Đưa ẩm thực vào ca trù: Nên chứ!

Đưa ẩm thực vào ca trù: Nên chứ!
TP- Đọc bài “Ẩm thực có vực nổi ca trù” trên Tiền Phong ngày 5/6, có đôi chút băn khoăn nhưng không đến nỗi lo sợ như tác giả bài: “Ẩm thực vực ca trù: Ca trù còn hay mất?” cũng Tiền Phong hôm 10/6.

Ai cũng biết nghệ thuật ca trù nhiều sóng gió, mới tái xuất gần đây, chủ yếu ở phía Bắc. Ca trù từ lời ca, âm nhạc đến không gian diễn xướng phù hợp với tâm tư, tình cảm, lối sống của người đất Bắc.

Ở miền Nam, gần đây cũng xuất hiện câu lạc bộ ca trù và hát thơ, thấy ca trù đang tìm hướng đến với công chúng. Vấn đề là làm gì và làm thế nào để đảm bảo ca trù vẫn là ca trù.

Ca trù ra đời gắn với tầng lớp học thông hiểu thạo trong xã hội phong kiến, chỉ phục vụ số ít và số này cũng phải là những nhóm bạn tâm giao. Ca trù không phải nghệ thuật phục vụ đại bộ phận quần chúng.

Vì vậy, để ca trù tồn tại không nhất thiết phải có đông khán giả, mà làm sao để có lượng khán giả dù nhỏ nhưng hiểu và biết chơi ca trù.

Ở góc độ nào đó, có thể coi ca trù dường như không có khán giả, bởi người thưởng thức cũng phải cầm trống chầu, cùng tham gia dàn nhạc. Người này thường là tác giả thơ, sau khi sáng tác thì nhờ ca nương chắp thêm cánh, để rồi tự nhấm nháp lời thơ của mình. Trong lúc thưởng thức, thấy ưng họ sẽ nhả ngọc (vụt roi vào trống chầu).

Giáo sư Tô Vũ - tác giả ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa kể, ngày bé, ông từng theo thân sinh cùng bạn thân của cụ, trong đó có nhà thơ Tản Đà, bắt xe về tận Quảng Ninh, nơi có đào nương mà nhóm bạn cha ông yêu thích. Như thế có nghĩa, ngoài người hát, đàn, trống còn có thể có khách thơ, nhưng không nhiều, là bạn thơ của người cầm trống.

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Ẩm thực có vực nổi ca trù” và bài “Ẩm thực vực ca trù: Ca trù còn hay mất?”, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Số báo này, chúng tôi tiếp tục đăng ý kiến về vấn đề này.

Mọi ý kiến đóng góp khác cho vấn đề này và bài gửi cho chuyên mục Trao đổi, xin gửi về hộp thư traodoi@gmail.com hoặc gửi đến tòa soạn báo Tiền Phong.

Trước đây, thơ dùng hát ca trù bao giờ cũng có ít nhất một cặp theo kiểu chơi chữ. Như bài Đào hồng đào tuyết của Dương Khuê là tâm sự về một cuộc tình chênh lệch tuổi tác.

Mở đầu, tác giả giới thiệu: “Khi xưa Tuyết muốn lấy ông/ Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì/Bây giờ Tuyết đã đến thì/ Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già”.

Sau này, lời thơ trên bị cho là không phù hợp, NSND Quách Thị Hồ thay bằng: “Non xanh xanh, nước xanh xanh/Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa”.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ hát lời này mà ít biết đến lời cũ. Gần như toàn bộ lời thơ trong bài đều rõ ràng dễ hiểu như bốn câu thơ trên, song, có hai câu không phải ai cũng biết: “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/ Quân kim hứa ngã giá thành ông”. Mà đây mới là mấu chốt, điểm đắt giá trong bài.

Nó có mối liên hệ mật thiết với bốn câu mưỡu mở đầu nhưng ẩn vào lời Hán Việt, đại ý vẫn là: Lúc ta còn sung sức tung hoành thì em còn bé, nay khi em lớn, em ưng cưới thì ta thành ông già! Giả sử mất hai câu thơ ấy thì bài mất đi bản sắc ca trù. Song, nếu giữ nguyên mà hát cho đại bộ phận quần chúng thì liệu người tiếp nhận có hiểu?

Việc gắn ẩm thực với ca trù từ xa xưa các cụ đã làm (không kể thời kỳ ca trù bị lợi dụng). Bởi, nếu vài cụ ngồi đàm đạo thơ, thưởng thức ca trù, có say nàng thơ tới quên đất trời thì cũng không thể thiếu tách trà và tiệc nhẹ. Hát và nghe ca trù có khi thâu đêm, không ăn uống gì thì lấy đâu sức. Tức là có thể đưa ẩm thực vào ca trù.

Nhưng đưa thế nào để không phá. Những: “Đầy đĩa ốc nhồi ăn những bổ/Cả tô cua gạch chén càng ngon” (bài Riêu cua, bún ốc) hay “Thong thả húp quanh ngồi ngẫm nghĩ/ Thòm thèm vét sạch tựa suy tư” (bài Cháo lòng) lời thơ nôm na thế có chăng chỉ hợp với những loại hình dân dã như xẩm, chèo.

Hy vọng và tin rằng, những người mang ca trù sánh duyên cùng ẩm thực chỉ phổ những lời thơ nôm na ấy theo lối hát thơ cho vui chứ không định biến tướng ca trù.

MỚI - NÓNG