Đưa thực tế ảo tái hiện Văn Miếu hàng trăm năm

Khuê Văn Các là một trong những hạng mục cần khảo sát để tu bổ Ảnh: TOAN TOAN
Khuê Văn Các là một trong những hạng mục cần khảo sát để tu bổ Ảnh: TOAN TOAN
TP - Ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một trong những nội dung nổi bật của Nhiệm vụ Quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám trao đổi với Tiền Phong rõ hơn xung quanh diện mạo di tích này trong tương lai.

Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. So với những nội dung bàn thảo trước đó, nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt có gì mới?
Nhiệm vụ Quy hoạch lần này đưa thêm vào nội dung quản lý quy hoạch xây dựng các khu phố xung quanh Văn Miếu. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xác định ranh giới bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích. Các tuyến phố xung quanh khi xây dựng nhà cần giới hạn độ cao chặt chẽ hơn, nếu không đến một thời điểm nào đó Văn Miếu lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng. Hiện nay các khu phố xung quanh đang là khu vực bảo vệ 2, nên việc xây dựng được quản lý tương đối chặt, sắp tới được đề xuất chặt chẽ hơn.

Đưa thực tế ảo tái hiện Văn Miếu hàng trăm năm ảnh 1 Văn Miếu, một trong những điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế nhất của Hà Nội 
Ảnh: TOAN TOAN
Nhiều chuyên gia chỉ ra phương án đưa các khu phố xung quanh gắn với sự phát triển của Văn Miếu, vậy điều này có đặt ra trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch sắp tới? Nếu được như vậy sẽ là điều lí tưởng, các khu phố xung quanh trở thành vùng bảo vệ di tích là tốt nhất. Muốn như vậy hoạt động của di tích phải gắn với cuộc sống cộng đồng cư dân quanh đây, chẳng hạn biến phố Văn Miếu- Quốc Tử Giám thành phố đi bộ, dịch vụ kinh doanh gắn liền di tích. Chúng tôi đưa vào nghiên cứu, tuy nhiên cái khó nhất là điều tiết giao thông, nếu biến khu phố này thành không gian đi bộ thì phải điều tiết rất nhiều khu phố xung quanh. Nhiệm vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng các hạng mục di tích sẽ được thực hiện thế nào thưa ông? Được biết nhiều hạng mục quan trọng như Khuê Văn Các, điện Đại Thành xuống cấp, chưa kể giếng Thiên Quang mới được tu bổ cấp thiết năm vừa rồi? Điện Đại Thành, Khuê Văn Các đã xuống cấp. Năm 2013 Trung tâm chuẩn bị xong thủ tục xin tu bổ Khuê Văn Các nhưng do vướng mắc tài chính nên phải dừng lại. Từ đó đến nay biểu tượng của thủ đô ngày càng xuống cấp, cần thiết tu bổ sớm. Chính vì vậy trong việc lập quy hoạch tới đây rất cần khảo sát, đánh giá để tu bổ hạng mục quan trọng như Khuê Văn Các, điện Đại Thành. Điện Đại Thành được tu bổ cấp thiết năm 2014, nhưng nhiều cột gỗ bị hỏng đang phải chống đỡ bằng cột sắt, nhà Bái Đường cũng có dấu hiệu xuống cấp.  Không thể chờ xong lập quy hoạch mới nghĩ tới tu bổ. Trung tâm đồng thời chuẩn bị văn bản xin chủ trương tu bổ hai hạng mục đó, trước mắt sẽ tiến hành đánh giá khảo sát. Với trách nhiệm quản lý, Trung tâm chủ động báo cáo đánh giá đúng thực tế, tham mưu Sở trình UBND thành phố đưa ra phương án tối ưu. Tôi nghĩ rằng phải vượt qua rào cản về tâm lý khi tu bổ Khuê Văn Các-biểu tượng của thủ đô. Chúng ta chăm chút, sửa sang cho biểu tượng ấy là điều nên làm và tốt hơn là để xuống cấp tới mức không đừng được mới sửa chữa.  Một vài năm gần đây Văn Miếu thêm nhiều hoạt động sinh sắc hơn, tuy nhiên để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như Chính phủ kỳ vọng còn cần những gì? Đó là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của quy hoạch cả ngắn hạn cũng như dài lâu. Cụ thể, chúng ta cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ để truyền tải giá trị Văn Miếu- Quốc Tử Giám, trong đó có sử dụng thực tế ảo tái hiện sinh hoạt và giá trị của Văn Miếu mà hiện nay bằng mắt thường chưa thể nhìn thấy. Hệ thống thuyết minh tự động đang phát huy tốt, thực tế ảo sắp tới là hướng đi đúng và cần thiết phục vụ nhu cầu khách tham quan.  Văn Miếu hiện có nhiều ấn phẩm công phu, tuy nhiên lại thiếu xuất bản phẩm bỏ túi, cụ thể về từng hạng mục riêng, các danh nhân gắn với di tích như thầy Chu Văn An, ba vị vua có công sáng lập và xây dựng Văn Miếu, các vị Tế tửu, Tư nghiệp, các trạng nguyên lưu danh sử sách. Lịch sử văn hóa dân tộc xét cho cùng gắn với những mảnh ghép từ con người phản ánh các giai đoạn lịch sử, thể hiện khát vọng dân tộc. Vì vậy một trong những mục tiêu hàng đầu là đưa Văn Miếu trở thành trung tâm tôn vinh giá trị văn hóa giáo dục, tôn vinh danh nhân đất nước. Hoạt động gần đây ở Văn Miếu khá phù hợp, tuy nhiên với mục tiêu đặt ra trong tương lai Trung tâm chọn lọc những hoạt động ra sao để phù hợp, tôn vinh giá trị di tích hơn nữa? Một số hoạt động gần đây ở Văn Miếu mới mang tính chất thu hút người dân, khách tham quan tới di tích. Tôi nghĩ cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn hoạt động trong tương lai, giúp chuyển tải những giá trị nghe rất trừu tượng như hiếu học, tôn trọng nhân tài. Muốn chuyển tải giá trị đó sang các hoạt động vừa phải đảm bảo tính lịch sử, khoa học nhưng vẫn phải hấp dẫn, có nghệ thuật thu hút du khách..  Vừa qua Văn Miếu cải tiến một số mặt hàng lưu niệm gắn với di tích hơn, nâng cao thẩm mỹ. Chúng tôi mong muốn tiến tới không gian giới thiệu sản phẩm đặc trưng gắn với di tích, sản phẩm đó là vật phẩm có công năng sử dụng nhưng phải phản ánh câu chuyện của Văn Miếu. Muốn làm điều này cần sự gắn bó mật thiết giữa nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp, đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa cao. Cảm ơn ông!

