhiều cách đánh giá khác nhau về các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử; để các em có sáng tạo, có chủ kiến riêng, không chỉ tiếp nhận một cách thụ động những đánh giá có tính chất nhất thành bất biến, tự sắm vai là chân lý duy nhất.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.