Đưa đô thị về nông thôn

Đưa đô thị về nông thôn
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị hiện không hợp lý. Để giảm tải cho các thành phố lớn thì phải đưa đô thị, công nghiệp về nông thôn.

Thay đổi chiến lược phát triển

Mục tiêu Đại hội XI đưa ra là đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vậy làm sao chuyển dịch được số lao động nông thôn hiện nay?

Theo kết quả tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2010 của Công an Hà Nội, toàn thành phố có 1.702.552 hộ, 6.913.161 nhân khẩu. Mật độ dân số bình quân của Hà Nội là 2.069 người/km2; trong đó đơn vị có mật độ dân số cao nhất là quận Đống Đa (38.071 người/km2) gấp 60 lần so với huyện Ba Vì (634 người/km2). Do quy định mở của Luật Cư trú nên tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh, số dân nhập cư vào khu vực nội thành ngày càng gia tăng với tỷ suất nhập cư là 65,3% trong giai đoạn 5 năm 2005-2009.

Hiện 50% số lao động của cả nước đang ở nông thôn. Thời gian làm việc của lực lượng lớn lao động này chỉ đạt 80%, năng suất lao động thấp. Việc thu hút số lao động này ra ngoài nông thôn là yêu cầu tất yếu.

Công nghiệp hiện nay là hiện đại, tự động hóa, không cần nhiều lao động. Thế nên, nếu chúng ta chỉ theo cách làm cũ, đưa lao động ra thành phố tự phát, phát triển công nghiệp ven đô thì không bao giờ xử lý được vấn đề lao động nông thôn.

Vậy theo ông phải giải quyết vấn đề lao động nông thôn như thế nào?

Muốn giải quyết triệt để, tận gốc lao động nông thôn thì phải xử lý ở chiến lược phát triển kinh tế nói chung. Rõ ràng, cần xem xét lại chiến lược công nghiệp hóa và phát triển đô thị vì trong chiến lược hiện nay có nhiều vấn đề không hợp lý.

Theo chúng tôi, phát triển đô thị phải làm ngược lại cách hiện nay, đó là, không đưa dân về đô thị mà đưa đô thị về nông thôn, xây dựng các đô thị vệ tinh vừa và nhỏ.

Từ đó, gắn nông thôn với đô thị ngay trên địa bàn nông thôn. Công nghiệp cũng phải làm như vậy, đưa về nông thôn. Địa bàn phát triển của những ngành công nghiệp sản xuất là nông thôn chứ không phải vùng ven đô như hiện nay. Các đô thị lớn phải phân cấp ra, chỉ làm những chức năng ưu tiên nhất, chất lượng cao nhất, giá trị gia tăng cao nhất, còn lại, những chức năng sản xuất và dịch vụ phổ biến phải đưa về nông thôn. Đấy chính là công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Ngoài ra, còn có yêu cầu nào nữa thưa ông?

Ngay cả thực hiện chiến lược theo hướng như vậy cũng không đủ để hút hết lao động nông thôn. Do vậy, phải mạnh dạn tính đến việc thay đổi chiến lược phát triển đất nước. Mô hình phát triển truyền thống trong mấy trăm năm qua là chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp. Phát triển công nghiệp một thời gian thì chuyển sang dịch vụ.

Chúng tôi thấy rằng, đã đến lúc phải chuyển thẳng lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, bỏ qua giai đoạn công nghiệp. Dịch vụ ở đây gồm nhiều lớp. Có loại dịch vụ cao cấp như chế tạo phần mềm, thiết kế; dịch vụ cấp trung sử dụng công nhân kỹ thuật, bác sỹ, giáo viên; dịch vụ cấp thấp như vận chuyển, giúp việc gia đình, bảo vệ... Khi đó, ngành kinh tế dịch vụ gồm phần trong nước và xuất khẩu. Muốn vậy, công tác đào tạo nghề phải hoàn toàn thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới. Chúng ta có thể làm được vì Việt Nam tạm thời còn có lao động trẻ trong khoảng 15 năm nữa.

