Cụm dự án 2 tỷ USD
Nhà ga T2 hoàn thành đúng tiến độ sau 3 năm xây dựng. Đây là nhà ga dành riêng để phục vụ khách quốc tế đi và đến sân bay Nội Bài với công suất 10 triệu khách/năm. Nhà ga được xây dựng 4 tầng, diện tích mặt sàn gần 140.000 m2 với thiết kế hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng. Trong nhà ga có 96 quầy thủ tục check-in, 10 ki-ôt check-in tự động, 17 cửa ra máy bay. Nhà ga có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.
Nhà khách VIP A cũng được xây mới với diện tích 5.000 m2. Phần mái nhà được cách điệu như một cánh hoa sen lớn, xung quanh là các hồ nước kết hợp với cây xanh. Đây sẽ là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao quốc tế; đưa đón các đoàn lãnh đạo đi thăm các nước và đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam.
Cầu Nhật Tân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài (được đặt theo tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hoàn thành sau 5 năm xây dựng có nhiệm vụ nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài.
Trong đó, cầu Nhật Tân là cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng; phần cầu chính dài 3,7 km; phần đường dẫn dài 5,1 km; mặt cầu rộng 60m với 4 làn xe. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Thiết kế của cầu mang ý nghĩa rất lớn, 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân”.
Đường Võ Nguyên Giáp.
Đường Võ Nguyên Giáp (đường Nhật Tân - Nội Bài) hoàn thành sau 3 năm xây dựng với chiều dài 12 km, rộng 80-100 m, với 6 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h. Hai đường gom cho xe máy, xe thô sơ với vận tốc tối đa 40 km/h. Cùng với cầu Nhật Tân, thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay Nội Bài chỉ còn khoảng 30 phút, so với 1 giờ trước đây.
Toàn bộ 4 dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Nhà ga T2 Nội Bài có tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Nhà khách VIP A có vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Cầu Nhật Tân có tổng vốn đầu tư hơn 13 nghìn tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Toàn tuyến đường Võ Nguyên Giáp có tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân.
Động lực phát triển Thủ đô và cả nước
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nêu rõ, cụm công trình liên hợp Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, rút ngắn khoảng cách giữa sân bay Nội Bài và trung tâm Thủ đô Hà Nội, bảo đảm giao thông thuận lợi, nhanh chóng. “Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cửa ngõ hàng không của Hà Nội, của cả nước, góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, đưa thế giới đến với Việt Nam” - Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản tại lễ khánh thành cầu Nhật Tân.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, với việc có nhà ga T2 mới; khai thác các đường bay nội địa sang nhà ga T1 hiện tại sẽ chấm dứt tình trạng quá tải tại sân bay Nội Bài và thu hút các đường bay trong khu vực, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ý nghĩa cửa ngõ hàng không, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, cụm dự án sẽ đảm bảo các yêu cầu về giao thông vận tải phục vụ cho công tác xây dựng và phát triển các khu công nghiệp trong vùng. Ngoài ra, cụm dự án sẽ phục vụ phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong trung tâm thành phố, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của Thủ đô.
Nhà Ga T2 Nội Bài.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết dọc 2 bên tuyến đường. Tại đây, có một số công trình lớn đã được qui hoạch như đầu mối trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại quốc tế trong và ngoài nước; Công viên Kim Quy rộng 80 ha (gắn liền với thành Cổ Loa và sự tích thần Kim Quy). Trên tuyến đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài cũng sẽ thiết kế biểu tượng búp sen. Đặc biệt, xung quanh trục đường Võ Nguyên Giáp sẽ qui hoạch một khu đô thị hiện đại với những tòa nhà cao ốc, trung tâm tài chính - thương mại tầm cỡ quốc tế.
Chiều 4/1, khi cầu Nhật Tân đã thông suốt, hàng trăm người dân lên cầu để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.Thế nhưng, việc quá đông phương tiện dừng, đỗ trên cầu đã khiến phần đường dành cho xe máy bị choán hết. Nhiều người dân đi bộ, đi xe đạp, 3 gác lên cầu, khiến giao thông trở nên vô cùng lộn xộn.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã công bố phương án cấm người đi bộ, xe súc vật, xe kéo qua cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, suốt buổi chiều, tại các đường dẫn lên cầu, không xuất hiện bóng dáng của lực lượng chức năng. Lợi dụng việc này, một số thanh niên có biểu hiện kích động, không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, lạng lách, bốc đầu, nguy hiểm tính mạng.
Trần Hoàng
Dự án tiêu biểu về tình hữu nghị Việt - Nhật
Buổi lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cụm dự án là dự án biểu trưng cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Lễ khánh thành có sự tham dự của ông Akihiro Ohta - Bộ trưởng Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản. Ông Akihiro Ohta bày tỏ sự xúc động khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của cầu Nhật Tân và cho rằng: “Dự án không chỉ giúp kết nối về giao thông mà còn giúp kết nối cảm xúc giữa trái tim với trái tim”.