Đức Hùng - "thằng chín quần mười lăm áo"

Đức Hùng - "thằng chín quần mười lăm áo"
TP - Thích mặc đẹp, nên từ 16 tuổi - tức năm 1983, học ở trường Sân khấu điện ảnh, Đức Hùng đã được bạn bè gọi là “Thằng chín quần mười lăm áo”. Biệt danh đó dường như là cái duyên, gắn tên tuổi của Đức Hùng với thời trang, làm nên tên tuổi anh. Nói về mình, Đức Hùng “gói” trong 3 chữ: Tình, Điên, Tỉnh.
Đức Hùng - "thằng chín quần mười lăm áo" ảnh 1

Tình

Nhiều người nói, Đức Hùng khổ nhất là không biết khổ là gì?

(Cười)! Có khi người ta nói đúng. Cuộc đời, con người ta có nhiều cái khổ rất dễ nhìn thấy, điển hình là khổ vì tiền, khổ vì tình…Nhưng cả hai “nội dung” này tôi không khổ.

Tôi được sinh ra trong gia đình có thể nói là rất giàu ở phố cổ Hà Nội. Nhà giàu, mà tôi lại là con trai duy nhất, trên tôi có 5 chị gái. Nói thế có nghĩa là mọi người thấy tôi rất sướng.

Tiếp nữa, tôi tỏ tình chỉ sau 1 tuần làm quen, và 4 tháng sau là cưới. Vợ chồng chúng tôi yêu nhau, tôn trọng nhau và vẫn sống hạnh phúc đến ngày nay. Quá sướng!

À, tôi có 2 cô con gái, nhiều người bảo tôi khổ. Nhưng tôi muốn la lên rằng, tôi không khổ. Tôi hài lòng vì có 2 cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, yêu thương bố mẹ. Tôi vui vẻ đón nhận cái gì mình được và không được. Vì thế tôi rất ghét ai hay kêu khổ.

Công việc của anh gắn với các người đẹp, trái tim anh không tránh khỏi việc lung lay trước họ?

Tôi là con người, chứ có phải gỗ đá đâu. Có chuyện yêu cô nọ, yêu cô kia. Nhưng chỉ yêu thôi. Không có bến bờ.

Lấy người như anh, chắc vợ anh bản lĩnh lắm?

Hà Nội vẫn là Hà Nội của tôi, cho tôi niềm tự hào. 500 bộ áo dài mang tên Đất Rồng thiêng tôi dành tặng Hà Nội 1.000 năm tuổi với một niềm đam mê và một tình cảm tri ân với mảnh đất này. 

Gặp được người như vợ tôi, thì chắc phúc của tôi lớn. Tôi nghĩ là do mẹ tôi phù hộ. Chỉ quen nhau thời gian ngắn, chúng tôi cưới nhau.

Bố mẹ vợ tôi khi thấy tôi đặt vấn đề, còn hỏi đi hỏi lại: nghĩ kĩ chưa? Tỏ tình, được vợ nhận lời đồng ý lấy hôm trước, hôm sau tôi dẫn cô ấy đi gặp hàng loạt người mẫu, người đẹp. Đấy, nắm tay nắm chân thoải mái, ôm vai bá cổ đấy…

Nhưng chỗ nguy hiểm nhất là là chỗ an toàn nhất. 10 người gặp tôi, 2 người quý là may. Nhưng 10 người gặp vợ tôi, thì 11 người quý. Vợ tôi là người hay nghĩ cho người khác, lo cho người khác. Vì thế mà tôi rất tôn trọng vợ.

Thế anh có nhiều người ghét?

Ai ghét tôi thì ghét lắm, nhưng ai quý thì thành nghiện. Tôi không sống theo kiểu tắc kè hoa. Nghĩ đơn giản thế này, con người Việt Nam ta sống trung bình 70 tuổi, là chết. Cuộc sống ngắn ngủi thế, giả dối là thiệt.