Trong khi những nước trong khu vực lao động đã già, nhất là Trung Quốc và các nước Đông Á. Đây là cơ hội để phát triển trong thời điểm chúng ta thừa lao động nông thôn. Sau này, xã hội Việt Nam cũng già đi, lúc đó, phải nâng chất lượng lao động lên cao hơn. Trong tương lai, đòi hỏi một cuộc cải cách lớn về giáo dục.

TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT)
TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT).

Để lại cơ hội cho con cháu

Lần này chúng ta cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững, coi đây là yêu cầu xuyên suốt, theo ông yêu cầu này gồm những vấn đề gì?

Thứ nhất, bền vững là phát triển mà vượt qua được những cú sốc, biến động, rủi ro và trở lại được tốc độ phát triển ban đầu. Thứ hai, phát triển nhanh, hiệu quả nhưng phải để lại cơ hội cho con cháu sau này. Chú trọng vào hiện tại nhưng cần tính đến tương lai.

Hiện nay, trong phát triển kinh tế, chúng ta muốn tăng trưởng nhanh nên huy động tất cả những tài nguyên sẵn có như khoáng sản, nhiên liệu, rừng, thủy sản, nước ngầm... dùng hết, chưa tính đến tương lai. Như thế là không vững bền. Sản xuất nông nghiệp cũng dựa vào nhiều tài nguyên tự nhiên: Đất, nước, tài nguyên sinh học...

Vậy đâu là giới hạn để đảm bảo sự bền vững, thưa ông?

Muốn vững bền thì nguồn tài nguyên này phải được giữ ở thế cân bằng, làm sao phần lấy đi bằng hoặc ít hơn phần tái tạo lại. Đất khai thác không để sói mòn, nước không bị nhiễm bẩn... Trong quy hoạch cần xác định ranh giới, phạm vi không được đụng đến. Đó là tốc độ phát triển vừa phải để tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo được.

Về mặt xã hội, cũng có cột mốc quan trọng để đảm bảo những cân bằng căn bản giữa: cung- cầu; đô thị- nông thôn; đồng bằng- miền núi... Trong cơ chế thị trường có những nhóm lợi ích khác nhau. Mỗi hoạt động kinh tế, hoạt động phát triển xã hội sẽ đem lại lợi ích cho nhóm này, không đem lại lợi ích, thậm chí thiệt hại cho nhóm khác. Do vậy, phải có nghiên cứu ảnh hưởng của phát triển đến các nhóm lợi ích, và định ra được những cột mốc chúng ta không được phép đi qua hay giới hạn phải dừng lại. Như thế, phát triển mới đảm bảo tính hài hòa, công bằng. Nó ngăn chặn những mâu thuẫn tích tụ trong xã hội, ngăn chặn nguy cơ dẫn đến thiệt thòi của một hoặc vài nhóm xã hội trong quá trình cạnh tranh của cơ chế thị trường. Đây chính là yếu tố bền vững.

Cảm ơn ông.

Theo các chuyên gia kinh tế và quy hoạch, nước ta có rất nhiều lĩnh vực kinh tế gắn với các vùng miền, nhưng tổng hành dinh của Tập đoàn kinh tế thuộc lĩnh vực này lại nằm ở trung tâm Thủ đô, hoặc các thành phố lớn.

Tổng hành dinh ngành điện có trụ sở lớn ngay tại bờ hồ Hoàn Kiếm; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Thép, Tập đoàn Dầu khí, các Tổng Cty hóa chất, lương thực... đều “nêm chân” tại những vị trí rộng quá mức cần thiết ở Thủ đô.

Nếu hội sở chính của các ngành này được đặt ngay tại vùng đặc thù, khu vực có lĩnh vực kinh tế thuộc ngành quản lý nổi trội nhất sẽ góp phần phát triển nơi đó thành trung tâm kinh tế đặc thù.

Ví dụ, khi hội sở chính của Tập đoàn Than - Khoáng sản đặt ngay tại Quảng Ninh, để gắn liền với địa hạt khai thác than, vùng này sẽ có điều kiện phát triển; Ngành điện gắn với nhà máy, trung tâm điện lực nào đó, ví như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La; Tập đoàn Dầu khí cần gắn chặt với Dung Quất; Tổng Cty lương thực nên có trụ sở chính ở ĐBSCL thì những nơi này sẽ có điều kiện để phát triển trực tiếp ngành đặc thù tương thích.

PV

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG