Đưa thiết kế đồ họa ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Tôi biết bên ngoài kia họ thích nhìn ngắm cái gì, xem trọng cái gì. Có những tác phẩm ở trong nước được đánh giá rất cao, nhưng gửi đi thi thì trật lất. Bởi không biết thị hiếu, tiêu chí của cuộc thi. Gắn bó với sinh viên, tôi thấy rõ các bạn hoàn toàn có thể ghi tên mình trên những giải thưởng quốc tế danh giá…”, nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Tri Phương Đông khẳng định.

Ông đã làm chiếc cầu nối và dìu dắt hàng chục sinh viên Việt Nam liên tiếp giật giải thưởng quốc tế về thiết kế đồ họa. Có trường, một cuộc thi giành tới 20 giải.

“Câu cá” trên biển lớn

Phải hẹn mãi, NTK Nguyễn Tri Phương Đông mới sắp xếp được thời gian trò chuyện bởi những ngày này ông vừa lên lớp vừa dạy trực tuyến cho rất nhiều trường. Ông kể ngày trước, ông là sinh viên ngành kiến trúc, ra trường một năm thì nhận học bổng sang Đức học. Năm 1993 về nước, ông làm thiết kế quảng cáo, thiết kế cho các tờ báo lớn… Năm 2006, ông sang Mỹ làm việc và bắt đầu dạy trực tuyến về thiết kế đồ họa cho sinh viên Việt Nam. Những năm gần đây ông hay về nước và lên lớp tại một số trường. NTK Phương Đông cũng là người Việt đầu tiên đoạt giải American Graphic Design Awards cùng các giải thưởng danh giá khác như International Design Award….

Tác phẩm thiết kế logo nước hoa "Ơ bai" đã mang về cho Nguyễn Khánh Hiền (SV ngành Thiết kế đồ họa, ĐH Duy Tân) chiếc Cup danh giá thuộc hạng mục Student Work của Giải thưởng "American Graphic Design" năm 2021. “Ơ bai” là tiếng Êđê, có nghĩa “không chịu đâu”. Việc đưa tính đặc trưng, văn hóa, bản sắc dân tộc vào một cuộc thi quốc tế đã gây tò mò, cuốn hút với những người cầm cân nảy mực. “Giải thưởng này là niềm tự hào lớn lao đối với em. Em đã khám phá được năng lực bản thân, từ đó có thêm động lực để tham dự những giải thưởng khác, cũng như phấn đấu trở thành một nhà thiết kế đồ họa giỏi”, Hiền bộc bạch.

Có kinh nghiệm và thành tích, nên khi đồng hành với sinh viên, ông phát hiện ra nhiều em rất có tố chất, khả năng để tham dự các cuộc thi tầm cỡ. “Vậy là tôi bắt đầu tìm kiếm, lọc ra những giải thưởng quốc tế nằm trong top 20 để các em tham dự. Khi đặt vấn đề, không chỉ sinh viên mà thầy cô giáo cũng rụt rè, tự ti, sợ không đủ khả năng. Tôi vừa thuyết phục, vừa hướng dẫn cho các em từng tí, từ khâu đăng ký cho tới khi hoàn thiện bài thi”, ông nói và nhớ lại năm 2016, khi dạy thiết kế logo cho trường ĐH Văn Lang, ông đã lựa ra những bài thi đạt điểm cao rồi hướng dẫn cho các em tham gia cuộc thi Internatinal Design Awards. Kết quả có 2 em đoạt giải.

“Tôi thấy các bạn sinh viên rất có ý chí, chịu khó, chịu tiếp thu. Chỉ tiếc là chưa có đường hướng để có thể đi đúng, đi xa, gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa. Tôi luôn cố gắng đồng hành với các bạn, suốt 3 năm qua, năm nào cũng có bài của sinh viên mình tham dự các cuộc thi quốc tế. Hiện giờ, tôi đang hướng dẫn tốt nghiệp cho 12 sinh viên, dạy nhiều lớp và chuẩn bị cho 5 sinh viên dự thi thiết kế logo quốc tế vào tháng 6”.

NTK Nguyễn Tri Phương Đông

NTK Phương Đông chia sẻ thêm, có nhiều tác phẩm khi ở trong nước được đánh giá rất cao, nghĩ như vậy đã toàn vẹn lắm rồi, nhưng nó chỉ đáp ứng được thị hiếu quê nhà, còn khi bước ra biển lớn, người ta không hề chú ý. Đó là sự khác biệt về thị hiếu, mỹ cảm, vấn đề mà lâu nay nhà trường và sinh viên ít chú trọng. Ông dẫn chứng tác phẩm logo thương hiệu nước hoa Ze Perfume của sinh viên trường ĐH Duy Tân đoạt giải Bạc, cuộc thi New Talent Awards 2023 (Mỹ). Đây là logo được vẽ bằng một nét, ở Việt Nam cách thể hiện này được cho là đơn điệu, không được ưa chuộng thì phương Tây lại đánh giá rất cao.