Văn Miếu hiện có nhiều ấn phẩm công phu, tuy nhiên lại thiếu xuất bản phẩm bỏ túi, cụ thể về từng hạng mục riêng, các danh nhân gắn với di tích như thầy Chu Văn An, ba vị vua có công sáng lập và xây dựng Văn Miếu, các vị Tế tửu, Tư nghiệp, các trạng nguyên lưu danh sử sách. Lịch sử văn hóa dân tộc xét cho cùng gắn với những mảnh ghép từ con người phản ánh các giai đoạn lịch sử, thể hiện khát vọng dân tộc. Vì vậy một trong những mục tiêu hàng đầu là đưa Văn Miếu trở thành trung tâm tôn vinh giá trị văn hóa giáo dục, tôn vinh danh nhân đất nước.

Không nên xây dựng công trình mới 
Trước đây nhiều chuyên gia đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng, bãi giữ xe ngầm ngay bên dưới vườn Giám. Tuy nhiên trong quá trình lấy ý kiến các sở ban ngành, Bộ Xây dựng khuyến cáo nên giữ tối đa cây xanh, không nên xây dựng công trình mới trong nội tự Văn Miếu-Quốc Tử Giám. 
Tại nội dung “định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, công trình xây dựng mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật” trong Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 19/4, Chính phủ cũng lưu ý một số liên quan tới kiểm soát độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề xuất giải pháp kết nối không gian giữa các khu nội tự, vườn Giám và hồ Văn, cũng như kết nối với các di tích lân cận.
Chính phủ giao UBND TP Hà Nội là cơ quan quản lý lập quy hoạch, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm cơ quan chủ đầu tư. Thời gian lập quy hoạch không quá 18 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt.

MỚI - NÓNG