Bà Trần Thị Hiên (53 tuổi, ở thôn Bưởi Rỏi) chia sẻ, qua giới thiệu, thông tin của lãnh đạo và các tuyên truyền viên BHXH huyện, tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện có lợi ích rất thiết thực khi nghỉ hưu. Lâu nay tôi nghĩ muốn có lương hưu phải đi làm nhà nước, nhưng nay không cần phải vậy, bất kể ai, dù làm nghề gì cũng có thể tham gia BHXH dưới nhiều hình thức, để sau này tới tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu, được cấp BHYT miễn phí, không phải dựa vào con cháu.
“Mức đóng, thời gian đóng và nơi đóng BHXH tự nguyện rất linh hoạt, tiện lợi, phù hợp với điều kiện thu nhập của bản thân và gia đình nên tôi đã quyết định tham gia. Ngoài phần tiền mình đóng còn được nhà nước hỗ trợ đóng thêm một phần”, bà Hiền nói. Với những lợi ích, thuận lợi đó, ngay tại hội nghị, bà Hiên đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện 5 năm liên tục với mức đóng lựa chọn là 330.000 đồng/tháng. Sau khi trừ đi số tiền được nhà nước hỗ trợ 33.000 đồng/tháng, bà Hiền chỉ phải thực đóng 297.000 đồng/tháng.
Còn ông Võ Hoài Bắc (54 tuổi, cùng thôn), sau khi được cán bộ BHXH huyện Quảng Trạch giải thích về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, ông đã đăng ký tham gia cho cả mình và vợ, với mức đóng 330.000 đồng/tháng. Theo ông Bắc, BHXH tự nguyện là chính sách phù hợp với người nông dân như ông. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài nghìn đồng là có thể tham gia, chuẩn bị cho mình một chỗ dựa kinh tế ổn định khi về già.
Khoản tiền tham gia BHXH tự nguyện cho 2 vợ chồng, ông Bắc đã dành dụm tiết kiệm từ nhiều năm nay, đồng thời cũng có sự hỗ trợ từ 2 người con lớn đã lập gia đình gửi về. Bên cạnh đó, ông Bắc cũng đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình cho cả nhà, ngoài 2 vợ chồng ông, còn 2 người con đang sống với bố mẹ. Nếu sau này 2 con không có việc làm ổn định, ông cũng vận động, hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.
Người dân hỏi, trao đổi thêm về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bên lề hội nghị với lãnh đạo BHXH huyện Quảng Trạch. |
Khác với mọi người, chị Tưởng Thị Hoa (31 tuổi) đã tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm. Tuy nhiên, hôm nay chị vẫn đến tham dự Hội nghị để cập nhật các thông tin mới về chính sách BHXH tự nguyện. Chị Hoa cho biết, gia đình có mở cửa hàng tạp hoá nhỏ tại nhà, dù doanh thu và lợi nhuận không quá cao, nhưng khi nghe cán bộ BHXH huyện giới thiệu, tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện như một giải pháp tích luỹ, chuẩn bị cho tuổi già, hai vợ chồng thấy rất cần thiết và quyết định tham gia.
Để tham gia BHXH tự nguyện, chị Hoa kể, 2 vợ chồng đều đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi ngày 5.000 đồng để đóng ở mức thấp nhất là gần 140.000 đồng/tháng. Số tiền này được chị bỏ đều đặn hàng ngày vào thùng tiết kiệm riêng để cuối tháng lấy ra đóng BHXH.
Quyết tâm đó càng lớn hơn khi từ đầu năm 2022, mức đóng BHXH tối thiểu tăng lên gần 300.000 đồng/tháng theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ nên số tiền vợ chồng chị Hoa phải tiết kiệm hằng ngày cũng tăng gấp đôi, lên 10.000 đồng người một ngày. “Tuy nhiên, cả tôi và chồng đều xác định sẽ kiên trì tham gia BHXH tự nguyện vì đã hiểu về lợi ích của chính sách này. Đóng ở mức cao hơn cũng giúp quyền lợi thụ hưởng lớn hơn”, chị Hoa chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết, là xã khó khăn nhất của huyện, trên 90% người dân của xã làm nông nghiệp. Nhiều người dân làm thuê mướn thu nhập bấp bênh, không ổn định nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn. UBND xã thường xuyên phối hợp với BHXH huyện và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT.
Đặc biệt, từ năm 2021, xã Quảng Hợp không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn nên người dân không còn được hỗ trợ tham gia BHYT miễn phí nữa, mức đóng BHXH tự nguyện cũng thay đổi theo chuẩn nghèo mới, việc tuyên truyền, vận động người dân càng phải đẩy mạnh. Nếu như năm 2020, toàn xã chỉ có 28 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2021 con số này đã tăng hơn 10 lần với 238 người, trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gia tăng.
Cán bộ BHXH huyện Quảng Trạch gặp từng người dân để giải đáp, thông tin về các quyền lợi của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. |
Ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch cho biết, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng tuần, BHXH huyện đều phối hợp với chính quyền xã, các hội - đoàn thể tổ chức từ 2 đến 3 hội nghị tuyên truyền trong các khu dân cư. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất do người dân được trao đổi, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc một cách trực tiếp, nhanh chóng; bên cạnh đó, người dân cũng được tạo điều kiện để tham gia, nhận sổ BHXH ngay tại Hội nghị.
Bình quân mỗi hội nghị, thường có phân nửa số người tham dự quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngay. Đơn cử, tại hội nghị tại Nhà văn hoá thôn Bưởi Rỏi, đã có 39 người tham dự thì đã có đến 25 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh hình thức hội nghị trực tiếp, các hình thức truyền thông, vận động khác cũng được BHXH huyện Quảng Trạch tăng cường thực hiện, như qua báo chí, truyền thanh cơ sở, người uy tín trong cộng đồng, pano, áp phích… Nhờ đó, hết năm 2021, toàn huyện đã có trên 4.500 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 6,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; hơn 82.000 người tham gia BHYT…