Đua nhau làm cổng chào: 'Con gà tức nhau tiếng gáy'

Đua nhau làm cổng chào: 'Con gà tức nhau tiếng gáy'
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Trung Hai, Phó trưởng Ban VHXH - HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, đây là thực trạng đáng buồn thể hiện kiểu đầu tư theo phong trào mà không quan tâm đến hiệu quả.

> 5 cổng chào tiền tỷ trên 21 km đường
> Lời chào bạc tỷ

dgfdh
Ông Đỗ Trung Hai

Ông Hai cho biết: Không chỉ có Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ xây cổng chào mà cả Thanh Oai, Quốc Oai, Ứng Hòa và nhiều huyện ngoại thành đều xây cổng chào. Nhiều tuyến đường bố trí cổng chào dày đặc, có nơi cổng chào chỉ cách nhau vài cây số. Hàng loạt cổng chào đã được xây dựng tập trung vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông nhận xét gì khi lãnh đạo một số huyện cho rằng xây cổng chào để “đánh dấu về địa giới hành chính”?

Nếu các huyện giải thích xây là để đánh dấu mốc địa giới hành chính thì có cần phải làm to như thế không? Chỉ cần làm một tấm biển nhỏ vừa đủ nhìn ghi rõ tên địa phương là đủ. Tôi biết, khi đó xây dựng nhiều cổng chào vì đã có nguồn kinh phí thực hiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chỉnh trang đô thị.

Thành phố không chỉ đạo phải xây cổng chào nhưng các huyện đã có sự “sáng tạo” nào đấy. Các dự án này thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện. Rõ ràng ở đây có tính chất phong trào khi xây các cổng chào, huyện này mà không xây lại sợ kém huyện kia. Khi đầu tư người ta đã không tính toán liệu sau này có mang lại hiệu quả hay không.

Đề nghị ông cho biết kết quả giám sát của HĐND thành phố về đầu tư, khai thác các công trình văn hoá, thể thao vừa qua?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Văn Hải khẳng định, thành phố không có quy hoạch về cổng chào. Việc xây dựng vừa qua do các huyện tự quyết. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội thừa nhận đúng là nhiều huyện đã “vội vàng”, thiếu tính toán khi xây cổng chào hàng loạt.

Nhiều nơi trong nội thành thiếu nhà văn hóa, địa điểm vui chơi. Trong khi đó tại nhiều huyện ngoại thành đầu tư xây các công trình rất lớn nhưng lại không có cơ chế khai thác hiệu quả dẫn đến lãng phí. Để xảy ra thực trạng này có trách nhiệm của ngành văn hoá đã thiếu định hướng khi triển khai các công trình này.

Không thể tiếp tục tình trạng công trình xây xong lại nằm chờ cơ chế khai thác, vận hành. Khi HĐND thành phố giám sát về vấn đề này, Sở VHTT&DL đã nhận rõ trách nhiệm trong chậm triển khai các quy định về khai thác các thiết chế văn hoá đã xây dựng.

Trên cơ sở kết quả giám sát vừa qua, chắc chắn ngay trong kỳ họp HĐND thành phố sắp tới vấn đề này sẽ được đưa ra để chất vấn các cơ quan chức năng của thành phố.

Minh Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG