Đục nước...

Đục nước...
TP - Có mối liên quan gì giữa hai câu chuyện: Một số lao động Việt Nam sang Nga làm việc phải trả tiền “chuộc thân” mới được về nước và vụ vỡ nợ mới đây ở Lạng Sơn (vỡ tín dụng “đen” nói chung)?

> Sang Nga lao động 'chui': Muốn về nước phải 'chuộc thân'
> Cảnh sát Nga tạm giữ 181 người Việt lao động “chui”

Hai câu chuyện này gặp nhau ở một điểm, đó là các nạn nhân trao gửi niềm tin cho những người không đáng tin, trong đó mọi nguồn cơn xuất phát từ lòng tham.

Những kẻ lừa đảo thì ở xã hội nào, thời nào cũng có? Chẳng thế mà trong xã hội vẫn phải xây trại cải tạo, nhà tù để giáo dục, trừng trị kẻ xấu. Thế nhưng, muốn lấy lòng tin, tình cảm để chiếm đoạt tài sản người khác, kẻ lừa đảo cũng phải biết “nằm gai nếm mật” để gây dựng! Đằng này, những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động và tín dụng “đen” xảy ra gần đây nghe giật mình đến khó tin.

Vợ chồng Chung - Liên gây ra vụ vỡ nợ xôn xao xứ Lạng, chỉ sử dụng cái vẻ hào nhoáng như xe sang, khoe mẽ quan hệ này nọ…, mà cũng khiến người ta tin đến mê muội. Một gia đình huy động mọi thứ có thể để cho vợ chồng này vay 128 tỷ đồng. Bà cụ bị tai biến liệt giường, đến cô giúp việc gia đình cũng đưa tiền tích cóp cả đời, huy động thêm ở những người thân để đưa cho vợ chồng Chung - Liên.

Cũng có khác gì một số người ở Huế, mới nghe một người phụ nữ nói là có khả năng đưa lao động sang Nga làm việc, thủ tục nhanh, lương cao, điều kiện làm việc tốt mà đã trao tiền, giao người thân... Sang Nga, những lao động này vỡ mộng khi rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ở lại làm không ra tiền, về nước thì phải trả phí “chuộc thân” (20 - 30 triệu đồng, được chủ lao động diễn giải là tiền ăn, tiền ở, tiền khẩu…).

Đã chấp nhận liều mạng đi “chui”thì giờ đòi ai đền bù, chịu trách nhiệm đây? “Tiền mất, tật mang” - câu này không sai nửa lời trong hoàn cảnh những lao động nhẹ dạ, cả tin lưu lạc ở xứ người.

Chung quy cũng một chữ tham! Kẻ lừa đảo tham giàu nhanh nên đi giăng bẫy. Người nghèo muốn giàu nhanh bằng con đường ngắn nhất, nên đã liều nhắm mắt đưa chân và sập bẫy. Ông cha bảo, tham thì thâm mà!

Trách những người vì lòng tham mà đi giăng bẫy hoặc bị sập bẫy là một phần, nhưng phải trách nhà quản lý chín phần. Vì đâu mà “cò” có đất sống? Có câu “đục nước béo cò”. Nếu “nước trong” thì “cò” đâu có kiếm ăn dễ như vậy. “Nước trong” là chính sách rõ ràng, minh bạch, không có khoảng mờ, khoảng đen, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo có cơ hội kiếm tiền.

Chẳng đâu như ở ta, nhìn đâu cũng thấy “cò”. “Cò” từ vòng ngoài đến vòng trong. Chỗ nào “cò” cũng béo. Tội cho dân, sơ sểnh là dính bẫy!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.