BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2017, địa bàn tỉnh chỉ có 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tới nay đã có 16.000 người tham gia chính sách này. Bình quân hàng năm, BHXH tỉnh giải quyết cho hơn 1.200 người hưởng chế độ hưu trí; trong đó có hơn 100 người nhận lương hưu từ tham gia BHXH tự nguyện.
Có được kết quả đó, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng, để vận động người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện.
BHXH tỉnh Lâm Đồng gặp từng người lao động tự do vận động tham gia BHXH tự nguyện |
Nói về lợi ích nhờ có được cuốn sổ lương hưu, bà Hoàng Thị Hồng Nhung (phường 10, TP.Đà Lạt) cho biết, với người lao động tự do, BHXH và lương hưu có ý nghĩa rất lớn. “Khi mình già, không còn sức làm việc, vẫn có lương hưu để trang trải cuộc sống, giảm phụ thuộc con chúa. Chưa kể, tuổi càng già, bệnh tật càng nhiều, có thẻ BHYT lợi cho mình khi đi khám, chữa bệnh. Đối với những người không tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, thì hàng năm tiền lương cơ sở tăng thì tiền mua BHYT cũng sẽ tăng, nhưng mình có lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí nên không cần phải lo lắng”, bà Nhung nói.
Bà Nguyễn Thị Gấm, nhân viên thu BHYT, BHXH tại Phường 4, TP.Đà Lạt chia sẻ, sau nhiều hoạt động truyền thông liên tục và bền bỉ, nhiều người đã tìm tới cơ quan BHXH để chủ động hỏi về BHXH tự nguyện. Có những trường hợp, để được 1 người tham gia BHXH tự nguyện thì 4-5 người cùng tham gia vận động, nhấn mạnh vào ý nghĩa của BHXH tự nguyện, lương hưu, vai trò của BHYT với chăm sóc sức khoẻ; tham gia BHXH tự nguyện là tích luỹ cho mình từ lúc này, có nhiều đóng nhiều, ít đóng ít, để khi về già có lương hưu.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, để đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, công tác tuyên truyền đương tặng cường, nhưng linh hoạt, phú hợp từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp nhóm nhỏ, truyền thông 1-1 với người lao động tự do tại các khu dân cư; tăng cường truyền thông thông qua phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức vận động người dân tại các khu phố thông qua mô hình phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn…
“Về lâu dài, BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tham mưu đề xuất địa phương dùng ngân sách hỗ trợ thêm tiền đóng cho người tham gia, để người dân thấy thêm sự hỗ trợ từ nhà nước. Để người dân thấy, nhà nước không chỉ quan tâm tới chính sách BHYT còn cả BHXH tự nguyện”, ông Sơn nói thêm.
Trước đây, chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chính sách hưu trí, từ khi BHXH tự nguyện được triển khai áp dụng vào đời sống (năm 2008), thì người lao động tự do cũng có thể tự đóng cho mình để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Việc người lao động tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì khi về già quyền lợi được hưởng rất lớn. Không chỉ tiền lương hưu hàng tháng mà còn được chăm sóc sức khỏe trọn đời. Đây là bài toán lợi ích để người lao động không phải cân nhắc quá nhiều về việc tham gia BHXH tự nguyện, cũng như cân nhắc rút BHXH một lần.
Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mức lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng và thời gian đóng BHXH. Đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài, mức hưởng lương hưu của người lao động sẽ cao hơn.