Đức, Pháp, Anh phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo và quân sự hoá trái phép Ảnh: CSIS
Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo và quân sự hoá trái phép Ảnh: CSIS
TP - Ngày 16/9, Pháp, Đức và Anh gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc (LHQ) bày tỏ lập trường chung về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.

Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không bị cản trở thực thi quyền tự do trên biển cả, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền đi lại vô hại được quy định trong UNCLOS, bao gồm cả ở biển Đông.

Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong công ước về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo được xác định trong Phần II và Phần IV của UNCLOS 1982. Bởi vậy, không có cơ sở pháp lý nào cho các quốc gia lục địa coi các quần đảo hoặc các thực thể địa lý biển là một thực thể thống nhất mà không tôn trọng các quy định liên quan trong UNCLOS 1982 hoặc bằng cách sử dụng các quy định chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo.

Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong công ước về việc áp dụng cơ chế đảo đối với các thực thể địa lý được hình thành tự nhiên. Các hoạt động xây đảo hoặc các hình thức biến đổi nhân tạo khác không thể thay đổi cách phân loại thực thể địa lý theo UNCLOS 1982.

Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh rằng các yêu sách liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS 1982, và nhắc lại rằng phán quyết ngày 12/7/2016 của tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định rõ ràng điều này.

Pháp, Đức và Anh giữ quan điểm rằng, tất cả các yêu sách biển ở biển Đông cần được thiết lập và giải quyết một cách hoà bình phù hợp với các nguyên tắc và các điều khoản của UNCLOS 1982 cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp được nêu trong công ước.

Báo hiệu diễn biến mới

ThS Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TPHCM và là nhà nghiên cứu về biển Đông, trao đổi với PV Tiền Phong ngày 17/9 cho rằng, việc 3 quốc gia châu Âu cùng gửi công hàm LHQ để phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy các nước châu Âu đánh giá biển Đông là khu vực rất quan trọng đối với họ, và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng pháp quyền. Điều này cũng báo hiệu sắp tới sẽ có diễn biến mới trên khu vực biển Đông. 

ThS Việt nói, Anh dù rút khỏi EU trong khi Pháp và Đức vẫn là thành viên của khối, nhưng trong vấn đề này 3 nước vẫn có quan điểm đồng nhất. Theo ông Việt, trong văn bản mà 3 quốc gia vừa đưa ra có một số điểm quan trọng. Thứ nhất, khẳng định UNCLOS được áp dụng trên toàn cầu. Thứ hai, 3 quốc gia cho rằng yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” là vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS, và đã được Tòa trọng tài nói rõ trong phán quyết năm 2016. 

Đức, Pháp, Anh phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1 Tàu chiến Mỹ và Úc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông  Ảnh: US Navy
Trong văn bản này, 3 quốc gia nhấn mạnh rằng họ không chấp nhận một quốc gia lục địa mà lại áp dụng quy chế quần đảo. Điều này ám chỉ Trung Quốc vì nước này từ  năm 1996 đã vẽ đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (và đối với cả quần đảo Trường Sa sau này - PV).

“Sự kiện này báo hiệu rằng sắp tới sẽ có diễn biến mới trên khu vực biển Đông, khi các nước trên thế giới bắt đầu lên tiếng”.ThS Hoàng Việt


Ba nước khẳng định rằng, định nghĩa về đảo được quy định rõ trong UNCLOS và được làm rõ trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Theo đó, đảo phải là một vùng đất tự nhiên được bao bọc bởi nước và luôn nổi khi thủy triều lên. Do đó, tất cả các cấu trúc được bồi lấp thành đảo nhân tạo đều không được coi là đảo. 

Theo ThS Việt, thời gian qua, EU một mặt không hài lòng với cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một mặt vẫn có lợi ích nhất định trong quan hệ với Trung Quốc, vì thế trước đây vẫn lừng khừng trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, xu thế trên thế giới bắt buộc các nước phải lên tiếng. 

MỚI - NÓNG
HIGHLIGHTS Thanh Hóa 1-1 Hà Nội FC: Từ bàn thắng bị từ chối của Văn Quyết đến phút cuối bùng nổ của Hai Long
HIGHLIGHTS Thanh Hóa 1-1 Hà Nội FC: Từ bàn thắng bị từ chối của Văn Quyết đến phút cuối bùng nổ của Hai Long
TPO - Hà Nội FC đang tạo dựng thương hiệu chuyên gia thoát hiểm phút cuối. Một lần nữa họ lại tránh được thất bại trong những giây cuối cùng với bàn thắng của Hai Long, qua đó xóa bỏ nỗ lực đáng khen ngợi của Đông Á Thanh Hóa, sai lầm của Hùng Dũng và cả pha lập công bị từ chối của Văn Quyết.