Nói thật là tôi sống thật, nên sợ ai tử tế với mình. Người ta tử tế với mình, mà mình không đáp trả lại, mình không để ý là có lỗi với người ta. Nên trong đời, tôi chỉ muốn người khác biết điều với mình.

“Điên”

Con nhà giàu, chọn học làm diễn viên múa rối cũng lạ đấy chứ?

Trước tôi mê học y lắm. Nhưng là con trai một, người thì như cây sậy, cao 1m74 mà có 52 cân. Khi tỏ nguyện vọng muốn học trường y, mẹ tôi kịch liệt phản đối. Năm đó, trường Sân khấu điện ảnh có đợt tuyển, tôi đăng kí học, được xếp vào học khoa múa rối.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Ít người biết Đức Hùng là nghệ sĩ múa rối?

Có lẽ, trong giới thiết kế, tôi là người duy nhất vừa là nghệ sĩ sân khấu vừa là nhà thiết kế thời trang. Tôi là nghệ sĩ múa rối trên sân khấu chuyên nghiệp, hiện nay tôi là trưởng đoàn diễn viên múa rối của Nhà hát múa rối Thăng Long.

Ban đầu, nghe hai lĩnh vực thời trang và múa rối trong 1 con người chả liên quan gì đến nhau. Nhưng hai lĩnh vực này rất đồng thuận, tính ước lệ giữa nghệ thuật sân khấu với màu sắc của trang phục, mang đến cho người xem những cái nhìn bắt mắt.

Năm 1983 tôi bắt đầu vào trường, học múa rối. Hôm trả bài cho thầy vở Nghêu sò ốc hến, chuẩn bị trang phục để diễn, tôi lấy quần áo của mẹ cho các bạn mặc, rồi mua vải về cắt cắt may may trang phục cho mọi người đóng kịch.

Dần dà, được tín nhiệm thành nhà thiết kế trang phục cho cả lớp. Thấy cũng có mắt thẩm mỹ, tôi học thêm lớp họa. Cứ thế thành đam mê. Mà nhà tôi, mẹ và 5 chị, mặc đẹp ngất trời. Đủ loại mẫu, mốt.

Múa rối và thời trang, cái gì mang lợi cho anh nhiều hơn?

Thời trang mang lại cho tôi tên tuổi. Còn múa rối mang lại cho tôi hạnh phúc gia đình. Tôi rất khắt khe trong thiết kế. Không biết trong hơn 20 năm thiết kế thời trang tôi đã cắt, xé bao nhiêu bộ trang phục.

Có những cái áo dài, thêu rất cầu kì, một đường chỉ màu không đúng ý tôi là tôi cắt làm đôi. Những lúc như thế, mình như một thằng điên. Quát tháo loạn xạ, đập phá hết, xé hết. Lúc lên cơn “điên”, nảy tưng tưng, xong thì đau đầu lắm, mệt lắm. Giờ thì tôi cũng bớt “điên” đi rồi.

Có chăng, là lúc dạy bảo con cái. Hai đứa nhà tôi, lười ăn, người như con sếu vườn. Hôm, đèo hai đứa đi học, tay mỗi đứa cầm bánh ngọt ăn được một nửa thì tới trường. Thả hai chị ấy xuống, hai chị chạy ngay đến thùng rác, vứt.

Tôi điên lắm, túm lại, cầm nửa cái bánh chúng nó vứt, bảo bố đi những chuyến làm từ thiện đến chỗ nọ chỗ chia, nhiều bạn muốn mà không có cái ăn, các con được ăn, ngon, mà còn vứt. Hai chị vừa khóc như mưa vừa nói: Thà bố cứ đánh con, còn hơn là bố nói kiểu thế. Thế là hai chị cầm lại bánh, ăn hết luôn. Nhiều lúc mình thấy tính mình khắt khe đến thái quá.

Tỉnh

Anh có quan điểm như thế nào về cái đẹp?

Là sự đơn giản, càng đơn giản càng đẹp. Nhưng đến được sự đơn giản đó nó đã trải qua vô vàn những cầu kì. Quan điểm của tôi là đơn giản tinh tế chứ không phải đơn giản tuềnh toàng.

