Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng ngày 4/5 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 514.488.325 ca COVID-19, trong đó có 6.264.844 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 564.472 và 1.490 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 469.026.711 người, 39.196.770 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 40/835 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.213 ca; Pháp đứng thứ hai với 67.017 ca; tiếp theo là Italy 62.071 ca. Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 236 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 212 ca và Italy 153 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.206.877 người, trong đó có 1.021.369 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.088.401 ca nhiễm, bao gồm 523.889 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.482.429 ca bệnh và 663.694 ca tử vong.
Sau gần 10 tháng, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Theo Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 5.121 ca/ngày. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 2 ca.
Sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Việt Nam liên tục ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế ngày 3/5, lần đầu tiên Việt Nam đã không có bệnh nhân tử vong do COVID-19. Đây là một tin vui trong cuộc chiến phòng chống đại dịch ở nước ta kể từ ngày 21/8 (ngày bản tin phòng chống dịch của Bộ Y tế không có ca tử vong do COVID-19, và trừ 2 ngày Mùng 1 và 2 Tết Nguyên đán, Bộ Y tế không công bố số người tử vong).
Trong khoảng 3-4 tuần qua, số ca mắc mới COVID-19, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày do Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Việt Nam là một trong các quốc gia có số liều tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.
Về số ca nặng, tử vong đã giảm mạnh do các địa phương đã nỗ lực rà soát người chưa được tiêm chủng/chưa được tiêm đủ liều cơ bản hoặc không thể đến cơ sở tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét, tổ chức tiêm tại nhà (nếu cần thiết) đảm bảo không bỏ sót đối tượng, tăng cường truyền thông và triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết thêm năng lực đáp ứng của hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị (thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất khoảng 150.000 trường hợp ngày 15/3).
Bộ Y tế đã bảo đảm đủ thuốc điều trị, không để thiếu thuốc; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện chủ động mua thuốc điều trị; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; đối với các loại thuốc thiết yếu, có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu…
Trong Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023 do Bộ Y tế xây dựng xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc, thuộc Bộ, Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ngày 31/3, Tổ chức Y tế thế giới ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.