Đức Phật không dạy dâng sao giải hạn, đốt vàng, mã

Hóa vàng mã tại đền, chùa là việc phổ biến. Ảnh: Như Ý.
Hóa vàng mã tại đền, chùa là việc phổ biến. Ảnh: Như Ý.
TP - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có ý kiến về việc đốt vàng, mã tại chùa, nhưng vẫn còn nhiều tập tục không có nguồn gốc trong đạo Phật mà vẫn được nhiều người thực hành, trong đó phải kể tục “dâng sao giải hạn”. Thượng tọa Thích Tỉnh Thuần - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức chia sẻ về vấn đề này.

Cứ đầu năm, mọi người rất quen thuộc với hình ảnh người dân đi dâng sao giải hạn tại các chùa, người tràn cả xuống lòng đường Hà Nội. Thượng tọa nghĩ sao trước cảnh này?

Dâng sao giải hạn thật ra trong đạo Phật không có. Tục này thuộc Đạo giáo của Trung Hoa truyền qua Việt Nam. Người dân và một số phật tử quen tập tục từ xưa nên cứ nghĩ đầu năm phải đến chùa dâng sao giải hạn. Nhà Phật chỉ nói muốn giải trừ hạn xấu thì gieo trồng điều thiện lành. Đức Phật dạy muốn có một ngày tốt đẹp, buổi sáng phải nói lời tốt lành, buổi trưa, buổi chiều... phải suy nghĩ, nói, làm những điều lành thiện. Như vậy tự mình có thể giải hạn và thiết lập sự an lạc cho chính mình. Đức Phật chỉ dẫn đường chứ ngài không có quyền năng giải hạn, đưa con người lên thiên đường hoặc đọa địa ngục.

Tuy không được quy định trong đạo Phật nhưng biết đâu nó vẫn có tác dụng gì đó, thưa Thượng tọa?

Việc truyền bá chánh pháp đến với mọi người hiện nay một số nơi đang khởi sắc, còn số đông chưa nhận thức được. Nếu đa phần có chánh kiến sẽ không làm như vậy, mà sẽ thực tập những phương pháp Đức phật chỉ dạy để có an lạc, hạnh phúc hơn một cách thiết thực. Một số nơi vì phật tử chưa được biết và một số vị chưa truyền bá rộng phương pháp Đức Phật chỉ dạy, cho nên vẫn còn giữ những tập tục này, trong khi đa phần các đạo tràng trong miền Nam hoặc các thiền viện lại không có lệ đó. Đầu năm mọi người muốn cầu an, chư tăng chỉ tụng một thời kinh cầu nguyện, cùng nhau gửi năng lượng thiện lành đến mọi người, rồi chia sẻ cho mọi người nghe, hiểu lời đức Thế Tôn dạy nên thực hành như thế nào để có an lạc cho mình và mọi người, chứ không hướng dẫn mọi người dâng sao giải hạn.

Lại có quan niệm cung tiến vào chùa là một hành động tốt, mà theo luật nhân quả, hành động tốt đó có thể giải được hạn. Dâng sao giải hạn cũng là một cách cúng tiền vào chùa… Quan niệm đó có được chấp nhận trong đạo Phật, thưa Thượng tọa?

Khi phát tâm cúng dường cho chùa, cho già lam tự viện để xây dựng ngôi Tam bảo thì đương nhiên mình có phước lành. Nhưng nghĩ cúng cái đó để giải cái hạn xấu thì chưa hẳn. Không khéo thành sự đổi chác. Cho nên phải hiểu mình cúng dường thì mình có phước lành, nhưng cái hạn của mình cũng còn tuỳ theo duyên nghiệp nữa. Tuy nhiên nhà Phật nói khi mình có phước lành nhiều thì nếu gặp hạn cũng có thể chuyển cái hạn xấu của mình thành ra nhẹ nhàng, ít xấu hơn. Và tuỳ theo mỗi người cảm thọ cái hạn của mình khác nhau. Chẳng hạn ngài Mục Kiền Liên biết mình có oan gia với một số người xấu tức là bọn cướp, nên hôm đi khất thực, ngài đã báo trước với chư vị Tỳ kheo và vui lòng chấp nhận trả cái quả đó. Tôn giả cũng chịu hạn thân khổ nhưng tâm không khổ. Người không tu khi gặp hạn thì thân mình khổ mà tâm cũng khổ, nhưng người có tu và thực hành Phật pháp, hay có phước lành thì thân họ khổ nhưng tâm của họ không thọ khổ, có chăng cũng rất nhẹ nhàng. Hai tâm trạng khác nhau. Chẳng hạn ông Cấp Cô Độc cũng bị bệnh nhưng không thọ khổ là bao, vì ông có phước lành, được nghe, hiểu Phật pháp, cho nên ông biết chuyển hóa nỗi khổ và thiết lập bình an cho chính mình.

Đốt vàng, mã truyền từ Trung Hoa vào

Một vấn đề mọi người cũng đang quan tâm là tục đốt vàng mã, nó có lợi hay hại gì, xin Thượng tọa cho biết?

Đốt vàng mã cũng là tục truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam. Đức Phật không dạy đốt vàng, mã. Việc đốt vàng mã sẽ ảnh hưởng môi trường. Để có được những tấm giấy đó, con người phải đốn biết bao loại cây. Khi đốt người ta cứ nghĩ gửi cho người thân dưới cõi âm, nhưng trần với âm là hai thế giới khác nhau. Cũng như người thân mình ở nước ngoài gửi tiền giả về chắc chắn bị công an truy tìm. Việc đó không phù hợp với truyền thống đạo Phật, nhưng vì đó là tập tục, nhiều người không làm theo thì cảm thấy không yên, cho nên cứ đốt vậy thôi.

Nếu xét một cách thực tế, khi đốt vàng mã mình vô tình làm một việc rất mâu thuẫn. Chẳng hạn có một người từng ở trong một trại giam rồi chuyển qua trại khác, nhưng người nhà không biết cứ gửi đồ tiếp tế vào hoài thì người nhà bị mất đồ, mà người thân cũng không nhận được. Theo kinh Phật giáo Nguyên thủy, một người khi mất đi trong khoảng 10 ngày sau sẽ tái sinh, còn kinh Đại thừa thì nói 49 ngày sau sẽ theo nghiệp tái sinh.

Như vậy cũng không nên mời ông bà tổ tiên đã qua đời về nhà ăn Tết đúng không ạ?

Người phương Đông có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cho nên ngày Tết, gia tộc sum vầy, con cháu nên tưởng nhớ tới gia tiên, phụ mẫu, tri ân đến các bậc sinh thành dưỡng dục. Ngày giỗ làm mâm cơm dâng cúng ông bà biểu hiện tấm lòng của mình, rồi ôn lại nét hay, nét đẹp của tổ tiên cho con cháu trong nhà ghi nhớ noi theo để thực hành thì rất tốt. Còn đốt vàng, mã, theo tập tục cho có lệ thì lại qua phần mê tín mất rồi.

“Chúng ta làm được những gì tốt đẹp thì nên làm. Gieo trồng nhân thiện lành thì đương nhiên có quả phúc đức. Còn những gì lỡ tạo nghiệp xấu trong quá khứ thì nhà Phật nói chúng ta nên nhận biết, sám hối và loại trừ những hành vi bất thiện trong hiện tại thì cũng làm giảm được các nghiệp xấu hay hạn cũ và tương lai sẽ tốt đẹp, tươi sáng hơn”.

Thượng tọa Thích Tỉnh Thuần

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.