Tôi không thích nghệ thuật phải gánh một trọng trách quá lớn, đừng bắt một tác phẩm nghệ thuật gánh trên mình tính nhân văn, tính sự kiện.

Với tôi, nghệ thuật là cái gì đó rất đời và rất tự nhiên. Nên khi làm nghệ thuật, tôi đi bằng hai chân trên đất, chứ không bay.

Người đẹp Diễm My với tà áo dài của NTK Đức Hùng
Người đẹp Diễm My với tà áo dài của NTK Đức Hùng.

Vì thế mà nhiều người bảo nhìn thiết kế của Đức Hùng, rất dễ nhận ra?

Có lẽ đúng. Sản phẩm của tôi đều hướng đến quần chúng. Giống như tôi là diễn viên, tôi muốn trò diễn của tôi được mọi người, mọi tầng lớp thưởng thức. Thì trong thời trang, tôi cũng sáng tạo các mẫu mã trang phục để mọi người đều có thể mặc được.

Tên tuổi của tôi đã gắn với các người đẹp Vi Thị Đông, Hà Kiều Anh từ cuộc thi hoa hậu của báo Tiền phong. Nhưng đến nay, tôi tự hào vì tôi có thị trường, có khán giả. Người mặc trang phục của tôi thiết kế không chỉ có người đẹp, hoa hậu mà viên chức bình thường cũng rất đông.

Anh lấy cảm hứng sáng tạo từ đâu?

Thiên nhiên là cảm hứng sáng tạo của tôi. Tôi rất nhớ hình ảnh, thuở bé, sáng mùng một Tết, mở cửa ra, nhà tôi ở phố Hàng Đậu, thì dọc đường tới Phan Đình Phùng ngập xác pháo, nhà nào cũng có hoa đào. Vì thế, đây màu gây cảm hứng sáng tạo cực kì nhiều trong thiết kế của tôi.

Hiện nay có xu hướng thiết kế nên những trang phục dài kỉ lục, nặng kỉ lục, đính ngọc nọ, đá kia…Anh đã bao giờ làm những điều đó?

Tôi gọi cái đó là lập dị. Và tôi cũng đã từng làm. Hồi báo Tiền phong tổ chức thi hoa hậu ở Cung văn hóa hữu nghị cũng xuất hiện những thiết kế lập dị của Đức Hùng trên những chiếc nón rộng 4, 5 mét, người mẫu phải cầm gậy chống nón trình diễn.

Giờ thì qua rồi. Già rồi, thể hiện gì nữa, gây sốc làm gì. Còn tôi biết, có nhiều người đang lún khá sâu vào những thiết kế lập dị, vào rồi, họ không bước được ra, rốt cục là họ không có thị trường, không có khán giả. Bởi thiết kế thời trang là lĩnh vực khá gian truân.

Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ cho nghề thiết kế, sao anh vẫn chọn ở lại Hà Nội?

Nhiều người vào đó, bảo Hùng ơi vào Sài Gòn đi, kiếm tiền như rác, gấp 5 gấp 10 lần ở Hà Nội đấy. Nhưng không. Tôi đủ tỉnh táo để biết mình là ai, mình được gì, mình muốn gì. Hà Nội vẫn là Hà Nội của tôi, cho tôi niềm tự hào. 500 bộ áo dài mang tên Đất Rồng thiêng tôi dành tặng Hà Nội 1.000 năm tuổi với một niềm đam mê và một tình cảm tri ân với mảnh đất này.

Đức Hùng sinh năm 1968. Tốt nghiệp Khoa sân khấu chuyên ngành múa rối Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Hiện là phó trưởng đoàn, phụ trách diễn viên của Nhà hát múa rối Thăng Long. Thiết kế từ năm 1988. Từng thiết kế cho Á hậu Vy Thị Đông tại cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 1992, các Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga… Thiết kế trang phục cho Đặng Minh Thu dự thi Hoa hậu Thế giới 2007.

Vương Xuân
vuwownghaqdnd@yahoo.com.vn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.