Đưa tin từ Ukraine: Dấn thân nơi máu lửa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đối với phóng viên chiến trường, đưa tin về xung đột là một phần của công việc, nhưng nhiều người nói rằng những gì họ chứng kiến ở Ukraine không giống bất cứ điều gì họ từng thấy trước đây.

Nhà báo tự do Owen Holdaway (Anh) từng đưa tin sâu rộng về các cuộc chiến ở Iraq và Syria rồi có mặt tại Ukraine sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24/2. Ông nói với The Media Line: “Nga rất mạnh, vì vậy có rất nhiều lo lắng về lực lượng chiến đấu”. Điều ông lo ngại nhất trên chiến tuyến ở Ukraine là các cuộc pháo kích và nguy cơ dẫm phải mìn.

Mạng sống mong manh

Trong những ngày đầu chiến sự tại Ukraine, một số nhà báo đã thiệt mạng, trong đó có ông Pierre Zakrzewski - nhà quay phim người Pháp và cô Oleksandra Kuvshynova - nhà sản xuất người Ukraine cùng làm việc cho hãng tin Mỹ Fox News. Ngày 14/3, xe chở họ dính đạn khi tác nghiệp ở làng Horenka, ngoại ô thủ đô Kiev. Ngoài ra, nhà báo Benjamin Hall (Anh) bị thương trong vụ này. Nhà sản xuất phim tài liệu Brent Renaud (Mỹ) tử nạn ở thành phố Irpin, nhà báo Yevhenii Sakun (Ukraine) thiệt mạng khi tháp truyền hình Kiev bị tấn công, phóng viên chiến trường Viktor Dudar (Ukraine) ngã xuống ở thành phố cảng Mykolaiv…

Đưa tin từ Ukraine: Dấn thân nơi máu lửa ảnh 1

Nhà quay phim Pierre Zakrzewski (phải) và nhà sản xuất Oleksandra Kuvshynova (trái) thiệt mạng khi xe chở họ trúng đạn hôm 14/3 ở ngoại ô Kiev. Nguồn: The Media Line

Ông Scott Griffen, Phó giám đốc Viện Báo chí Quốc tế có trụ sở tại Vienna (Áo), nói: “Theo luật nhân đạo quốc tế, các nhà báo là dân thường và các cuộc tấn công vào dân thường không bao giờ được chấp nhận. Các cuộc tấn công có chủ đích vào nhà báo trong khu vực xung đột có thể coi là tội ác chiến tranh”. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), tính đến ngày 1/6, có 15 nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng trong các đợt giao tranh giữa Nga và Ukraine, bao gồm các vụ bắn nhau ở vùng Donbass giai đoạn 2014-2015 và ở nhiều địa phương của Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022. Theo thống kê, tổng hợp của nhiều cơ quan báo chí phương Tây, có tổng cộng 12 nhà báo dân sự thiệt mạng khi tác nghiệp trong các đợt giao tranh, 6 nhà báo dân sự mất mạng khi không thực hiện công việc chuyên môn hoặc ở trong các hoàn cảnh không rõ ràng, và 7 nhà báo ngã xuống khi đang phục vụ trong quân đội.

“Khi bạn ở trong tình huống như ở Ukraine hiện nay, adrenaline tăng cao, chiếm ưu tế. Bạn không có thời gian để dừng lại và nghĩ rằng khu vực này nguy hiểm như thế nào… Tôi đã mất bạn bè, đồng nghiệp ở các vùng chiến sự”. Nữ phóng viên chiến trường Moni Basu (Mỹ)

CPJ đã kêu gọi bảo vệ các nhà báo Ukraine cùng với các phóng viên, nhân viên truyền thông quốc tế đang đưa tin về cuộc xung đột. Hàng trăm nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đang đưa tin về cuộc chiến này, dành nhiều giờ mỗi ngày để thu thập thông tin, đăng tải tin bài. Nhưng sẽ không thể đưa tin sâu rộng về cuộc khủng hoảng này nếu không có các nhà báo Ukraine - những người bị giằng xé giữa việc tác nghiệp và lo lắng cho người thân yêu, cho đất nước mình.

Nhà báo Ukraine Tatiana Papora nói với The Media Line rằng, khi kênh truyền hình của Papora đưa bà từ thủ đô Kiev đến Lviv, thành phố ở miền tây Ukraine, để tránh chiến sự, bà đã do dự; cấp trên của Papora thuyết phục bà tốt nhất nên tiếp tục đưa tin gián tiếp từ Lviv. Nhưng sau đó, Papora quyết định trở về thủ đô để đưa tin về cuộc chiến một cách nhanh chóng, trực diện. “Văn phòng chính của chúng tôi vẫn ở thủ đô. Một số người rời đến miền tây Ukraine vì lúc đầu, ở Kiev rất nguy hiểm và chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra… Tôi cũng đã được gửi đến Lviv trong bốn tuần đầu tiên… Sau đó, tôi quay trở lại Kiev và bây giờ tôi đang thăm Irpin và Chernihiv và những nơi như vậy”, bà kể.

