Đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục

Đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục
TPO - Sáng 22/12, tại trường Đại học Thủy lợi, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của Học sinh sinh viên (HSSV) năm 2020. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra cho tất cả các quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 (gọi tắt là CM4.0) và công nghệ số. Nếu không tích cực đổi mới sáng tạo, lực lượng lao động của sẽ gặp nhiều khó khăn và rất dễ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Mặt khác, việc gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các công ty, các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội nhằm tăng tính thực hành và trải nghiệm thực tiễn cho HSSV, kết nối nguồn lực, đổi mới sáng tạo giúp HSSV khởi nghiệp là trách nhiệm rất lớn của các trường ĐH,CĐ, các trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Từ thực tiễn đó, Thủ thướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Năm 2018, sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi lần đầu, đã có hơn 200 ý tưởng, dự án của HSSV tham dự. Năm 2019, cuộc thi thu hút gần 400 ý tưởng, dự án. Đặc biệt, năm 2020, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã có hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ đăng ký tham gia.

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Khởi nghiệp quôc gia của HSSV 2020, bên cạnh không gian trưng bày giới thiệu các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào vòng chung kết, chương trình còn lồng ghép nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích, thiết thực đối với hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ, như: Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV”, Hội thảo “Giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của giảng viên trẻ và sinh viên”, Hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường THPT, THCS: Kinh nghiệm và giải pháp”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ câu chuyện đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 đến này để cho thấy vai trò quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo trong HSSV đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Theo Phó thủ tướng, nước ta bắt đầu đổi mới từ năm 1986, nhưng phải mất đến 5 năm sau, mới đi vào thực tiễn. Đến nay đã 30 năm, Việt Nam đã có bước tiến rất dài. Quãng thời gian đó, vốn rất khó khăn, nhưng Việt Nam duy trì sự tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 trên thế giới trong tổng số 200 quốc gia. 

“Nhìn như thế rất vui, rất mừng. Nhưng cũng rất lo vì cả thế giới đều quyết tâm. Lơi lỏng, bước sai một chút là có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Nhất là khi cuộc CM 4.0 đang đến. Dù phát triển nhanh như vậy, trình độ phát triển nói chung trong đó kinh tế vẫn còn thua các nước rất nhiều”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định một trong những chỉ số khi nói về phát triển kinh tế của mỗi quốc gia là thu nhập bình quân đầu người (GDP). Những năm trước đây, Việt Nam liên tục nằm trong khoảng 130 trên thế giới. Năm nay, GDP của Việt Nam ở khoảng 100 trên thế giới.

“Chạy nhanh thứ 2 về tốc độ nhưng vẫn chỉ đứng ở giữa so với các nước về kinh tế”, Phó thủ tướng cho hay.

Theo Phó thủ tướng, đánh giá trình độ phát triển của đất nước gồm rất nhiều chỉ số trong đó có phát triển bền vững. Thu nhập theo đầu người vẫn là quan trọng nhất.

“Cách đây 5 năm, tôi có làm một cái báo cáo đánh giá chung để làm thế nào Việt Nam thoát khỏi bẫy trung bình đến năm 2035. Muốn thế, mỗi năm GDP phải tăng 7,5 % liên tục trong 20 năm. Trong khi 20 trước đó, tăng trưởng chỉ trung bình chưa được 7%. Câu hỏi đặt ra: có nên hướng theo mục tiêu nhất định phải tăng thu nhập bình quân đầu người, có nhất thiết phải giàu không? Cá nhân tôi không bao giờ muốn Việt Nam tiếp tục nghèo. Nhưng tôi cũng không mong muốn một xã hội thu nhập cao nhưng không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn. Do đó Đảng nhà nước đặt ra mục tiêu phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Ông cũng cho rằng hai mục tiêu tăng GDP và phát triển bền vững không mâu thuẫn và hoàn toàn có thể làm được. Vì tiềm lực của đất nước vẫn còn lớn. Điều quan trọng là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như ngày hôm nay có nhiều cách làm hay, mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận mới, thị trường mới. Nếu thành công, sẽ không còn chỉ đo bằng một vài chục phần trăm tăng trưởng như bình thường. Trong cuộc đua này những nước phát triển có lợi thế hơn. Nhưng đất nước nào, cộng đồng nào luôn tìm tòi, sáng tạo để hướng tới thì có nhiều cơ hội thành công hơn.

Chính vì vậy, Phó thủ tướng cho rằng Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp của chính phủ nhằm khơi dậy tiềm năng của đất nước để tìm ra những hướng đi mới có thể bứt phát nhanh.

“Chúng ta có thể làm được nhưng không hề dễ nếu không nói là cực kỳ khó”, Phó thủ tướng lưu ý.

Theo ông, nhà nước tiếp tục đổi mới để cải thiện môi trường kinh doanh đến khi nào môi trường kinh doanh của Việt Nam lọt được vào top 3 của ASEAN, và 30 trên thế giới thì lúc đó có thể nói hài lòng.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa giáo dục đào tạo. Tất cả các quốc gia trực tiếp đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu tôn trọng nguồn nhân lực của Việt Nam. Xếp hạng trên thế giới, tất cả các chỉ số từ chính phủ điện tử đến môi trường kinh doanh, xếp hạng các trường ĐH, Việt Nam chỉ đứng khoảng 70-80. Tuy nhiên, có 3 chỉ số Việt Nam đứng dưới 50: chỉ số đo về giáo dục phổ thông dưới 40. Các khảo sát, đánh giá của tổ chức quốc tế về năng lực của học sinh Việt Nam tiệm cận với các nước OECD;

Chỉ số thứ 2: đổi mới sáng tạo của Việt Nam 42 trên thế giới; tứ 3 là chỉ số phát triển bền vững thì đứng 49.

Do đó, cần đẩy mạnh tiếp tục đổi mới giáo dục. Phải đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục phổ thông và trực tiếp nhất là ĐH. Cách đây 5 năm, 100 bài báo quốc tế có 85 bài báo đến từ các viện nghiên cứu bây giờ tỷ lệ này đã đảo ngược lại. “Chúng ta rất vui khi các trường ĐH bắt đầu chú trọng đến nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng mong rằng, sinh viên giữ vững niềm tin có thể làm được những điều mà bản thân và bạn bè tưởng rằng không làm được.

MỚI - NÓNG