16 phường cùng rà soát
Tại quận 8, từ sáng sớm, lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân phòng của 16 phường đã rà soát, kiểm tra người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Phường 12, quận 8 là một trong những “điểm nóng” về ma túy, đích thân ông Lý Thanh Hòa, Chủ tịch UBND phường có mặt tại trụ sở công an phường chỉ đạo đoàn liên ngành chuẩn bị ra quân. Lực lượng liên ngành gồm 50 người tỏa đi các tuyến đường Nguyễn Duy, Cao Xuân Dục, Phong Phú… kiểm tra.
Tại các hẻm, một số đối tượng thấy lực lượng chức năng đã bỏ lại xe gắn máy, tẩu thoát. 6 giờ sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ kiểm tra đối với 13 trường hợp tại phường có biểu hiện nghiện ma túy; thu một số chất bột màu trắng nghi là heroin và một số dụng cụ để sử dụng chất ma túy.Tại trụ sở công an phường, những người nghi bị nghiện được kiểm tra, phân loại để xử lý đồng thời lập biên bản xét nghiệm chất ma túy.
Tương tự, ở phường 8, quận 8, lực lượng phối hợp của công an, phường đội, bảo vệ dân phố… cũng đồng loạt ra quân, kiểm tra, lập hồ sơ 4 đối tượng có biểu hiện nghiện ma túy. Qua phân loại, được biết, có 2/4 trường hợp có hộ khẩu tại quận 8 được chuyển cho địa phương để giáo dục tại phường; Trần Thanh Tú (sinh năm 1978, ngụ quận 10) và Võ Minh Hiền (sinh năm 1968, ngụ tỉnh Long An) được lập hồ sơ, tiếp tục xác minh.
Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng Công an phường 8 cho biết: Những người có hộ khẩu ở quận 8, công an phường sẽ xác minh nhanh bằng điện thoại; Người có hộ khẩu ở quận, huyện khác trên địa bàn TPHCM, công an phường sẽ cử cán bộ trực tiếp tới địa bàn cư trú mà đối tượng khai để xác minh; Với đối tượng ngụ ở tỉnh, thành khác, công an phường chuyển lên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để xác minh làm rõ.
Tại quận 1, quận 5, Thủ Đức, huyện Bình Chánh…, các lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố, cán bộ văn hóa, các tổ chức đoàn thể… đã tổ chức xử lý người lang thang, người không có nơi cư trú ổn định có dấu hiệu nghiện ma túy từ đường phố vào đến khu dân cư, các khách sạn, nhà trọ… hàng trăm trường hợp nghiện ma túy đã được lập biên bản và đưa vào các Trung tâm cai nghiện.
Trung tâm cai nghiện bận rộn
Tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, quận Bình Thạnh, TPHCM, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất đang hoàn thành. Cán bộ nhân viên tấp nập với công việc tiếp nhận người nghiện từ khoảng 10 giờ trưa ngày 5/12. Theo ghi nhận của phóng viên, đến 17 giờ chiều cùng ngày, trung tâm đã tiếp nhận gần 70 người từ các quận huyện đưa đến và công an các khu vực vẫn tiếp tục đưa nhiều người nghiện đến.
Theo ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Trung tâm, hiện cơ sở vật chất đã sẵn sàng, từ sáng 5/12, các bác sĩ thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần đã có mặt tại cơ sở để chuẩn bị công tác hỗ trợ cắt cơn, giải độc cho người nghiện.
Ông Hoàng cho biết, hiện 90 cán bộ của cơ sở đã sẵn sàng thay nhau túc trực tiếp nhận người nghiện 24/24.
“Cơ sở có khu cắt cơn giải độc cho 50 học viên (trong một lần), khu quản lý có 24 phòng với sức chứa trên 300 học viên cai nghiện. Cơ sở vật chất cũng được sửa chữa cải thiện với 3 phòng dành cho tòa án xét xử, hiện đang đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy siêu âm…”, ông Hoàng nói.
Về quy trình đưa người nghiện đi cai, ông Võ Văn Phúc, Phó Trưởng phòng hồ sơ học viên Trung tâm Bình Triệu cho biết, bước đầu lực lượng công an thấy ai nghi vấn sử dụng ma túy sẽ đưa về công an phường làm thủ tục xét nghiệm, nếu dương tính với ma túy thì chủ tịch UBND cấp phường, xã sẽ ra quyết định đưa người nghiện đến các trung tâm.
Khi người nghiện được đưa đến trung tâm cai nghiện sẽ làm thủ tục hồ sơ, sau đó chuyển qua bộ phận y tế, cắt cơn giải độc, ổn định tâm sinh lý và giải đáp thắc mắc. Sau đó sẽ được chuyển đến các khu vực khác tùy từng người, từng tình trạng nghiện khác nhau.
Ông Phúc cho biết, quy trình và thời gian đưa người nghiện đi cai là: Sau khi lực lượng công an đưa người nghiện về phường sẽ đưa đến trung tâm cai nghiện trong vòng 24 giờ. Sau đó, công an sẽ có 5 ngày để xác minh danh tính, nơi ở của người nghiện.
Nếu người nghiện ở trên địa bàn thành phố thì sẽ bàn giao về địa phương nơi người nghiện thường ở, củng cố hồ sơ gửi lên Phòng Tư pháp quận huyện. (Nếu người nghiện ở các tỉnh ngoài địa bàn thành phố sẽ đưa về tỉnh).
Tiếp đó Phòng Tư pháp sẽ có hai ngày để củng cố hồ sơ chuyển qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Nơi đây sẽ có hai ngày củng cố hồ sơ chuyển qua tòa án. Cuối cùng, khi tòa án quyết định, người nghiện đi cai ở đâu sẽ do thành phố lo liệu.
Theo quan sát của PV, tại Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân - huyện Hóc Môn - nơi được giao nhiệm vụ cắt cơn, giải độc tạm thời, tư vấn tâm lý cho các đối tượng có dấu hiệu nghiện ma túy liên tục có xe đưa người nghiện vào trung tâm.
Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, tính đến cuối ngày 5/12, Trung tâm Giáo dục Dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân đã tiếp nhận khoảng 300 người nghiện đến từ các quận huyện trên địa bàn thành phố. Hiện Trung tâm đang thực hiện các giải pháp cắt cơn, giải độc và phân loại người nghiện.
Sau khi thử nhanh phát hiện người nào sử dụng ma túy, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ đưa vào Trung tâm để cắt cơn, giải độc tạm thời, tư vấn tâm lý...
Trong thời gian này, cơ quan công an, Viện KSND... sẽ thẩm tra hồ sơ chuyển qua TAND xem xét. Kể từ ngày người nghiện được đưa đi cắt cơn, trong 10 - 15 ngày, TAND phải ra phán quyết đưa đi cai nghiện bắt buộc hoặc tòa tuyên không đủ cơ sở đưa đi cai nghiện bắt buộc thì phải đưa người nghiện ra khỏi trung tâm.