Nữ phóng viên kỳ cựu nói rằng việc ở xa chiến tuyến đã tước đi khả năng đưa tin nhanh, nhiều và chính xác về các sự kiện. Sau một tháng ở Lviv, Papora cảm thấy bà buộc phải trở lại thủ đô. “Nhiều nhà báo tác nghiệp từ miền tây Ukraine. Họ đội mũ bảo hiểm và mặc áo vest chống đạn, nhưng thực tế không quá nguy hiểm như ở đây hay ở chiến tuyến”, nhà báo Papora nói.

Đạp bằng chông gai

Nhà báo Papora kể rằng, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, bà không có kế hoạch trở thành phóng viên chiến trường, nhưng bà không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhiều nhà báo Ukraine khó có thể nhìn thấy mức độ tang thương đang diễn ra trên đất nước mình nếu không dấn thân, không bước ra ngoài, không xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Nhiều nhà báo Ukraine và nước ngoài đã phải làm việc tại các ga tàu điện ngầm để giữ an toàn, hoặc nếu không thì chỉ đơn giản là bỏ qua các cuộc pháo kích và tiếp tục đưa tin.

Cameraman và kỹ sư trường quay Michael Noga đã chuyển đến từ vùng Donetsk ở miền đông Ukraine để hỗ trợ đưa tin về chiến sự cho kênh truyền hình có trụ sở tại Kiev. “Bạn nghe thấy âm thanh lớn từ bên ngoài trường quay và chúng tôi tiếp tục làm việc, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình truyền hình về tình hình thực tế, về cuộc chiến. Thật đáng sợ khi bạn nghe thấy tiếng bom nổ gần mình, nhưng bạn hiểu rằng bạn là nơi bạn thuộc về, không ai khác có thể làm điều này. Chúng tôi ở lại, chúng tôi đưa tin và chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn”, anh Noga nói.

Kristina Atovska là phóng viên của Free Press - Morning Briefing (Cộng hòa Bắc Macedonia). Cô tác nghiệp một mình. “Họ không cử người quay phim làm cùng tôi, vì vậy có lẽ đó là phần khó nhất của việc đưa tin về cuộc chiến. Tôi phải tự mình quay phim, chụp ảnh, viết tin bài... Nhưng tôi phải nói rằng tôi đã được đào tạo rất nhiều về tác nghiệp trên chiến trường. Tôi nghĩ tôi biết mình đang làm gì”, cô Atovska nói.

Đưa tin từ Ukraine: Dấn thân nơi máu lửa ảnh 2

Phóng viên CNN tác nghiệp trước một tòa nhà chung cư đổ nát ở Ukraine sau một trận không kích. Nguồn: CNN

Atovska cho biết, nữ phóng viên ở vùng chiến sự sẽ gặp một số khó khăn. “Tôi không thể đi trên ô tô với người mà tôi không biết; tôi không thể ở cùng với người mà tôi không biết”, cô nói. Theo Atovska, người Ukraine không quen với chiến tranh, và cuộc xung đột hiện nay đã khiến họ nghi ngờ những người bên ngoài. “Người dân địa phương không quen với xung đột; một số nhà báo đã đăng ảnh hoặc video mà không xin phép. Kể từ giây phút đó, tất cả các nhà báo ở đây đều cảm thấy bị đe dọa vì người dân địa phương không hài lòng lắm khi chúng tôi quay phim”, cô nói.

Atovska lưu ý rằng, hầu hết trường hợp xảy ra bên ngoài khu vực thủ đô. “Ở Kiev, họ nhận thức rõ hơn về sứ mệnh của chúng tôi ở đây. Họ chấp nhận chúng tôi nhiều hơn. Ngoài ra, tôi có thể nói rằng, quân đội hiểu hơn rất nhiều về sứ mệnh của chúng tôi”, cô kể.

Nhà báo Owen Holdaway nói rằng, như trong bất kỳ cuộc xung đột nào, các phóng viên phải hết sức cẩn trọng khi đến những khu vực nguy hiểm. Nhưng bất chấp rủi ro đến tính mạng của mình, ông vẫn quyết tâm tiếp tục đưa tin từ hiện trường. “Tôi nghĩ rằng, ở cấp độ tốt nhất, báo chí là bản thảo đầu tiên của lịch sử. Nếu bạn ở đó và nhìn thấy bản thảo đầu tiên của lịch sử thì thật tuyệt vời”, ông nói.

Ngày nay, ngoài tên bay đạn lạc, nhà báo ở vùng chiến sự còn phải đối mặt sự cạnh tranh của phương tiện truyền thông xã hội và đôi khi là thông tin sai lệch, tin giả. “Chúng ta sẽ không biết gì về dòng người Ukraine di cư, những gian khổ mà họ phải hứng chịu, nếu không có các nhà báo trên thực địa”, nữ phóng viên Mỹ Moni Basu nói với WPTV.

MỚI - NÓNG