Cảnh sát Dubai hy vọng, với sự "giúp sức" của các nhân viên cảnh sát thời công nghệ số, công tác đảm bảo an ninh trật tự sẽ được tăng cường.
"Nối dài cánh tay" của lực lượng cảnh sát
Tờ báo Khaleej Times dẫn lời quan chức Dubai nói rằng, robot cảnh sát được lấy cảm hứng từ nhân vật cảnh sát người máy trong bộ phim viễn tưởng "Robocop" trình làng đầu tiên vào năm 1987. Trong bộ phim này, robot cảnh sát đã được tạo ra từ một sĩ quan cảnh sát bị giết hại.
Theo Đại tá Khalid Nasser Alrazooqi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ứng dụng dịch vụ thông minh của Cảnh sát Dubai nói rằng, trong hai năm tới, robot cảnh sát sẽ được dùng để tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra tại khu mua sắm và các khu vực công cộng khác. Đây được coi là một phần quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng cảnh sát.
"Robot cảnh sát là một phần của "Sáng kiến thành phố thông minh của Dubai". Nó giống như nối dài cánh tay của lực lượng cảnh sát và là cách để lực lượng cảnh sát đối phó với sự gia tăng dân số nhanh chóng hiện nay", Đại tá Khalid Nasser Alrazooqi nói. "Các robot sẽ tương tác trực tiếp với người dân và khách du lịch. Chúng sẽ được thiết kế có màn hình tương tác và microphone kết nối với trung tâm cảnh sát Dubai. Mọi người có thể đặt câu hỏi và đề đạt ý kiến nhưng cũng có thể tìm kiếm niềm vui khi tương tác với các robot", ông Khalid Nasser Alrazooqi nói tiếp.
Theo Đại tá Khalid Nasser Alrazooqi, trong 4 hoặc 5 năm tới, cảnh sát Dubai sẽ cho ra mắt robot hoàn toàn tự động mà không cần bất cứ sự điều khiển trực tiếp nào của con người. "Đây sẽ là thế hệ robot thông minh, hoàn toàn tự động, có thể tương tác với mọi người mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên cảnh sát ở trung tâm chỉ huy. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhưng tin tưởng vào sự thành công của dự án".
Cảnh sát Dubai dự kiến sẽ cho ra mắt robot tự động thế hệ mới vào năm 2020 khi dòng người khổng lồ trên khắp thế giới dự kiến sẽ đến Hội chợ triển lãm Dubai 2020 (World Expo 2020). Theo các quan chức Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, World Expo 2020 sẽ tạo ra 227 nghìn việc làm, trong đó có 40% trong lĩnh vực du lịch cùng hàng trăm triệu du khách.
"Chúng tôi đang hướng tới việc cung cấp các loại dịch vụ khi dân số không ngừng tăng lên. Bằng cách cho ra đời robot thế hệ mới, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không cần thuê thêm nhiều người", ông Alrazooqi chia sẻ.
Tranh cãi về "trí tuệ nhân tạo"
Phát biểu về dự án robot cảnh sát của Đại tá Alrazooqi tại Hội nghị bàn về mối đe dọa an ninh mạng và các biện pháp phòng chống được tổ chức tại Dubai cuối tháng 4 vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu tham dự hội nghị. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, robot cảnh sát là sự phát triển tất yếu để tăng cường sức mạnh cho lực lượng cảnh sát nhưng cũng không ít ý kiến phản đối về sự phát triển không thể kiểm soát của người máy "trí tuệ nhân tạo" (Artificial Intelligence - AI).
Trước đó, nhiều nhà tư tưởng hàng đầu thế giới đã bày tỏ mối quan tâm về tốc độ phát triển không được kiểm soát của AI. Cuối năm ngoái, giáo sư Stephen Hawking đã cảnh báo rằng, người máy có thể suy nghĩ là "điểm cuối cùng của loài người".
Phát biểu tại một Hội nghị diễn ra ở London, một nhà vật lý nói với phóng viên BBC rằng, sự phát triển của AI cho đến nay đã được chứng minh là có lợi cho loài người nhưng chúng ta không nên tự mãn về việc tạo ra trí thông minh có khả năng vượt qua con người.
"Con người bị hạn chế bởi sự tiến hóa sinh học, không thể cạnh tranh và sẽ được thay thế nhưng khó có thể tạo ra người máy vượt qua được con người", nhà vật lý nói.
Vào tháng 11 năm ngoái, nhà nghiên cứu Elon Musk cảnh báo rằng, nguy cơ "điều gì đó nghiêm trọng là kết quả của máy móc với AI có thể xảy ra trong vài năm tới". Phát biểu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Musk mô tả trí tuệ nhân tạo là "mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta". "Chúng ta cần phải cẩn thận khi phát triển trí tuệ nhân tạo. Tôi cho rằng, mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta chính là trí tuệ nhân tạo", Musk nói.
Robot cảnh sát giao thông ở Congo
Từ năm 2013, lực lượng cảnh sát Congo đã được tăng cường "nhân viên" là robot cảnh sát giao thông. Robot được đặt ở những vị trí ngã ba, ngã tư trên đường phố để giúp lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng cũng như ghi nhận những trường hợp vi phạm luật giao thông để báo về trung tâm chỉ huy. Robot cảnh sát giao thông có cấu tạo khá đặc biệt bằng chất liệu có thể chịu đựng được khí hậu nóng quanh năm và chạy bằng năng lượng mặt trời. Hai cánh tay của robot được trang bị đèn màu xanh lá cây và màu đỏ để điều tiết giao thông trên đường. Bên cạnh đó, robot cũng được trang bị camera giám sát hiện đại.
Hiện nay, Mỹ cũng đang có kế hoạch đưa robot cảnh sát giao thông có tên là "TeleBot" vào sử dụng. TeleBot có thể làm những công việc đơn giản như phân luồng giao thông, đưa vé xe. Với thiết kế đặc biệt, TeleBot có thể điều khiển từ xa.