Đưa thiết kế đồ họa ra thế giới ảnh 1

NTK Nguyễn Tri Phương Đông (giữa) cùng nhóm sinh viên ĐH Duy Tân trong ngày triển lãm các logo giật giải quốc tế Ảnh: NVCC

“Thêm một yếu tố để ghi điểm ở các giải quốc tế nữa, đó là tính bản sắc. Mỗi tác phẩm tham dự đều phải có tính bản sắc riêng của dân tộc. Năm 2018, nữ sinh Đặng Thị Bích Ngọc của ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã giật giải American Graphic Design Award với bộ poster quảng bá tuồng San Hậu bằng nghệ thuật trúc chỉ. Tính dân tộc, truyền thống, văn hóa… vừa gây tò mò, vừa tạo ấn tượng rất mạnh với ban giám khảo”, ông phân tích.

Đưa thiết kế đồ họa ra thế giới ảnh 2

Logo Mai Music Studio của nữ sinh Huỳnh Thanh Mai (ĐH Duy Tân) giật giải The International Design Awards và Graphis New Talent Awards Ảnh: NVCC

Kể say sưa về những lứa học trò được mình nối cầu ra biển lớn, nhưng NTK Phương Đông chẳng thể nhớ hết bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu giải thưởng mà ông đã đồng hành để các bạn có được. Đầu năm nay, 11 sinh viên của trường ĐH Duy Tân đã đoạt tới 20 giải thưởng thiết kế đồ họa quốc tế. Trong đó 9 giải Graphis New Talent Awards, 2 giải American Graphic Design Awards, 6 giải The International Design Awards, 3 giải London International Creative Competition. Nhiều logo gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế, điển hình như logo Mai Music Studio, Sayme Perfume đoạt giải Vàng.

Những profile hoành tráng

Vẫn vẹn nguyên cảm xúc, Nguyễn Lê Khánh Châu (ĐH Duy Tân) vui mừng khôn xiết khi logo của mình đoạt giải Vàng ở Graphis New Talent Awards. Châu kể hè năm trước, thầy Phương Đông còn ở Mỹ, dạy lớp Châu học môn thiết kế logo trực tuyến. Khi nộp bài thi, thấy bài của Châu có tố chất nên thầy hướng cho cô tham dự cuộc thi. “Lúc đó logo của em còn sơ sài lắm, em chẳng có chút tự tin nào cả, huống hồ là gửi đi thi quốc tế. Nhưng thầy động viên, tận tình chỉ bảo chỗ nào nên phát huy, chỗ nào cần sửa chữa cho đến khi hoàn thiện logo Sayme Perfume cho nước hoa. Em và thầy đều làm việc online, chưa gặp thầy bao giờ nhưng em cảm nhận thầy rất chăm chút, nhiệt tình. Nhờ thầy mà em thấy mình vượt qua giới hạn bản thân, có thêm động lực để thử sức ở những cuộc thi khác”, Châu tâm tình.

Đưa thiết kế đồ họa ra thế giới ảnh 3

“Người thầy trên mạng” cũng nhìn ra hạn chế tồn tại trong những trường đào tạo thiết kế đồ họa. Đó là quá chú trọng kỹ năng, kỹ thuật mà coi nhẹ sự sáng tạo. Trong khi nghề thiết kế ngày càng “hot”, đòi hỏi sự sáng tạo, hơn thua nhau cũng ở ý tưởng sáng tạo. Ông trải lòng, bản thân sống và làm việc ở nước ngoài, có cơ hội tiếp cận, cọ xát, giao lưu rộng rãi, biết người ta công nhận cái hay, cái đẹp dựa trên cơ sở nào, nên rất muốn sinh viên Việt mở mang tầm mắt. “Không tiếp xúc với bên ngoài thì không thể nào biết mình hay hay dở, làm sao biết mình đang ở vị trí nào. Một thời đại mà mọi thứ đều mở ra, thì chẳng lý gì sinh viên chỉ quẩn quanh trong những cuộc thi cấp trường, vùng miền, quốc gia cả. Phải cọ xát, thử sức trên biển lớn”, ông quan niệm.

Trong rất nhiều tác phẩm được NTK Phương Đông chắp cánh, không ít tác phẩm đã được các doanh nghiệp mua bản quyền. Như logo nước mắm Lagi, logo tương ớt của sinh viên trường ĐH Văn Lang… Giật giải lớn, nghĩa là các em viết thêm những thành tích rất khủng trong “profile” của mình. Có nữ sinh giành tới 3 giải thưởng quốc tế (Nguyễn Khánh Hiền, K25 Đồ họa, ĐH Duy Tân), thì chuyện xin học bổng, hay xin việc về sau sẽ vô cùng thuận lợi. “Đó là điều tôi rất muốn các bạn sinh viên có được. Các bạn phải tự tin rằng bản thân đã chinh chiến và đánh bại nhiều đối thủ nặng ký ngoài biên giới, gặt hái được những thành tích lớn lao. Trước hết làm đẹp profile của mình, sau là đặt thêm một dấu chân tự hào, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ giải thưởng quốc tế”, NTK Phương Đông tâm huyết.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.