Đức bất ngờ điều chỉnh lịch trình của tàu chiến đến Biển Đông vì… Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Khinh hạm Bayern của Đức. (Ảnh: BNG Đức)
Khinh hạm Bayern của Đức. (Ảnh: BNG Đức)
TPO - Trung Quốc vừa yêu cầu Đức làm rõ ý định khi điều một tàu chiến đến Biển Đông, sau khi Berlin bổ sung điểm dừng chân tại Thượng Hải vào lịch trình của tàu khu trục Bayer.

Giới quan sát cho rằng việc bổ sung lịch trình con tàu vào phút chót bộc lộ sự chia rẽ quan điểm trong giới lãnh đạo Đức về quan hệ với Bắc Kinh.

Khi Bộ Quốc phòng Đức có lãnh đạo quyết liệt hơn và chịu ảnh hưởng của các quốc gia Mỹ, Pháp và Anh, Berlin đã cử khinh hạm Bayern thực hiện hành trình dài 6 tháng để trở thành tàu hải quân đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông trong 19 năm qua.

Nhưng trong cái được gọi là “lỗi chính sách đối ngoại kinh điển của Đức”, một điểm dừng chân ở Thượng Hải phút chót được bổ sung vào hải trình của con tàu, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn chọc giận Bắc Kinh trong những ngày cuối cùng tại nhiệm của bà.

Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối đón tàu Đức ở Thượng Hải cho đến khi Berlin giải thích rõ hơn về ý định của chuyến đi này. Diễn biến đó có thể khiến lãnh đạo Đức loại bỏ một số mơ hồ chiến lược trong chính sách với Trung Quốc.

“Chuyến thăm cảng Thượng Hải được bổ sung vào phút chót vì Berlin lo lắng có thể con tàu sẽ là sự khiêu khích quá mức đối với Bắc Kinh. Nhưng điều đó che khuất thông điệp mà Đức gửi đi với con tàu này”, Noah Barkin, một nhà nghiên cứu trong Chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức, đánh giá.

“Giờ thì Bắc Kinh gạt bỏ. Câu chuyện cho thấy Đức vẫn còn phải học nhiều về văn hoá chiến lược. Dưới thời bà Merkel, họ thường thu gọn những lo ngại rất thực tế của mình về Trung Quốc bằng những thông điệp không rõ ràng”, ông Barkin đánh giá.

Giới quan sát cho rằng những diễn biến trên cho thấy chính sách rộng hơn của Đức đối với Trung Quốc trong những năm qua. Đức có quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc trong các nước EU và không muốn vứt bỏ điều này.

Vì thế, bà Merkel từ chối chấp nhận cách tiếp cận quyết liệt hơn trong những vấn đề như nhân quyền và chèn ép kinh tế, thay vào đó là nêu vấn đề trong những cuộc nói chuyện riêng tư và theo đuổi những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.

Từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào đầu năm nay, sức ép gia tăng lên Đức và các nước EU khác để phải tham gia liên minh của các quốc gia “cùng chung tư tưởng” nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng Đức miễn cưỡng đồng ý với Mỹ, cũng như bản tuyên bố chung chứa những lời lẽ gay gắt với Bắc Kinh tại thượng đỉnh G7 và NATO gần đây.

Đức đồng ý điều tàu chiến đến Biển Đông không phải vì cam kết tuần tra ở vùng biển tranh chấp này, mà là để xoa dịu các đồng minh, nhiều chuyên gia đánh giá.

Hành trình đầu tiên của tàu chiến Đức đến Biển Đông kể từ năm 2002 là kết quả nỗ lực của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, một người ủng hộ chính sách quyết liệt hơn với Trung Quốc. Bà đã thúc đẩy kế hoạch triển khai tàu chiến này từ khi đảm nhiệm vị trí mới vào năm 2019.

Việc bổ sung chặng dừng chân ở Thượng Hải vào lịch trình của khinh hạm Bayern là nhằm “loại bỏ bất kỳ hành động nào có vẻ toát lên ý định chống Trung Quốc”, ông Jonathan Eyal, giám đốc bộ phận nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện dịch vụ thống nhất hoàng gia tại Anh, đánh giá.

Nhưng kế sách đó giờ có vẻ không hiệu quả nữa. Trung Quốc có thể buộc Đức phải chọn bên, một cách công khai, ông Hans Kundnani, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình châu Âu thuộc viện Chatham House, nhận định.

“Tôi thấy có vẻ về dài hạn, điều này chính xác là những gì sẽ diễn ra. Đức, rộng hơn là EU, muốn đi với cả hai. Nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ buộc châu Âu phải chọn bên”, ông Kundnani nói.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG