Không gian văn hóa
KTS Nguyễn Trần Bắc cho rằng ý tưởng dỡ bỏ các bức tường xây bịt vòm cầu cạn đường sắt Phùng Hưng kéo dài tới ga Đầu Cầu (ga Long Biên) rất đáng hưởng ứng. Anh nhớ lại năm 2003, mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức cuộc thi “Hà Nội 36 phố phường, ý tưởng cho một góc phố đẹp”.
Nhóm tác giả Trần Ngọc Hiếu, Lê Hồng Minh đoạt giải C với ý tưởng khá táo bạo vào thời điểm đó, mang tên Phố gầm cầu thức dậy, muốn chuyển phần không gian gầm cầu này thành khu vực dành cho thương mại và du lịch văn minh bằng giải pháp chỉnh trang, làm đẹp các ô gầm cầu đường sắt và vỉa hè xung quanh.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng ý tưởng quá tốt: “Hà Nội nên biến Phùng Hưng thành con phố nghệ thuật gắn kết di sản, ẩm thực, âm nhạc và là nơi bán các sản phẩm văn hóa. Hà Nội thiếu những chỗ như vậy cho du khách”. Đức Bình kể ngày xưa đi chợ ở khu vực này khi vòm cầu còn chưa bị bịt như bây giờ. Trước lo ngại trên đầu, tàu hỏa chạy gây ảnh hưởng, họa sỹ Bình cho rằng chính điều này mang nhịp sống của phố cổ sẽ khiến du khách và giới trẻ thấy thú vị.
Giới kiến trúc đánh giá cao ý tưởng này bởi nhiều thành phố trên thế giới tận dụng nơi có vòm cầu dẫn lên đường sắt để làm nhà hàng, cà phê, đường phố nghệ thuật hoặc chợ dân sinh, đặc biệt là Pháp. “Cả tuyến phố đẹp nhưng chỉ để đỗ ô tô, xe máy, tập kết rác, nhà vệ sinh và một số cơ sở buôn bán nhỏ lẻ là điều lãng phí”, KTS Trần Huy Ánh nói.
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng chưa cần làm gì nhiều, chỉ cần đục thông 127 vòm cầu đã hay lắm rồi, bởi bức tường ấy chia cắt không gian. Anh cho rằng việc đập thông vòm cầu sẽ làm sống lại đời sống của hạng mục này, làm thay đổi bộ mặt con phố Phùng Hưng kéo dài tới ga Long Biên.
Cần minh bạch
Theo KTS Lê Việt Sơn (Cty CP Thiết kế Xây dựng Hà Nội), các yếu tố sau làm nên Hà Nội: Phố cổ, sông Hồng, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên. Lâu nay người ta gần như bỏ quên chiếc cầu cạn đường sắt này- nó được xây dựng cùng thời cầu Long Biên, hay nói cách khác là hạng mục gắn liền với cây cầu hơn trăm tuổi.
“Đây là dự án lớn cần cẩn trọng, bởi khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi đo vẽ khảo sát kỹ càng. Tôi nghĩ không nên một lúc đục tất cả mà nên khảo sát cả tuyến, lập quy hoạch kết nối, lập đề án quy hoạch trước, thí điểm từng đoạn một rồi mới nhân rộng”, KTS Sơn nói.
Vị KTS này nói thêm, không nên xem đây đơn thuần dự án chỉnh trang thông thường, phải coi nó là công trình với nhiều yếu tố từ văn hóa, xã hội, thương mại, giao thông. Anh đặt vấn đề nên có con mắt tổng quát, nhìn cây cầu này như một di sản của đô thị Hà Nội, rằng cùng với việc đề nghị công nhận cầu Long Biên là di sản, cây cầu này cũng là phần không thể tách rời và nên được bảo tồn dưới nhiều góc độ.
“Hà Nội nên tham khảo chuyên gia Pháp về kỹ thuật và cải tạo không gian phục vụ du lịch. Các mặt hàng hay hình thức hoạt động đều phải có tiêu chí, xác định đối tượng phục vụ thường xuyên ở tuyến phố này. Khi phá các ô hầm thì cần dành tỷ lệ hợp lý để làm không gian chung cho cộng đồng vào mục đích triển lãm, hội họp chứ thành phố không nên giao hết cho tư nhân hoặc sử dụng hết làm cửa hàng.
Hơn nữa không nên biến phố này thành nồi lẩu thập cẩm-nghĩa là không phải cái gì cũng mang ra bày thành phố bán tò he, hát xướng giống như Bờ Hồ hay phố cổ đang làm. Theo tôi khu phố này nên dành cho âm nhạc của giới trẻ, âm nhạc truyền thống nên để ở khu phố cổ để tránh lặp lại, nhàm chán”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình góp ý.
KTS Nguyễn Trần Bắc cho rằng không quá khó để thực hiện ý tưởng này, kể cả kết cấu và chịu tải của cầu trăm tuổi này. “Ý tưởng vì cộng đồng đương nhiên được mọi người ủng hộ và giúp sức, tuy nhiên cần minh bạch: Kinh phí đầu tư thực hiện ai hưởng lợi, tiền thu từ các cửa hàng đi đâu”, KTS Bắc nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cũng cho rằng với lợi nhuận từ việc mở thông tuyến phố này, Hà Nội cần dùng kinh phí thường xuyên đầu tư cho hoạt động văn hóa công cộng phi lợi nhuận, hoạt động văn hóa chất lượng cao phục vụ nhân dân chứ không nên phó thác cho xã hội hóa dẫn đến không kiểm soát được nội dung, dễ dãi trong quản lý.
Cần một nhạc trưởng
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng đục ra thì rất dễ về mặt kỹ thuật, tuy nhiên muốn biến nó thành khu văn hóa, du lịch, nghệ thuật thì cần nhạc trưởng để loại hình kinh doanh, nghệ thuật đưa vào thật văn minh và hấp dẫn. “Không thể tự phát ai muốn làm gì thì làm mà phải xác định mô hình, xây dựng thiết chế văn hóa riêng cho khu này. Quan trọng là phải hài hòa, và cân nhắc lợi ích của các bên: Thành phố có thêm địa chỉ văn hóa, khách du lịch có điểm đến hay ho, nghệ sỹ được khuyến khích sáng tạo, người dân quanh đấy cũng phải có lợi ích thì họ mới chăm bẵm từng gốc cây, chiếc ghế. Vòm cầu chỉ là phần xác, hồn vía mới quan trọng cho nên rất cần nhạc trưởng”.