Dự toán ngân sách, sao phải 'mật'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 quá thận trọng. Đặc biệt, đến nay dù quy định phải công khai dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng việc đóng dấu mật, khiến người dân, chuyên gia không dễ tiếp cận, dẫn tới việc góp ý chỉ mang tính hình thức.

Chiều 10/11, tại tọa đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 - Triển vọng và Thách thức”, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết, năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 1.621 nghìn tỷ đồng (tăng 0,4%). Trong đó, thu nội địa khoảng 1.334 nghìn tỷ đồng (tăng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022); thu từ dầu thô 42 nghìn tỷ đồng (giảm 38%), thu cân đối từ xuất nhập khẩu 239 nghìn tỷ đồng (giảm 2,8%).

Dự toán ngân sách, sao phải 'mật'? ảnh 1

PGS, TS Vũ Sỹ Cường.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đặc biệt việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ và một số nước lớn đang tác động mạnh đến thị trường tài chính và hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu. Ở trong nước, dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế dần hồi phục, song áp lực lạm phát và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đánh giá về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công cho rằng, việc thay đổi chi tiêu trong cơ cấu ngân sách được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn khi dự toán giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ lệ chi đầu tư, đồng thời có chi tiết về bổ sung mục tiêu cho ngân sách.

Tuy nhiên, theo ông Cường, dự toán thu vẫn còn quá thận trọng khi chỉ tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022, trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm tới và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%. Đồng thời, dự toán vẫn chưa có các kịch bản khác nhau khi tình hình vĩ mô dự báo có nhiều biến động.

Điều đáng nói là dù luật quy định công khai minh bạch dự toán NSNN nhưng đến nay Bộ Tài chính chỉ công khai một bản khái quát rất ngắn gọn trên trang thông tin điện tử của bộ, người dân và chuyên gia hầu như không thể tiếp cận để góp ý, trao đổi được.

“Việc thu chi của các bộ, ngành và địa phương không có gì cần phải kín đến mức Bộ Tài chính phải đóng dấu mật. Cứ chờ đến sát ngày họp Quốc hội, Bộ mới thông tin và gửi đại biểu quốc hội nên nhiều đại biểu cho biết, muốn tham vấn ý kiến cũng không được. Nếu vẫn duy trì tình trạng này, việc thảo luận về NSNN sẽ chỉ mang tính hình thức”, ông Cường nói.

Đồng tình với quan điểm này, TS Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, Quốc hội khóa XIV cho rằng, dù quy định Bộ Tài chính phải gửi đến đại biểu quốc hội bản dự toán NSNN trước 20 ngày nhưng nhiều năm làm đại biểu quốc hội, ông cũng chưa bao giờ nhận được đúng thời gian, dẫn tới có rất ít thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.